Bác sĩ ơi: Độ tuổi của bố có ảnh hưởng đến sức khoẻ của con?
Bác sĩ ơi: Độ tuổi của bố có ảnh hưởng đến sức khoẻ của con?
Do nhiều kế hoạch trong công việc và cuộc sống nên vợ chồng tôi có ý định trì hoãn việc có con. Tuy nhiên, do chồng tôi hiện cũng khá lớn tuổi (38 tuổi), nên tôi băn khoăn liệu tuổi tác của bố có ảnh hưởng đến sức khỏe con sau này không? (Ngô Thiên Ngân, 29 tuổi, ngụ TP.HCM)
Bác sĩ Lê Tiểu My (Khoa Phụ sản – Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Mỹ Đức, TP.HCM):
Sinh con khi mẹ lớn tuổi đã được công nhận là không tốt, tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật và các bệnh lý liên quan thai kỳ. Trước đây, người ta tin rằng tuổi người bố không liên quan đến sức khỏe của đứa trẻ. Tuy nhiên, cần xác định lại rằng: Nếu bố lớn tuổi cũng không tốt cho đứa trẻ.
Sản khoa định nghĩa mẹ lớn tuổi khi mang thai sau 35 tuổi. Còn định nghĩa “bố lớn tuổi” có phần thiên vị hơn, đến sau 40 tuổi.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu nam giới có con sau 40 tuổi, đứa trẻ cũng có khả năng bị ảnh hưởng ít nhiều. Cụ thể:
– Tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu: Cả bố và mẹ quyết định có con khi lớn tuổi đều tăng khả năng này. Dù tuổi mẹ liên quan đến nguy cơ này nhiều hơn, nhưng tuổi bố cũng có ảnh hưởng và nam giới cần biết điều này để không trì hoãn việc có con vì bất kỳ lý do nào.
– Tăng nguy cơ bất thường ở thai: Có thể liên quan đến các bất thường hiếm gặp như bất thường phát triển xương chi, hộp sọ và bất thường ở tim.
– Tự kỷ: Kết quả nghiên cứu chứng minh có mối liên quan giữa tuổi bố và rối loạn tự kỷ ở trẻ.
Dù những rủi ro liên quan đến tuổi mẹ trên 40 nhiều hơn, nhưng rõ ràng đã đến lúc nhìn lại một sự thật rằng, mỗi đứa trẻ ra đời đều cần sự đóng góp của cả bố và mẹ
– Tăng nguy cơ một số bệnh về tâm thần, huyết học…
Theo các nhà khoa học, nguy cơ gia tăng bệnh lý có thể là do đột biến gien ngẫu nhiên trong tinh trùng xảy ra ở nam giới lớn tuổi nhiều hơn nam giới trẻ tuổi. Dù những rủi ro này liên quan đến tuổi mẹ trên 40 nhiều hơn, nhưng rõ ràng đã đến lúc nhìn lại một sự thật rằng, mỗi đứa trẻ ra đời đều cần sự đóng góp của cả bố và mẹ.
Chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ cũng vậy, không thể là “con hư tại mẹ”. Nếu bố lớn tuổi, khoảng cách thế hệ cũng có thể là vấn đề nan giải trong việc dạy dỗ con. Đứa trẻ sẽ dễ thiệt thòi hơn nếu không có một người bố – cũng có thể là bạn – bên cạnh, chơi đủ thứ trò trẻ con vui nhộn. Bố có thể gần gũi, chơi đùa cùng con đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có đóng góp ít nhiều cho sự phát triển của trẻ.
Khuynh hướng có con muộn hiện nay không ít. Đứa trẻ không thể quyết định thời điểm có mặt của mình trên đời này, nên chăng người làm bố mẹ muốn cho con những gì tốt nhất, có lẽ đừng trì hoãn việc có con.
KHẢI LINH
TNO