11/01/2025

Tạo em bé có gen chỉnh sửa: Cảnh báo hậu quả khôn lường

Tưởng chừng sẽ được đón nhận một cách tích cực, nhưng nghiên cứu về chỉnh sửa gen trên cơ thể người của một nhà khoa học Trung Quốc đã bị chỉ trích kịch liệt, kèm theo là các cảnh báo về hậu quả khôn lường.

 

Tạo em bé có gen chỉnh sửa: Cảnh báo hậu quả khôn lường

Tưởng chừng sẽ được đón nhận một cách tích cực, nhưng nghiên cứu về chỉnh sửa gen trên cơ thể người của một nhà khoa học Trung Quốc đã bị chỉ trích kịch liệt, kèm theo là các cảnh báo về hậu quả khôn lường.


 

Tạo em bé có gen chỉnh sửa: Cảnh báo hậu quả khôn lường - Ảnh 1.

Ông Hạ Kiến Khuê (trái) làm việc tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc) – Ảnh: AP

Thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào một nhà khoa học Trung Quốc có tên Hạ Kiến Khuê. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông đăng video tuyên bố tạo ra được hai bé gái sinh đôi chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới hôm 26-11, một cơn sốc đã lan tỏa từ Trung Quốc đại lục sang tận nước Mỹ.

Nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê vi phạm nghiêm trọng đạo đức và các nguyên tắc học thuật. Nghiên cứu này đã được giáo sư Hạ tiến hành ở bên ngoài trường học.

Trường đại học Khoa học và kỹ thuật miền Nam (SUST) ở Thâm Quyến, nơi ông Hạ giảng dạy, cho biết 

“Điên rồ”, “phớt lờ nguyên tắc đạo đức”

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, Ủy ban sức khỏe quốc gia Trung Quốc ngay lập tức đã vào cuộc sau khi thông tin về nghiên cứu của ông Hạ nở rộ trên các mặt báo. Cuối ngày 26-11, cơ quan này đã phát lệnh yêu cầu các quan chức “điều tra nghiêm khắc và xác minh” ngay lập tức.

“Nghiên cứu này hoàn toàn phớt lờ các nguyên tắc về đạo đức y sinh và về việc tiến hành các thí nghiệm trên cơ thể người mà không chứng minh được nó an toàn hay không. Chúng tôi chỉ có thể diễn tả hành vi như vậy là điên rồ” – ông Cừu Tử Long, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) ở Thượng Hải, nhận định.

Hơn 120 nhà nghiên cứu cùng ký tên vào lá thư lên án nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê, đồng thời yêu cầu nhà chức trách xử lý thích đáng. Trong số này có các nhà khoa học đến từ ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa cùng nhiều đại học danh tiếng khác ở Trung Quốc.

Theo Uỷ ban kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ của TP Thâm Quyến, thí nghiệm của ông Hạ chưa từng được đem đi đăng ký tại ủy ban này.

Trong khi đó, các viện nghiên cứu có liên quan tới ông Hạ cũng tuyên bố không dính dáng. Tạp chí MIT Technology Review, nơi đầu tiên phát đi thông tin cho biết ông Hạ Kiến Khuê đã tiến hành dự án bí mật trên, cũng cảnh báo công nghệ chỉnh sửa gen này sẽ gây tranh cãi về mặt đạo đức.

Tại Mỹ, sự việc cũng bị đẩy lên cao trào không kém. Theo ABC News, ĐH Rice đã mở một cuộc điều tra đối với một trong các giáo sư của trường là Michael Deem. Vị giáo sư vật lý và sinh học cũng tham gia vào dự án chỉnh sửa gen của ông Hạ Kiến Khuê. Trường này cũng cho biết không hay biết gì về nghiên cứu trên.

Lo ngại lan rộng

 

Ông Hạ cho biết cặp song sinh Lộ Lộ và Na Na được sinh ra bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, trứng đã trải qua quá trình chỉnh sửa trước khi cấy vào tử cung người mẹ. “Khi Lộ Lộ và Na Na chỉ là một đơn bào, cuộc phẫu thuật đã loại bỏ con đường mà virút HIV sử dụng để thâm nhập và lây nhiễm cho con người”, ông Hạ cho biết.

Cụ thể, nhà khoa học Trung Quốc cho biết khi ghép tinh trùng của người cha vào trứng, các bác sĩ sẽ cấy thêm protein CRISPR/Cas9 và thực hiện một cuộc “phẫu thuật” loại bỏ gen CCR5.

Trong đoạn video hôm 26-11, ông Hạ đã nói về nghiên cứu của mình: “Trong 40 năm qua, các quy định và yếu tố đạo đức đã phát triển song song với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)…Phẫu thuật gen chỉ là một tiến bộ khác của IVF và chỉ được dùng để giúp một số ít gia đình”.

Trên mạng xã hội Weibo, nghiên cứu của ông Hạ đang là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trong ngày 27-11. Nhiều người lo ngại công nghệ này sẽ được các cặp vợ chồng giàu có sử dụng để tạo ra những đứa bé theo ý muốn và thậm chí “siêu nhân” (có khả năng vượt trội người bình thường).

Việc chỉnh sửa gen hiện bị cấm tại nhiều nước. Các nhà khoa học cảnh báo những thay đổi đối với gen sẽ di truyền sang các thế hệ tiếp theo và cuối cùng ảnh hưởng đến quỹ gen chung của nhân loại.

Hiện Trung Quốc không có lệnh cấm rõ ràng đối với việc chỉnh sửa gen trên phôi thai. Tuy nhiên, Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Y tế nước này đã công bố các chỉ đạo về đạo đức. Theo đó, họ nêu rõ các phôi thai được dùng trong nghiên cứu không thể được cấy vào cơ thể hay động vật để phục vụ quá trình sinh sản.

gen

Cộng sự của ông Hạ bỏ phôi thai vào dụng cụ chứa phôi – Ảnh: AP

Ngày 27-11, Hội nghị quốc tế về chỉnh sửa gen người (ISHGE) lần thứ hai đã khai mạc tại Hong Kong. Sự kiện được Viện Khoa học Hong Kong (ASHK), Hội Hoàng gia Anh (BRS), Viện Khoa học quốc gia Mỹ (NAS) và Viện Y học quốc gia Mỹ (NAM) tài trợ.

Trước những lùm xùm xoay quanh nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê, chủ tịch uỷ ban tổ chức hội nghị David Baltimore cho biết một tuyên bố chính sách về chỉnh sửa gen sẽ được đưa ra vào cuối hội nghị. Hội nghị dự kiến kết thúc vào ngày 29-11.