Bị hại có đơn xin miễn truy cứu, vì sao công an vẫn khởi tố?
Bị hại có đơn xin miễn truy cứu, vì sao công an vẫn khởi tố?
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp sau khi xảy ra vụ việc, phía bị hại có đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, nhưng cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vì sao?
Trường hợp mới nhất và thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan đến ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình. Ngày 3.6 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình (Thái Bình) quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Điều (tên thường gọi là Nguyễn Văn Dũng, 53 tuổi, trú thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, H.Vũ Thư, Thái Bình) về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Cùng ngày, Viện KSND TP.Thái Bình đã ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Điều.
Trước đó, tối 8.5, tại đoạn đường Trần Thủ Độ (đối diện cây xăng Phiệt Học, thuộc P.Tiền Phong, TP.Thái Bình), ông Điều lái ô tô BS 29A-995.83 va chạm với bà Phạm Thị Ng. (63 tuổi, trú P.Tiền Phong, TP.Thái Bình) đang đi xe đạp trên đường. Vụ va chạm làm bà Ng. văng ra và va chạm tiếp với 1 người đi xe máy khác. Bà Ng. sau đó tử vong còn người đi xe máy bị thương.
Sau khi vụ việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ hiện tại trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Điều. Ông Điều cũng chủ động khắc phục hậu quả, tự giác bồi thường thiệt hại và các gia đình, người bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với ông Điều. Tuy nhiên, qua điều tra ban đầu xác định có dấu hiệu tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, ngày 26.5 Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án. Đến ngày 3.6, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Điều.
Không phải cá biệt
Ông Điều không phải là trường hợp đầu tiên bị khởi tố dù phía bị hại đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng không truy cứu TNHS đối với người phạm tội. Vào tháng 7.2019, ở Long An xảy ra việc một nhóm người ngang nhiên đập phá nhà ông Võ Đắc Lộc. Sau đó, người đập phá đã đến xin lỗi, bồi thường toàn bộ thiệt hại nên ông Lộc có đơn đề nghị không truy cứu TNHS những người liên quan. Tuy nhiên, những người phạm tội sau đó vẫn bị khởi tố, truy tố và xét xử.
Hay một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Hà Nội năm 2016 có lẽ nhiều người còn nhớ. Khi đang đạp xe lưu thông trên đường, cháu T.M.H (9 tuổi) va vào xe xích lô chở tôn của ông T., một cựu chiến binh, đang đậu ven đường và tử vong. Sau vụ việc, vì cảm thông hoàn cảnh khó khăn của gia đình cựu chiến binh và cho rằng vụ tai nạn là vô ý đáng tiếc nên gia đình bị hại có đơn đề nghị không truy cứu TNHS đối với ông T. Tuy nhiên, ông T. vẫn bị khởi tố, truy tố và xét xử. Cáo trạng xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lỗi của ông T. đã điều khiển phương tiện giao thông đỗ xe không đúng quy định; chở hàng vượt quá giới hạn cho phép không có tín hiệu cảnh báo…
Bị hại có đơn không truy cứu chỉ là tình tiết giảm nhẹ
Vậy trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng không truy cứu TNHS khi có đơn đề nghị của phía bị hại?
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho biết theo điều 155 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự về một số tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của bộ luật Hình sự (BLHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết; trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định việc rút yêu cầu khởi tố là do bị ép buộc, cưỡng bức thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án; đồng thời, bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
“Chỉ các hành vi phạm tội rơi vào khoản 1 các điều liệt kê ở trên thì mới được khởi tố theo yêu cầu phía người bị hại, còn các hành vi khác có dấu hiệu phạm tội vụ án vẫn sẽ được khởi tố mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của người bị hại”, LS Hoan lưu ý.
LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, phân tích thêm căn cứ không khởi tố vụ án là khi không có sự việc xảy ra; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu TNHS; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu TNHS; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
“Còn lại khi phát hiện dấu hiệu tội phạm và hành vi cấu thành tội phạm thì cần phải khởi tố vụ án. Việc bị hại có đơn không truy cứu TNHS đối với người phạm tội hoặc có đơn xin bãi nại thì đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ để HĐXX xem xét giảm án”, LS Hậu nói.
Các tội danh khởi tố theo yêu cầu người bị hại theo bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Điều 141. Tội hiếp dâm
Điều 143. Tội cưỡng dâm
Điều 155. Tội làm nhục người khác
Điều 156. Tội vu khống
Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
PHƯƠNG THƯƠNG – LÊ TÂN
TNO