Các vụ tấn công thể chất, lăng mạ bằng lời nói và mới đây nhất là vụ xả súng ở Georgia đã khiến nhiều người gốc Á cảm thấy lạc lõng ở nơi họ xem là quê hương của mình. Trong ảnh: Một phụ nữ cầm biểu ngữ ghi thông điệp “Chúng tôi cũng là người Mỹ” như thể hiện sự chua chát của những người gốc Á khi bị phân biệt đối xử ở Mỹ – Ảnh: AFP
“Chúng tôi không phải virus”, một người cầm theo biểu ngữ. “Chúng tôi cũng là người Mỹ mà”, một biểu ngữ khác ghi, đầy chua chát ở quốc gia tự hào là hợp chủng quốc.
“Tâm lý thù hằn chủng tộc sẽ không có bến đỗ an toàn ở Mỹ. Tất cả chúng ta phải hợp sức để ngăn chặn tâm lý đó”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh sau cuộc gặp với những người lãnh đạo cộng đồng gốc Á ở Georgia ngày 19-3.
Đi cùng ông có Phó tổng thống Kamala Harris, nữ phó tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
“Phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ và nó luôn luôn như vậy. Chứng bệnh bài ngoại là có thật ở Mỹ và luôn luôn xảy ra. Phân biệt giới tính cũng vậy – bà Harris nhấn mạnh – Tổng thống và tôi sẽ không im lặng. Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi sẽ luôn lên tiếng chống lại bạo lực, tội ác xuất phát từ lòng căm thù và phân biệt đối xử ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào nó xảy ra”.
Theo báo cáo của Stop Asian American Pacific Islander Hate (Stop AAPI Hate), tính từ ngày 19-3-2020 tới ngày 28-2-2021, tổ chức này đã ghi nhận được tổng cộng 3.795 vụ kỳ thị đối với người gốc Á trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng mạ, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến và các hình thức vi phạm quyền công dân.
Báo cáo cho thấy lăng mạ bằng lời nói chiếm phần lớn (68,1%), kế đến là né tránh (20,5%) và hành hung thân thể (11,1%). AAPI là thuật ngữ dùng để chỉ những người Mỹ đến từ lục địa Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Stop AAPI Hate được lập ra để vận động chấm dứt phân biệt đối xử nhắm vào nhóm AAPI.
Thống kê của Stop AAPI Hate cho thấy phụ nữ là nạn nhân bị kỳ thị nhiều gấp 2,3 lần so với nam giới. Trong khi đó người Trung Quốc là nhóm dân tộc bị kỳ thị nhiều nhất (42,2%), tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%).
“Số vụ kỳ thị được báo cáo cho Stop AAPI Hate chỉ chiếm một phần nhỏ so với số thực sự xảy ra. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy người Mỹ gốc Á dễ bị phân biệt đối xử như thế nào và các kiểu kỳ thị mà họ phải đối mặt”, báo cáo nêu rõ.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người Mỹ vẫn tin rằng dân gốc Á sẽ không bị ảnh hưởng lớn vì có điều kiện kinh tế – tài chính tốt. Trớ trêu thay, đó chính là một trong những định kiến mà người gốc Á đối mặt ở Mỹ. Trong ảnh: Một người Mỹ gốc Hàn Quốc kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc và thù ghét người gốc Á ở New York ngày 19-3 – Ảnh: AFP
Ellen Wu, giáo sư lịch sử tại Đại học Indiana, cho biết người gốc Á ở Mỹ từ lâu đã bị nhìn với định kiến Model Minority Myth (tạm dịch: Huyền thoại về nhóm thiểu số kiểu mẫu). Họ luôn được cho là những người thành công của xã hội, chăm chỉ làm ăn và tích cóp của cải nên vươn lên nhanh chóng, theo giáo sư Wu – Ảnh: REUTERS
Trên thực tế vẫn còn nhiều người gốc Á sống chật vật, làm lụng vất vả để sống qua ngày ở Mỹ và không ít người đã bị đại dịch thổi bay tài sản góp nhặt suốt nhiều năm. Trong ảnh: Một người Mỹ da trắng thắp nến cầu nguyện cho một nạn nhân trong vụ xả súng ở Georgia, tại lễ tưởng niệm ở New York ngày 19-3 – Ảnh: REUTERS
Người Mỹ gốc Á và người Mỹ da trắng cùng tham gia lễ tưởng niệm ở New York các nạn nhân trong vụ xả súng ở Georgia. 6/8 người thiệt mạng được cho là có gốc gác từ Hàn Quốc – Ảnh: REUTERS
Biểu cảm của Tổng thống Mỹ Biden ngày 19-3 sau cuộc gặp với lãnh đạo các nhóm gốc Á ở Georgia để nghe những khó khăn và đe dọa mà họ đang đối mặt – Ảnh: REUTERS
Giáo sư người Mỹ gốc Á Russell Jeung từ Trường ĐH bang San Francisco, người đồng sáng lập Stop AAPI Hate, cho rằng các vụ kỳ thị sẽ vẫn không giảm bớt trừ khi có hành động cụ thể. Trong ảnh: Người Mỹ ở New York tập trung trước lễ tưởng niệm các nạn nhân ở Georgia – Ảnh: AFP
Bé Melanie Volanos, 9 tuổi, ở Los Angeles (bang California), viết thông điệp lên ôtô trước cuộc tuần hành bằng xe kêu gọi chấm dứt bạo lực nhắm vào người gốc Á ngày 19-3 – Ảnh: REUTERS
Một người đàn ông trong trang phục người tu hành chắp tay cầu nguyện cho các nạn nhân ở Georgia trong lễ tưởng niệm tại New York ngày 19-3 – Ảnh: REUTERS
Thống kê của AAPI cho thấy các doanh nghiệp là nơi diễn ra chủ yếu các vụ phân biệt đối xử (35,4%), tiếp theo là đường phố công cộng (25,3%) và công viên công cộng (9,8%). Kỳ thị trực tuyến chiếm 10,8% tổng số vụ. Có 1.691 trong tổng số vụ (44,56%) diễn ra ở California, 517 vụ (13,62%) ở bang New York.
Với dân số chiếm tới 5,6%, cộng đồng người gốc Á là nhóm cử tri đáng quan tâm ở Mỹ. Nhiều chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ đã xuống đường, tham gia các cuộc tuần hành và chia sẻ với người gốc Á sau vụ xả súng ở Georgia. Trong ảnh: Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Đảng Dân chủ tham gia tuần hành với người gốc Á tại New York ngày 19-3 – Ảnh: AFP