25/12/2024

‘Khủng bố’ email, tin nhắn rác xử được không?

‘Khủng bố’ email, tin nhắn rác xử được không?

Nhiều người bức xúc khi liên tục bị các cuộc gọi, tin nhắn giới thiệu bất động sản, mời mua bảo hiểm, spa. Người dùng SIM số đẹp còn khổ hơn khi liên tục bị nhắn tin, gọi điện hỏi mua hoặc gợi ý cầm cố bất kể giờ giấc.

 

 

 

Khủng bố email, tin nhắn rác xử được không? - Ảnh 1.

Tin nhắn, email rác “khủng bố” người dùng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù đã có nhiều quy định pháp luật nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại. Nghị định 15 vừa có hiệu lực ngày 15-4 có thêm nhiều điều khoản quy định chi tiết chế tài đối với tin nhắn, email rác khiến người dùng hi vọng cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Nhiều cuộc gọi vào lúc mình đang bận công việc hoặc vào buổi trưa khiến tôi rất bực bội. Tôi chưa từng đăng ký số điện thoại để mua bất động sản ở công ty đó, không hiểu sao họ lại có số tôi để gọi.

Chị MỸ TÍN

“Điên đầu” với tin nhắn rác

Chị Mỹ Tín (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết có ngày chị nhận được gần chục cuộc điện thoại và tin nhắn mời chào mua bất động sản, spa, dịch vụ cho vay tiền, mua SIM số đẹp đủ loại.

Còn chị M.T.H. (ngụ Q.Phú Nhuận) chia sẻ: “Trước đây tôi đến mua hàng ở một cửa hàng điện máy và để lại thông tin, số điện thoại. Một thời gian sau, nhân viên một phòng tập gym gọi để tặng thẻ tập gym. Tôi hỏi thì bạn nhân viên tiết lộ có được số điện thoại của tôi từ cửa hàng điện máy đó. Sau đó, bạn nhân viên này vẫn tiếp tục gọi tôi nhiều lần khiến tôi rất bực bội nhưng không thể làm gì được”.

Hiện nay, việc mua bán thông tin khách hàng trên Internet diễn ra rất rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán thông tin khách hàng”, “mua bán database”… trên Google, ngay lập tức có hàng loạt trang rao bán đủ kiểu từ gói thông tin khách hàng doanh nghiệp, phụ huynh học sinh đến thông tin sản phụ. Cũng từ việc mua bán thông tin cá nhân rầm rộ nên nhiều người dùng điện thoại, Internet liên tục bị làm phiền bởi các nhân viên chào mời bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ spa.

Anh Nguyễn Thanh Cường (doanh nhân ở Q.Bình Tân) bức xúc cho biết do tính chất công việc nên anh dùng SIM số đẹp để dễ nhớ. Tuy nhiên, nhiều đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin “dụ” anh bán SIM.

“Một ngày có tới hàng chục tin nhắn, cuộc gọi hỏi mua SIM bất kể trưa, tối, bất kể giờ giấc mình đang nghỉ ngơi. Đó là một hình thức quấy rối. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý như không cho mua bán SIM đã hòa mạng để tránh trường hợp những người dùng SIM số đẹp như tôi bị làm phiền” – anh Cường nói.

Không chỉ bị “khủng bố” điện thoại, tin nhắn mà cả email cũng thường xuyên bị các công ty, nhà bán hàng lợi dụng để quảng cáo. Nhiều người phản ảnh luôn bị làm phiền vì các nhãn hàng gửi email quảng cáo giảm giá trong khi mình không có nhu cầu, muốn hủy nhận email cũng không được.

Tăng trách nhiệm của nhà mạng

Theo các chuyên gia pháp lý, nghị định 15 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, vừa có hiệu lực ngày 15-4, có nhiều điều khoản chi tiết về xử lý tin nhắn, email rác.

Theo đó, việc gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối, không có phương thức để người tiếp nhận từ chối nhận thông tin sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể về phạm vi, mục đích sử dụng và cung cấp thông tin đó cho bên thứ ba khi chủ thể đó đã yêu cầu ngừng cung cấp sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Còn hành vi gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của họ sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 quy định tổ chức, cá nhân chỉ được thu thập thông tin người dùng khi có sự đồng ý của họ và phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, không được phép tiết lộ cho bất kỳ bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chính người đó. Hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác là một trong những hành vi bị cấm theo khoản 5 điều 7 của luật này.

Đối với việc quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, gửi email, Luật quảng cáo năm 2012 cũng có quy định khá rõ ràng. Cụ thể, tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn, email quảng cáo chỉ khi có sự đồng ý trước của người nhận.

Đối với nhà mạng, chỉ được quảng cáo cho dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, trong vòng 24 giờ chỉ được gửi tối đa 3 tin nhắn, 3 email đến mỗi người dùng và chỉ được thực hiện trong khung giờ 7h-22h. Ngoài ra, phải luôn bảo đảm người nhận có quyền từ chối tin nhắn, email và không được thu phí đối với việc từ chối của khách hàng.

Theo luật sư Trạch, một trong những điểm đáng lưu ý của nghị định 15 là tăng cường việc xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà mạng viễn thông trong việc hạn chế tình trạng tin rác. Bởi lẽ các nhà mạng, với tư cách là bên cung cấp dịch vụ viễn thông, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ khách hàng trước sự quấy nhiễu của “tin tặc”.

Thế nào là… “rác”?

Luật sư Trạch cho rằng về khía cạnh pháp luật, các quy định trên đều áp dụng đối với “thư rác, tin nhắn rác” nhưng lại chưa có văn bản nào quy định thế nào là “thư rác, tin nhắn rác”. Thực tế cho thấy cùng một thông điệp quảng cáo thì nhận thức, thái độ của mỗi người dùng là khác nhau. Chẳng hạn, đối với tin quảng cáo về lớp học ngoại ngữ, người có nhu cầu thì thấy hữu ích, người không có nhu cầu nhưng cứ nhận tin liên tục thì cảm thấy phiền toái.

Bản thân nhà mạng cũng khá lúng túng trong việc xử lý các tin nhắn, email này. Khi nhà mạng nhận được phản ảnh của khách hàng, họ cũng chỉ có thể hạn chế việc khách hàng đó nhận tin nhắn chứ không thể hạn chế việc tổ chức, cá nhân gửi tin nhắn.

Do đó, bản thân người dùng mạng trước hết cần tự bảo vệ mình trong việc cung cấp thông tin cá nhân. Người dùng cần kiểm tra hết sức cẩn thận trước khi chọn “đồng ý” đối với các điều khoản sử dụng thường được đề nghị cung cấp cho các mẫu tờ khai. Bên cạnh đó, người dùng có thể chủ động liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để được hỗ trợ trong việc chặn tin nhắn, cuộc gọi rác.

Máy chủ ở nước ngoài, khó xử lý

Theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM), mặc dù nghị định 15 đã quy định rất rõ về hành vi vi phạm và chế tài xử lý, tuy nhiên thực tế xử lý là rất khó khăn. Đặc biệt đối với thư rác, tin nhắn rác gần như không thể xử lý được do các nhà mạng không quản lý hết chủ thuê bao, một số trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài. Nếu có phát hiện hành vi cũng rất khó tìm ra đối tượng vi phạm.

TUYẾT MAI
TTO