Đã có người đầu tiên tử vong khi thử nghiệm vắc xin Covid-19?
Đã có người đầu tiên tử vong khi thử nghiệm vắc xin Covid-19?
Giới chức Brazil vừa thông báo một tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19 do Đại học Oxford (Anh) chế tạo vừa tử vong, nhưng cuộc thử nghiệm vẫn tiếp tục diễn ra.
Đây là ca tử vong đầu tiên được ghi nhận trong nhiều cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, theo AFP. Cơ quan giám sát y tế quốc gia Brazil xác nhận đã được thông báo về trường hợp này vào ngày 19.10.
Trong khi đó, báo Brazil Globo và hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin cho rằng người tình nguyện trên nằm trong nhóm kiểm soát và đã được tiêm giả dược chứ không phải vắc xin phòng Covid-19.
Viện nghiên cứu và giảng dạy D’Or (IDOR), đơn vị hỗ trợ tổ chức cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19 ở Brazil cho hay phân nửa số người tình nguyện đã dùng giả dược. Cũng theo IDOR, có 8.000 người tình nguyện đã được tiêm vắc xin Covid-19 ở Brazil.
Theo Globo, người tình nguyện tử vong là một bác sĩ trẻ (28 tuổi), tham gia điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại các phòng cấp cứu và đơn vị chăm sóc đặc biệt tại hai bệnh viện ở thành phố Rio de Janeiro từ tháng 3. Thanh niên này tốt nghiệp trường y hồi năm ngoái và trong tình trạng sức khỏe tốt trước khi nhiễm Covid-19, theo người thân và bạn bè của anh cho Globo hay. CNN thì loan tin vị bác sĩ trẻ chết do biến chứng của Covid-19.
Một nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng cuộc thử nghiệm sẽ tạm dừng nếu người tình nguyện tử vong trước đó đã được tiêm vắc xin Covid-19. Trong khi đó, các tổ chức liên quan đến việc nghiên cứu vắc xin khẳng định một cuộc kiểm tra độc lập đã kết luận không có quan ngại về an toàn đối với vắc xin nói trên, được phát triển bởi hãng dược đa quốc gia AstraZeneca, và cuộc thử nghiệm sẽ tiếp tục diễn ra, theo AFP.
Hồi tháng trước, Oxford và AstraZeneca đã tạm dừng cuộc thử nghiệm vắc xin khi một người tình nguyện ở Anh mắc một bệnh không giải thích được. Cuộc thử nghiệm được khôi phục sau khi giới chức Anh và cuộc kiểm tra độc lập kết luận bệnh lạ đó không phải do tác dụng phụ của vắc xin Covid-19.
VĂN KHOA
TNO