14/01/2025

Lằn ranh đỏ vương triều Sa’oud

Sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, truyền thông quốc tế và khu vực liên tiếp hướng mọi nghi vấn, thậm chí muốn khẳng định, nhắm vào hoàng thái tử Mohammed Bin Salman (MBS).

 

Lằn ranh đỏ vương triều Sa’oud

Sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, truyền thông quốc tế và khu vực liên tiếp hướng mọi nghi vấn, thậm chí muốn khẳng định, nhắm vào hoàng thái tử Mohammed Bin Salman (MBS).



Lằn ranh đỏ vương triều Sa’oud - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia diễn đàn Misk Global ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 14-11 “selfie” cạnh ảnh chân dung của hoàng thái tử Mohammed Bin Salman – Ảnh: REUTERS

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Asharq al-Awsat ngày 19-11, Ngoại trưởng Adel al-Jubeiir nhấn mạnh: “Tôi khẳng định rằng ban lãnh đạo vương quốc Saudi Arabia, đại diện là đức vua Salman Bin Abdull Azeez và hoàng thái tử Mohammed Bin Salman, là lằn ranh đỏ. Chúng tôi không cho phép bất cứ nỗ lực nào đụng chạm đến ban lãnh đạo ấy, dù đó là từ phía nào, bất luận vì lý do gì”.

Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman đứng vững

Sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ngày 2-10 bên trong tòa lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), truyền thông quốc tế và khu vực, nhất là từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, liên tiếp hướng mọi nghi vấn, thậm chí muốn khẳng định, nhắm vào hoàng thái tử Mohammed Bin Salman (MBS), cho rằng chính ông này là cấp cao nhất đã ra lệnh cho thực hiện vụ sát hại này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayieb Erdogan từng công khai khẳng định “một trong những cấp cao nhất của Saudi Arabia” đã ra lệnh giết hại nhà báo Khashoggi. Lời của ông Erdogan được phân tích là ám chỉ hoàng thái tử MBS.

Chính quyền Ankara đã tung mọi nỗ lực có thể để tự mình điều tra vụ này, với lập luận rằng “vụ việc xảy ra bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia, nhưng trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”. Cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã được phép vào trong tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ về vụ sát hại.

Các chứng cứ do Thổ Nhĩ Kỳ thu thập được qua quá trình điều tra ráo riết đã buộc phía Saudi phải từ chỗ cho rằng Khashoggi “đã ra khỏi lãnh sự quán an toàn”, đến phải thừa nhận đương sự “đã bị giết chết” mà chính hoàng thái tử MBS cũng công nhận đây là một vụ “man rợ và đau lòng”!

Thổ Nhĩ Kỳ còn lấp lửng lâu nay về một băng ghi âm thu được, mà truyền thông đoan chắc đó là “bằng chứng xác đáng” về thủ phạm đã ra lệnh cho thực hiện vụ giết người này. Nhưng đến ngày 19-11 thì có lẽ lá át chủ bài này của Thổ Nhĩ Kỳ đã không đủ thiêng để buộc tội hoàng thái tử MBS.

Ngày 20-11, tổng thống Mỹ khẳng định báo cáo mới nhất của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ về vụ sát hại nhà báo Khashoggi “không đoan chắc 100%” là hoàng thái tử Saudi có dính đến vụ này.

Cũng ngày 19-11, tổng chưởng lý Vương quốc Saudi Arabia ra thông báo “kết luận điều tra ban đầu” về vụ này, trong đó đã thẩm vấn 21 người, truy tố 11 người và đề nghị kết án tử hình 5 người; không nhắc đến MBS.

Cùng ngày, phía Saudi Arabia chính thức thông báo hoàng thái tử MBS sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao của vương quốc này đi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại thủ đô Argentina vào cuối tháng 11. Đây là một trong những chặng dừng chân của hoàng thái tử trong chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên của ông kể từ sau khi bùng phát vụ án Khashoggi.

Cũng trong khi trả lời nhật báo Asharq al-Awsat ngày 19-11, Ngoại trưởng al-Jubeiir khẳng định: Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xác nhận nước này “không có ý ám chỉ hoàng thái tử MBS” liên quan đến vụ nhà báo bị sát hại! Nếu vậy, có thể hiểu là Thổ Nhĩ Kỳ cũng không moi đâu ra được các bằng chứng pháp lý thuyết phục để hạ gục cá nhân người mà họ muốn nhắm tới!

