Học sinh học thế nào khi chờ sửa sách Cánh Diều?

Học sinh học thế nào khi chờ sửa sách Cánh Diều?

Nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên đang sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều lo lắng việc sẽ dạy và học tiếp cuốn sách này ra sao trong khi chờ chỉnh sửa chính thức.
Những chi tiết không phù hợp trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều sẽ được chỉnh sửa, báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt trước ngày 15.11 /// NGỌC DƯƠNG
Những chi tiết không phù hợp trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều sẽ được chỉnh sửa, báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt trước ngày 15.11 NGỌC DƯƠNG

Phụ huynh lo lắng về “sản phẩm lỗi” đang sử dụng

Bộ sách Cánh Diều (Nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) được các trường lựa chọn nhiều nhất trong số 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được phê duyệt trong năm học này, với khoảng 30%. Nhiều địa phương có tỷ lệ chọn bộ SGK Cánh Diều rất cao. Trong đó, riêng môn tiếng Việt có những địa phương 100% chọn SGK của Cánh Diều như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định. Tỷ lệ chọn SGK Cánh Diều tính theo số học sinh (HS) ở nhiều tỉnh khá cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86%, Thái Bình 64,08%, Hậu Giang 77%…
Tại TP.HCM, có khoảng 20% số trường tiểu học lựa chọn bộ sách Cánh Diều. Riêng tại Hà Nội, nơi có số trường học và HS lớp 1 cao nhất cả nước, cũng có tới khoảng 50% số trường tiểu học chọn SGK của bộ sách Cánh Diều. Một số quận như Tây Hồ có tới 14/15 trường tiểu học chọn bộ SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều với hơn 2.700 HS…
Do vậy, trước thông tin nhiều nội dung trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều sẽ phải chỉnh sửa, thay đổi, nhiều phụ huynh có con học sách này cũng như giáo viên (GV) rất băn khoăn, không biết sách sẽ sửa thế nào, SGK mà con em họ đang dùng có dùng tiếp hay không?…
Một phụ huynh có con đang học lớp 1 Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Sách là do nhà trường chọn, nhưng phụ huynh mới là người trả tiền cho sản phẩm ấy. Do vậy, với tư cách là khách hàng, chúng tôi có quyền được trả lời rõ ràng về “sản phẩm lỗi” mà chúng tôi đã nhận được. Đó là chưa kể việc chúng tôi phải được xin lỗi, thậm chí bồi thường…”.
Đây cũng là tâm trạng của nhiều phụ huynh HS và cả GV. Câu trả lời mà nhiều phụ huynh và GV mong muốn nhận được là đơn vị cung cấp sản phẩm sẽ thu hồi sản phẩm ấy để đổi lại sản phẩm tốt hơn, hay sửa chữa, bổ sung thế nào? Bao giờ thì HS sẽ nhận được bản SGK đã sửa ấy?

Sách là do nhà trường chọn, nhưng phụ huynh mới là người trả tiền cho sản phẩm ấy. Do vậy, với tư cách là khách hàng, chúng tôi có quyền được trả lời rõ ràng về “sản phẩm lỗi” mà chúng tôi đã nhận được. Đó là chưa kể việc chúng tôi phải được xin lỗi, thậm chí bồi thường

Phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội)

Điều mà phụ huynh và GV cũng đặc biệt quan tâm là từ nay đến ngày 15.11, còn gần 1 tháng nữa mới có nội dung chỉnh sửa được phê duyệt, và trong quá trình chờ đợi, HS sẽ học thế nào với SGK chưa sửa? Hiện nay, theo thiết kế chương trình ở lớp 1, mỗi tuần có tới 12 tiết tiếng Việt. Như vậy, nếu phải chờ trong 1 tháng nữa thì đã có khoảng 50 tiết học môn tiếng Việt trôi qua với rất nhiều bài học trong SGK.

Sẽ có hướng dẫn trong khi chờ nội dung sửa chính thức

Xung quanh những băn khoăn trên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản (NXB) và tác giả SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính. Trước mắt, khi chưa có nội dung chỉnh sửa chính thức, tác giả và NXB cần sớm xây dựng hướng dẫn để báo cáo Bộ GD-ĐT và gửi tới các trường, các GV, HS đang sử dụng bộ SGK Cánh Diều để áp dụng phù hợp.
Với câu hỏi sẽ chỉnh sửa SGK theo cách thức thế nào để nội dung ấy đến tay người dạy, người học, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết NXB là đơn vị có trách nhiệm đề xuất với Bộ phương án sửa để Bộ cho ý kiến. Về nguyên tắc là tất cả nhà trường, HS đã chọn, đã mua và sử dụng SGK này phải nhận được nội dung chỉnh sửa, hiệu đính sau khi nội dung đó đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Một đại diện khác của Bộ GD-ĐT cho hay toàn bộ kinh phí cho việc chỉnh sửa, hiệu đính chắc chắn sẽ do NXB có SGK này chi trả, và nội dung hiệu đính tất nhiên phải phát miễn phí tới các nhà trường, HS, chứ không sử dụng ngân sách nhà nước, vì việc biên soạn SGK lớp 1 cũng không hề sử dụng ngân sách mà kinh phí là do các NXB đầu tư.
Yêu cầu thì nhà xuất bản sẽ thực hiện
Chiều 16.10, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu thì NXB sẽ thực hiện theo đúng quy định và trên tinh thần cầu thị. Về phương án thực hiện, ông Hà cho biết đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ và sẽ làm tốt nhất có thể.
Hà Ánh
Bộ GD-ĐT cho biết riêng về nội dung chỉnh sửa, NXB SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều cũng sẽ xây dựng bản thảo và gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định. Sau khi bản thảo được thẩm định đánh giá “đạt” sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15.11.2020.
Quy trình sửa sách giáo khoa ra sao?
Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, trong đó điều 9 có quy định về quy trình chỉnh sửa SGK.
Theo đó, quy trình chỉnh sửa thực hiện như quy trình biên soạn, trừ quy định về thực nghiệm (trường hợp phải tổ chức thực nghiệm chỉnh sửa do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định). Có thể hình dung tác giả biên soạn SGK sẽ gửi bản thảo chỉnh sửa đến NXB đã xuất bản cuốn sách đó. NXB tổ chức biên tập, hoàn thành dự thảo chỉnh sửa, và gửi Bộ tổ chức thẩm định. Bộ trưởng phê duyệt, cho phép sử dụng nội dung chỉnh sửa ấy.
TUỆ NGUYỄN
TNO