Vì sao WHO phản đối cấp ‘hộ chiếu miễn dịch’ cho người khỏi bệnh COVID-19?
Vì sao WHO phản đối cấp ‘hộ chiếu miễn dịch’ cho người khỏi bệnh COVID-19?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng ‘hiện chưa có chứng cứ’ khẳng định ai đó không thể tái nhiễm virus corona nên tổ chức này phản đối kế hoạch cấp ‘hộ chiếu miễn dịch’ ở một số nước.
Theo tạp chí Vox, cuối tuần qua, WHO đã công bố thông tin khoa học khuyến nghị các nước không cấp giấy chứng nhận miễn dịch cho những người nhiễm virus corona chủng mới đã bình phục.
Tới ngày 27-4, một lần nữa giới chức WHO nhắc lại khuyến cáo này, cho biết các nhà khoa học vẫn chưa rõ kháng thể với virus corona chủng mới liệu có giúp người đã khỏi COVID-19 có thể miễn dịch với mầm bệnh này hoặc giảm nguy cơ tái nhiễm không.
Theo Đài CNBC, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva ngày 27-4, bác sĩ Maria Van Kerkhove – người đứng đầu đơn vị giải quyết các bệnh mới xuất hiện và bệnh lây từ thú sang người của WHO – một lần nữa nhấn mạnh lại thông điệp khuyến cáo.
“Bốn tháng trải qua đại dịch này, chúng tôi vẫn chưa thể nói việc xuất hiện phản ứng kháng thể có nghĩa là ai đó được miễn dịch”, bà nói.
Bà Maria Van Kerkhove cũng nói thêm: theo các nhà nghiên cứu, thông thường một người sẽ có phản ứng kháng thể trong khoảng 1-2 tuần sau khi nhiễm bệnh COVID-19.
WHO cho rằng hiện tại “chưa có chứng cứ” nào cho thấy ai đó không thể bị tái nhiễm sau khi đã khỏi bệnh COVID-19 và WHO vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Sau nhiều tuần thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch bệnh COVID-19, một số chính phủ đang tính tới các giải pháp như làm xét nghiệm kháng thể để xác định được khi nào có thể mở cửa lại nền kinh tế.
Những “hộ chiếu miễn dịch” (“immunity passports”) hay “chứng chỉ không còn nguy cơ” (“risk-free certificates”) là cách gọi giấy chứng nhận một ai đó đã khỏi bệnh COVID-19 và có thể được phép đi lại cũng như quay lại nơi làm việc vì không còn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nữa.
Theo trang The Skimm, tới nay chỉ có Chile là nước duy nhất nói sẽ sử dụng “hộ chiếu miễn dịch”. Các nước như Anh, Đức và Ý cũng đang cân nhắc cách làm tương tự.
Tuy nhiên WHO không ủng hộ cách làm đó. Theo cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy những người từng nhiễm virus corona (và đã có kháng thể trong người) sẽ không bị tái nhiễm.
WHO cũng cho rằng những thứ như “hộ chiếu miễn dịch” có thể dẫn mọi người tới tâm lý phớt lờ các chỉ dẫn y tế cộng đồng như dùng khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách ít nhất 1,82m với người khác, và theo đó tạo điều kiện để virus mầm bệnh tiếp tục lây lan.
Bên cạnh đó, WHO cũng cảnh báo một số xét nghiệm kháng thể hiện nay đã có kết quả dương tính giả, điều này làm dấy lên những lo ngại về độ chính xác của các xét nghiệm.