Đồng minh không thể thay thế của Mỹ ở Trung Đông

 

Ngay từ khi vụ sát hại Khashoggi mới phát lộ, dù bị nhiều áp lực, Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ không muốn làm gì để ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ rất đặc biệt giữa ông với vương triều Saudi Arabia, cụ thể là với cá nhân hoàng thái tử MBS.

Khi ấy, ông Trump đã nói ông không muốn vuột mất các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia lên đến hơn 100 tỉ USD, mà tổng thống Mỹ lo ngại các hợp đồng này sẽ rơi vào tay Nga và Trung Quốc.

Một trong những trọng điểm đối ngoại mà Tổng thống Trump tập trung triển khai ngay từ khi mới bước vào Nhà Trắng gần 2 năm trước là khu vực Trung Đông. Nội dung cốt lõi của lợi ích Mỹ dưới thời Trump ở khu vực này là bảo vệ đồng minh Israel và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran.

Để thực hiện ý đồ chiến lược này, Trump đã chọn Saudi Arabia làm mũi đột phá, thể hiện bằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân tổng thống đến thủ đô Riyad hồi tháng 5-2017.

Từ đó đến nay, chính quyền Mỹ dồn mọi nỗ lực để tiến tới hình thành cho được một khối liên minh Mỹ – Ả Rập, mà nòng cốt là Saudi Arabia, với các thành viên sáng lập khác là Ả Rập vùng Vịnh, cùng Ai Cập và Jordan.

Khối liên minh này, được coi như “NATO ở Trung Đông” vốn đã có thể hình thành trong năm 2018, nếu không xảy ra xung khắc “đoạn tuyệt” giữa một bên là Qatar (nơi đặt căn cứ Bộ tư lệnh trung tâm quân đội Mỹ – CENTCOM) với bên kia là Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.

Nhưng Tổng thống Trump còn có một ý tưởng rất độc đáo “chưa từng có ở Trung Đông”, đó là tiến tới một hình thái hợp tác, thậm chí là liên minh giữa Ả Rập với Israel. Nếu tham vọng này thành hiện thực thì lịch sử tranh chấp “không đội trời chung” giữa Ả Rập với Israel từ mấy nghìn năm lịch sử sẽ được sang trang!

Hoàng thái tử MBS được coi là nhân vật phù hợp hơn ai hết hiện nay của phía Ả Rập với những lựa chọn chiến lược của tổng thống Mỹ.

Ông Trump: Mỹ vẫn là “đối tác tin cậy” của Saudi Arabia

Nhà Trắng ngày 20-11 (giờ địa phương) phát đi thông báo chính thức của Tổng thống Donald Trump về vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi của Saudi Arabia bị sát hại.

Trong bản tuyên bố, ông Trump ca ngợi Saudi Arabia đã có những đóng góp giúp bình ổn khu vực. Bên cạnh đó, ông Trump nhấn mạnh về cam kết chi tiêu và đầu tư 450 tỉ USD của Saudia Arabia tại Mỹ sau chuyến công du của ông tới nước này năm ngoái. Trong số tiền đó, ông Trump nhấn mạnh có 110 tỉ USD dành mua các loại vũ khí, khí tài quân sự của các tập đoàn quốc phòng Mỹ như Boeing, Martin Lockheed và Raytheon.

Mặc dù khẳng định tội ác với ông Jamal Khashoggi là kinh khủng, và nước Mỹ sẽ không dung thứ tội đó, song ông Trump cho biết Mỹ đã trừng phạt 17 cá nhân người Saudi Arabia được cho là có liên quan vụ việc vừa rồi.

Ông Trump cũng nước đôi khi nói: “Rất có thể thái tử Saudi Arabia đã biết thảm kịch này, nhưng cũng có thể ông ấy không biết!”. Thông điệp quan trọng nhất của ông Trump là nước Mỹ vẫn sẽ là “đối tác tin cậy” quan trọng của Saudi Arabia “để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của Israel và các đối tác khác trong khu vực”.

D.KIM THOA

NGUYỄN NGỌC HÙNG