28/11/2024

Làm gì khi con bạn hay hỏi ‘tại sao’?

Có bao giờ bạn cảm thấy lúng túng trước những câu hỏi của con mình, đại loại bắt đầu hai từ ‘tại sao?’. Chẳng hạn, tại sao có ông trời, đất, trăng, sao… vậy ba, mẹ?

 

Làm gì khi con bạn hay hỏi ‘tại sao’?

Có bao giờ bạn cảm thấy lúng túng trước những câu hỏi của con mình, đại loại bắt đầu hai từ ‘tại sao?’. Chẳng hạn, tại sao có ông trời, đất, trăng, sao… vậy ba, mẹ?

 

 

 

Hãy quan tâm trả lời những câu hỏi khi trẻ thắc mắc /// Shutterstock

Hãy quan tâm trả lời những câu hỏi khi trẻ thắc mắc   SHUTTERSTOCK

 
Tìm mọi cách để trả lời câu hỏi của con
Anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM), kể: “Tôi có 2 đứa con, một trai 10 tuổi, một gái gần 4 tuổi. Tôi thường xuyên rơi vào tình cảnh bị con hỏi những câu đại loại như: Tại sao con phải đi học, tại sao lại phải uống nước, phải đánh răng, rồi con sinh ra từ đâu…, ôi thôi nhiều lắm! Con tôi hỏi toàn những câu mà người lớn cũng khó giải thích, đôi khi tôi cũng không biết phải trả lời sao cho con hiểu”.


Kể xong anh Liêm chia sẻ: Nói thế thôi chứ tôi nghĩ ngược lại, nếu bạn có con như vậy thì quả là rất vui và tự hào, vì đứa trẻ có biểu hiện thông minh. Các nhà khoa học cũng thường hay đặt những câu hỏi ‘tại sao’ và họ đã khám phá, phát minh ra những điều tuyệt vời, vĩ đại cho cuộc sống. Ví dụ như nhà vật lý vĩ đại Isaac Newton (người Anh) đã tự hỏi tại sao quả táo rơi xuống đất? Nhờ đó mà ông đã khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn.

 

Theo anh Liêm, khi đứa trẻ hay hỏi và được cha mẹ giải đáp thì chúng mới tạo được cảm xúc tích cực, giúp phát triển trí não tốt được. “Đừng vội mắng hay trả lời qua loa cho xong việc, vì như vậy trẻ sẽ mất động lực tìm tòi, khám phá. Nguy hiểm hơn, nếu con bạn tìm ra được câu trở lời thỏa đáng từ một người nào đó, chúng sẽ mất lòng tin vào cha mẹ và lần sau chúng sẽ không hỏi cha mẹ nữa”, anh Liêm khuyên.
 
Còn chị Trần Thị Ngọc Nhung, nhân viên kế toán (ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói: “Hãy chịu khó lắng nghe, trả lời những thắc mắc của trẻ, như vậy sẽ khích lệ con trong việc tự tìm hiểu, từ đó hình thành thói quen chia sẻ với cha mẹ. Đặc biệt trẻ trong giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi là hay hỏi và hay thắc mắc nhất.
 

Làm gì khi con bạn hay hỏi 'tại sao'? - ảnh 2

Cha mẹ hãy chịu khó lắng nghe, trả lời những thắc mắc của trẻ  ẢNH: SHUTTERSTOCK

Cũng theo chị Nhung, các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, đây là giai đoạn “vàng” trẻ cần được chăm sóc giáo dục để phát triển trí tuệ. “Khi bạn có con hay đặt những câu hỏi tại sao như vậy, bạn phải chịu khó học hỏi, sưu tầm và tìm cách để trả lời những câu hỏi của con, cái gì không biết thì lên Google tìm hiểu để trả lời cho con. Hãy tự nâng cao trình độ của bản thân để sẵn sàng giải đáp những điều thắc mắc của con một cách có thể tạm chấp nhận được”, chị Nhung tâm tình.

Đừng ‘quăng cục lơ’ trước câu hỏi của trẻ 
Với chị Lê Thị Thuỳ Nga, trưởng nhóm tình nguyện Sắc Màu Cuộc Sống (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì: “Trong đầu tôi thường xuyên phải suy nghĩ ra cách diễn đạt đơn giản nhất để trả lời những câu hỏi của con mà vẫn đúng kiến thức về khoa học, xã hội và các chuẩn mực đạo đức”.
 
Quan niệm của chị Nga là: “Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, do đó, cha mẹ phải có nhiệm vụ chia sẻ, truyền đạt hoặc giải thích kiến thức đúng cho con. Giải thích đúng bản chất của vấn đề để giúp trẻ hình thành kiến thức, hình thành nhân cách, và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức xã hội. Tôi đã làm điều này từ khi con tôi 3 – 4 tuổi”
 
Chị Nga chia sẻ: “Có lúc tôi cũng bị bí trước câu hỏi của con, đành hẹn lại một cách khéo léo là mẹ hiểu câu hỏi này của con nhưng để mẹ suy nghĩ cách diễn đạt để con hiểu vấn đề một cách tốt nhất và tôi không bao giờ quên lời hứa đó của mình”.
 
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nói: “Bản tính con trẻ hay tò mò, thích khám phá do đó khi đứng trước những vấn đề còn mới mẻ, xa lạ, vượt quá tầm suy nghĩ, hiểu biết thì chúng có xu hướng ‘cầu cứu’ người lớn. Đây là một biểu hiện tốt để người lớn cung cấp kiến thức, định hướng và phát triển nhận thức, tư duy cho trẻ, những câu hỏi ‘vì sao, tại sao, như thế nào?’ do đó cần được đáp ứng một cách phù hợp, tinh tế”.
 
Theo thạc sĩ Huân, không ít bậc phụ huynh, người lớn tỏ ra không quan tâm, không vui hoặc cảm thấy phiền hà khi phải giải thích cho trẻ, nhất là với những chuyện vượt quá hiểu biết của chính người lớn. Cách hành xử như thế dễ khiến trẻ buồn, tổn thương. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần trẻ sẽ giảm bớt hứng thú để hỏi hoặc vì sợ mà e ngại không hỏi nữa, đi tìm người khác để hỏi, đôi khi là “tự thân vận động” tìm hiểu vấn đề trong khi khả năng của chúng có hạn, chưa kể gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm trong quá trình khám phá câu trả lời. Như vậy, người lớn cần phản hồi những thắc mắc của con sao cho khéo léo, phù hợp nhất.
 
Thạc sĩ Huân lưu ý: “Nếu vấn đề trong khả năng của mình, hãy nhẹ nhàng từ tốn và hạ mình xuống ngang tầm với trẻ, dùng ngôn ngữ đơn giản để chia sẻ. Nếu vấn đề vượt quá khả năng của mình hãy tìm ‘trợ lực’ như hỏi một người khác, tìm câu trả lời từ sách, báo, internet để đáp lại câu hỏi của trẻ. Nếu chúng ta không thể đáp ứng ngay, hãy hẹn trẻ trả lời sau và đảm bảo rằng mình sẽ nhớ để trả lời cho chúng… Điều đó vẫn tốt hơn là ‘quăng cục lơ’ sẽ khiến trẻ thất vọng…”.
 
 
LÊ THANH