23/11/2024

Úc dùng vắc xin đổi lấy ảnh hưởng ở các đảo Thái Bình Dương, cạnh tranh Trung Quốc

Úc dùng vắc xin đổi lấy ảnh hưởng ở các đảo Thái Bình Dương, cạnh tranh Trung Quốc

Trong đợt dịch COVID-19, Úc tìm cách thúc đẩy quan hệ với các đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương, thông qua cam kết hỗ trợ vắc xin COVID-19 nhằm cạnh tranh với sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Úc dùng vắc xin đổi lấy ảnh hưởng ở các đảo Thái Bình Dương, cạnh tranh Trung Quốc - Ảnh 1.

Một hòn đảo ở miền trung của đảo quốc Kiribati ở Thái Bình Dương – Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Bloomberg ngày 4-1, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cam kết sẽ hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho các nước láng giềng trong năm 2021, một phần trong gói khoảng 385 triệu USD nhằm giúp toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á được miễn dịch.

Vắc xin miễn phí

Mới đây, lời hứa cung cấp vắc xin miễn phí cũng giúp Canberra đạt được thỏa thuận “cột mốc” với Fiji, một trong những đảo quốc đông dân nhất, cho phép hai bên được tập trận và triển khai quân sự trong phạm vi tài phán của nhau.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds, thỏa thuận này giúp 2 bên nhanh chóng triển khai lực lượng thực hiện các sứ mệnh bảo vệ và mở đường cho việc hợp tác an ninh hàng hải.

“Úc đã tăng cường thiện chí khi không bỏ quên Thái Bình Dương trong thời gian khủng khoảng”, nhà nghiên cứu Jonathan Pryke của Viện Lowy ở Sydney nhận định. Theo South China Morning Post, Trung Quốc đến cuối tháng 12-2020 vẫn không đưa cam kết cụ thể nào về việc hỗ trợ vắc xin nào đối với các đảo quốc Thái Bình Dương.

Trong một thập kỷ qua, sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên 14 đảo quốc lớn nhỏ trên Thái Bình Dương ngày càng tăng khiến Mỹ và Úc lo ngại. Tuy chỉ có dân số khoảng 13 triệu người, các đảo quốc này bao gồm hàng ngàn hòn đảo trải dài trên một khu vực tương đương 15% bề mặt trái đất. Giới ngoại giao và tình báo lo ngại mục đích của Trung Quốc là thiết lập căn cứ quân sự trên các đảo quốc này.

Sự cạnh tranh của Úc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng trong năm qua xuất phát từ việc ông Morrison kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc virus corona chủng mới ở Trung Quốc. Vụ việc dẫn đến các màn trả đũa thương mại, đấu khẩu giữa hai bên về thương mại, ngoại giao.

Lựa chọn khác

Úc dùng vắc xin đổi lấy ảnh hưởng ở các đảo Thái Bình Dương, cạnh tranh Trung Quốc - Ảnh 2.

Một cơ sở khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng ở ngoài khơi bờ biển của Papua New Guinea – Ảnh: REUTERS

Canberra tìm cách gây ảnh hưởng tại Thái Bình Dương trong lúc dịch COVID-19 buộc Bắc Kinh rút nhiều công dân ở các đảo quốc về nước và nhiều dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai con đường tại đây cũng đình trệ. Tại Papua New Guinea, các nhân viên Trung Quốc đã rút khỏi khu công nghiệp hàng hải ở bờ đông nước này trong khi nhiều dự án do Trung Quốc hỗ trợ phải dừng lại.

“Papua New Guinea có lý khi muốn có các nhà thầu và nguồn tài chính cạnh tranh… Hầu hết người Papua New Guinea muốn nhìn về ‘những người bạn phía nam’ ở Úc bởi họ hiểu nhau và cũng muốn có thêm nhiều cơ hội”, theo Paul Barker, lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Institute of National Affairs ở Port Morseby, thủ đô Papua New Guinea.

Theo giới phân tích, dịch bệnh sẽ không ngăn được Trung Quốc thực hiện chiến lược của mình ở Thái Bình Dương nhằm gây ảnh hưởng lên các đảo quốc nhỏ bé. Tuy nhiên, ông Paul Maddison, giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng Đại học New South Wales, cho rằng: “Dưới thời chính quyền tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, Mỹ và các nền dân chủ cùng chí hướng sẽ có cơ hội thể hiện cho các nước ở Thái Bình Dương thấy rằng họ có lựa chọn tốt hơn đối với người mà họ muốn chọn hợp tác”.

Trước đó, các chính trị gia Úc và Mỹ kêu gọi các nước đang phát triển tránh vay nợ từ Trung Quốc để không phải rơi vào “bẫy nợ”. Theo viện Lowy (Úc), Bắc Kinh đã rót 1,7 tỉ USD vào các đảo quốc Thái Bình Dương thông qua các khoản hỗ trợ và cho vay. Úc hồi năm 2018 cũng công bố một gói hỗ trợ 1,5 tỉ USD cho khu vực Thái Bình Dương để làm đối trọng.

Theo các nhà phân tích, sự cạnh tranh tại khu vực này sẽ còn khốc liệt hơn khi các nước tìm kiếm sự hỗ trợ để hồi phục sau dịch COVID-19.

“Trung Quốc biết rằng dịch COVID-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế khiến khu vực càng dễ tổn thương và cần các khoản vay, hỗ trợ từ nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra một môi trường chiến lược để họ thúc đẩy lợi ích của mình”, chuyên gia Pryke nhận định.

TRẦN PHƯƠNG
TTO