14/01/2025

Nạn đói do đại dịch Covid-19 khiến hơn 10.000 trẻ em chết mỗi tháng

Nạn đói do đại dịch Covid-19 khiến hơn 10.000 trẻ em chết mỗi tháng

Theo một lời kêu gọi hành động khẩn cấp từ Liên Hiệp Quốc, nạn đói liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đang dẫn đến cái chết của 10.000 trẻ em mỗi tháng, khoảng 128.000 trẻ sẽ chết trong năm đầu tiên của đại dịch.
Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi tháng có hơn 550.000 trẻ em bị gầy còm /// Shutterstock
Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi tháng có hơn 550.000 trẻ em bị gầy còm SHUTTERSTOCK
Virus Corona chủng mới và những hệ luỵ kéo theo đang đẩy nhóm người bị đói kém trên toàn thế giới đến bờ vực, khiến những ngôi làng nghèo không tiếp cận được với thực phẩm và viện trợ y tế.
Theo một lời kêu gọi hành động khẩn cấp từ Liên Hiệp Quốc chia sẻ với Associated Press, nạn đói liên quan đến virus Corona đang dẫn đến cái chết của 10.000 trẻ em mỗi tháng, khoảng 128.000 trẻ nhỏ sẽ chết trong năm đầu tiên của đại dịch. Từ châu Mỹ Latinh đến Nam Á và châu Phi, nhiều gia đình hơn bao giờ hết đang đối mặt với tương lai không có đủ thức ăn.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc còn tiết lộ, mỗi tháng, hơn 550.000 trẻ em bị gầy còm – suy dinh dưỡng biểu hiện ở chân tay và bụng. Gầy còm và thấp còi có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho trẻ em về thể chất và tinh thần, biến những bi kịch cá nhân thành thảm họa thế hệ, theo globalnews.
“Các tác động an ninh lương thực của cuộc khủng hoảng Covid sẽ phản ánh trong nhiều năm kể từ bây giờ. Đây sẽ là một hiệu ứng xã hội”, tiến sĩ Francesco Branca, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
Hồi tháng 4, David Beasley – người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới, đã cảnh báo rằng virus Corona sẽ gây ra nạn đói toàn cầu trong năm nay. Lãnh đạo của bốn cơ quan quốc tế – Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp – đã kêu gọi ít nhất 2,4 tỉ USD ngay lập tức để giải quyết nạn đói. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ là tài chính, những hạn chế về di chuyển cần phải được nới lỏng để các gia đình tiếp cận được với y tế. Việc các trường học bị đóng cửa khiến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chương trình dinh dưỡng bị gián đoạn cũng cần sớm tìm cách khắc phục, theo globalnews.
Sự gia tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới sẽ đảo ngược tiến bộ toàn cầu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Trẻ em tử vong dưới 5 tuổi đã giảm dần kể từ năm 1980, xuống còn 5,3 triệu trên toàn thế giới vào năm 2018, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Khoảng 45% ca tử vong là do thiếu dinh dưỡng.
TẠ BAN
TNO