Chuyển động mới trên Biển Đông
Chuyển động mới trên Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông, trong khi chính phủ Philippines có động thái mới có thể thúc đẩy hợp tác dầu khí với Trung Quốc ở khu vực.
Mỹ gia tăng hiện diện
Hạm đội 7 hôm qua 16.10 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông, với các tiêm kích cất cánh từ hàng không mẫu hạm này. Trong lúc ở Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan thực hiện các hoạt động an ninh biển, bao gồm tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị, theo thông báo đăng trên website của Hạm đội 7.
Đây là lần thứ 3 nhóm tác chiến tàu sân bay này được triển khai hoạt động ở Biển Đông, hai lần trước vào tháng 7 và 8.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, không đoàn số 5, tuần dương hạm USS Antietam, hai khu trục hạm USS Mustin và USS John S.McCain. Trong đó, USS John S.McCain có cuộc tập trận chung với hai khu trục hạm Nhật ở Biển Đông từ ngày 12 – 13.10. Cuộc tập trận chung này diễn ra 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Nhật Kevin Schneider chia sẻ quan ngại về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hôm 13.10, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Gilbert Gapay cũng đã cảnh báo tình hình Biển Đông “trở nên căng hơn” vì Trung Quốc gia tăng hoạt động, trong có việc phóng tên lửa đạn đạo tới vùng biển này hôm 26.8, theo trang tin Rappler.
Lo ngại Trung Quốc lợi dụng “khai thác chung” ở Biển Đông
Cũng trong hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố nước này hy vọng có thể làm việc với Philippines trong việc khai thác năng lượng chung ở Biển Đông, theo Reuters. Ông Triệu nhấn mạnh Trung Quốc và Philippines đã đạt được sự đồng thuận về việc khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và đã thiết lập cơ chế hợp tác cho các cuộc tham vấn liên quan.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho hay Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê chuẩn việc dỡ bỏ lệnh tạm hoãn thăm dò dầu khí ở Biển Đông được áp dụng từ năm 2014, khi Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bộ trưởng Alfonso Cusi nhấn mạnh chính phủ Philippines ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm khai thác nói trên “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, Công ty Forum Ltd và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC)”.
Forum Ltd, một chi nhánh của Tập đoàn năng lượng PXP (Philippines), thực hiện Hợp đồng dịch vụ (SC) 72 bao gồm việc thăm dò khí đốt tại Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông. PXP đã đàm phán với CNOOC về việc thăm dò và khai thác chung ở Bãi Cỏ Rong. Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Alfonso Cusi cho hay hợp đồng SC 72 cùng hai dự án khác ở Biển Đông có thể được khôi phục từ bây giờ.
Động thái mới của chính quyền Tổng thống Duterte được cho là sẽ thúc đẩy kế hoạch thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan kế hoạch này. Họ cho rằng cái gật đầu của Manila sẽ khiến Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.
Máy bay săn ngầm Trung Quốc lại vào ADIZ của Đài Loan
Thông qua Twitter hôm qua, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan (MND) khẳng định một máy bay săn ngầm Y-8 của quân đội Trung Quốc đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tối 15.10. MND cho biết thêm Lực lượng Phòng vệ Đài Loan đã triển khai máy bay tuần tra và hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi hoạt động của Y-8.
Đây là lần thứ 18 trong vòng một tháng máy bay quân sự Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan, theo Hãng tin CNA.
Ngoài ra, tờ South China Morning Post hôm qua dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ Trung Quốc đã phát triển một loại “máy bay không người lái cảm tử” mới có thể được triển khai thành nhóm để tấn công một mục tiêu. Loại máy bay mới này có thể được triển khai từ xe tải hoặc trực thăng. Nguồn tin không cung cấp chi tiết, nhưng đây được cho là máy bay không người lái tấn công chiến thuật đầu tiên của Trung Quốc.
VĂN KHOA
TNO