23/12/2024

Ấn Độ rút ống thở người già, nhường oxy cứu người trẻ

Ấn Độ rút ống thở người già, nhường oxy cứu người trẻ

Giữa tâm “bão” COVID-19, một vài gia đình đã phải cắn răng chấp nhận để bệnh viện rút máy thở của người thân, nhường dưỡng khí cho những người có cơ hội sống lớn hơn.

 

Ấn Độ rút ống thở người già, nhường oxy cứu người trẻ - Ảnh 1.

Một người dân Ấn Độ theo dõi nhịp thở của người thân đang nằm ngoài trời, chờ được nhập viện ở New Delhi – Ảnh: REUTERS

Sau khi gia đình bệnh nhân đồng ý, các bác sĩ tại Bệnh viện Gorakhpur (Ấn Độ) đã quyết định rút máy thở của các bệnh nhân lớn tuổi mắc COVID-19 nặng, nhường cơ hội sống cho những người bệnh trẻ hơn và bị bệnh nhẹ hơn.

“Tình trạng của cả 3 bệnh nhân này không hề tiến triển trong suốt tuần qua, họ phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và tổn thương phổi lên đến 90%, hầu như không còn hi vọng cứu chữa. Do đó, chúng tôi đã trao đổi với gia đình để nhường cơ hội cho những bệnh nhân khác”, bác sĩ Manoj Yadav chia sẻ với nhật báo Indian Express.

Đối với Bệnh viện Gorakhpur, sự hi sinh và đồng cảm của người nhà với các bệnh nhân khác là điều vô cùng quý giá.

“Tình trạng thiếu hụt oxy ở Gorakhpur đang rất trầm trọng. Người nhà bệnh nhân đã chờ hàng giờ ngoài kia để được nạp oxy, nhưng oxy tại các kho dự trữ của bệnh viện hiện còn rất ít”, bác sĩ Yadav nói.

Ấn Độ rút ống thở người già, nhường oxy cứu người trẻ - Ảnh 2.

Các bình oxy trở thành hàng hóa đắt đỏ, bị săn tìm nhiều nhất ở Ấn Độ trong những ngày này – Ảnh: REUTERS

Không chỉ khan hiếm oxy, theo Đài NBC News, hầu hết bệnh viện tại nhiều thành phố Ấn Độ không còn giường bệnh.

“Tôi đã đưa em trai đi khắp 12 bệnh viện nhưng đều bị từ chối, tôi thậm chí còn cầu xin họ cho em tôi nằm trên sàn thôi cũng được, nhưng câu trả lời vẫn là không” – Đài BBC dẫn lời anh Ujwala Dupare, người nhà một bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố Chandrapur, đau xót kể lại.

Tương tự anh Dupare, chị Anshu Priya cũng không thể tìm được chiếc giường trống nào cho bố chồng dù đang sống ngay giữa thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Gia đình chị đành phải chăm sóc ông tại nhà.

Nhưng việc tìm mua oxy tại các cửa hàng cũng trở nên vô vọng, buộc họ phải tìm đến chợ đen. Priya cho biết cô đã chi tới 50.000 rupee (khoảng 15 triệu đồng) để mua một bình oxy loại 50 lít ở chợ đen – đắt gấp 10 lần bình thường.

Ấn Độ rút ống thở người già, nhường oxy cứu người trẻ - Ảnh 3.

Giá một số loại thuốc dùng cho bệnh nhân COVID-19 lúc bình thường (usual price) và trên thị trường chợ đen (black market price) khi bùng dịch – Nguồn: BBC

Remdesivir, một loại thuốc kháng virus, đang bị “hét giá” trong các chợ đen. Qua điều tra ban đầu, Đài BBC cho biết các đại lý ở New Delhi đồng ý cung cấp cho họ mỗi lọ Remdesivir 100mg với giá hơn 24.000 rupee (khoảng 7 triệu đồng), gấp 5 lần giá niêm yết trên thị trường.

Nhiều người vẫn “bấm bụng” mua vì họ rất cần thuốc điều trị cho người thân, và để dành sử dụng trong trường hợp được nhập viện.

Do được săn lùng nhiều, những hộp thuốc giả cũng đã xuất hiện. Nhưng vì quá tuyệt vọng, theo BBC, người dân ở đây vẫn sẵn sàng mua bất cứ thứ gì, từ oxy đến thuốc men, ngay cả khi biết chúng có vấn đề.

Sự tuyệt vọng trong đại dịch biến dân thường thành mồi ngon cho những kẻ bất lương ở chợ đen.

Chính quyền một số bang hứa sẽ trấn áp các hoạt động tiếp thị đen và tiến hành một số vụ bắt giữ. Song những kẻ lợi dụng nỗi sợ của người khác để kiếm chác vẫn quá đông, tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và sống khỏe.

Ấn Độ rút ống thở người già, nhường oxy cứu người trẻ - Ảnh 4.

Nhân viên một tổ chức phi chính phủ lạy một người dân, van xin họ đeo khẩu trang trong một chiến dịch tăng nhận thức cộng đồng ngày 23-4 – Ảnh: AFP

KỲ THƯ
TTO