24/11/2024

Cần sớm xử lý người khai gian về dịch bệnh COVID-19

Cần sớm xử lý người khai gian về dịch bệnh COVID-19

Lực lượng công an, các cơ quan chuyên môn sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo, khai báo gian dối khi nhập cảnh và không chấp hành cách ly theo quy định.

 

Cần sớm xử lý người khai gian về dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Hành khách khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại tướng Tô Lâm – bộ trưởng Bộ Công an – đã chỉ đạo như trên tại hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Sử dụng 2 hộ chiếu qua mặt cơ quan chức năng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu lực lượng công an không hoang mang, lo ngại quá mức trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, đồng thời tuyệt đối không được lơ là, mất tập trung, mất cảnh giác. Cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp phải thể hiện rõ vai trò trong tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh địa phương…

Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an diễn ra trong bối cảnh xảy ra nhiều trường hợp không khai báo, khai báo gian dối khi nhập cảnh để né cách ly.

Mới nhất là trường hợp của bệnh nhân số 17 tên N.H.N. (Trúc Bạch, Hà Nội) khi cô nhập cảnh trở lại Việt Nam. Theo Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Nội Bài, N.H.N. không được phát hiện, cách ly kịp thời khi nhập cảnh là do có 2 hộ chiếu – hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Vương quốc Anh.

Bệnh nhân N.H.N. đã sử dụng hộ chiếu Việt Nam khi xuất cảnh sang Anh và khi nhập cảnh trở lại. Ngày 3-2, khi N. nhập cảnh, Công an cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ hộ chiếu nhưng không phát hiện có con dấu xuất nhập cảnh của Ý nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường.

Cũng theo Công an cửa khẩu Nội Bài, việc di chuyển giữa các nước EU rất đơn giản đối với người có hộ chiếu Anh. Dù Anh không thuộc khối Schengen nhưng vẫn giữ quy chế EU đến hết ngày 31-12, nên công dân được đi lại tự do trong khối mà không cần visa.

Trong những ngày du lịch tại châu Âu, có thể bệnh nhân N. đã dùng hộ chiếu của Anh để di chuyển giữa các quốc gia, trong đó có Ý – nơi đang bùng phát dịch Covid-19. Khi về nước, bệnh nhân này sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh, lực lượng chức năng đã kiểm tra kỹ nhưng không phát hiện được hành khách đã đi qua vùng dịch.

Bị phạt tiền hoặc tù lên đến 12 năm

Theo lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Việt Nam và Ý không có đường bay thẳng, với một số trường hợp đi đường vòng và khai báo không đầy đủ thì lực lượng kiểm dịch gặp khó khăn khi xác minh. Hầu hết các nước châu Âu hiện nay không có con dấu nhập cảnh khi di chuyển giữa các quốc gia, nên việc xác định hành trình của người nhập cảnh phụ thuộc nhiều vào sự trung thực khi khai báo.

Tương tự, một số quốc gia không đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu mà cho hành khách đi thẳng qua cửa autogate – nhập cảnh bằng hộ chiếu điện tử, nên việc xác định hành trình của họ cũng gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư TP Hà Nội – cho rằng những công dân đi qua vùng dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế, nếu không thực hiện hoặc khai báo gian dối để né cách ly cần bị xử nghiêm. Việc khai báo y tế sau khi nhập cảnh là bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Viện dẫn điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, luật sư Thơm cho rằng nếu người nào khai gian dối để né cách ly mà kết quả xét nghiệm dương tính, làm lây nhiễm bệnh cho người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc phạt tù lên đến 12 năm.

Những vụ trốn cách ly và khai báo gian dối

* N.T.T. (P.Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) trở về từ Daegu (Hàn Quốc): khai điểm xuất phát hành trình của mình là Busan, không nhắc tới Daegu – tâm dịch COVID-19. Sau đó cô livetream phổ biến “bí quyết” này trên Facebook.

* L.T.H. (chủ tịch HĐQT Công ty điện gió P.Đ) nhờ N.Đ.H. (địa chỉ ở Hà Nội) đi cách ly thay.

* N.Q.T. (Hà Nội) từ Anh trở về VN trên chuyến bay VN0054, khai báo không trung thực hành trình sau khi trở về Việt Nam.

* N.H.N. từ Anh trở về Việt Nam trên chuyến bay VN0054, sử dụng 2 hộ chiếu Anh và Việt Nam, trở về Việt Nam bằng hộ chiếu Việt để tránh bị kiểm dịch.

B.K. (tổng hợp)

Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):

Người có 2 hộ chiếu khai báo ra sao?

Hiện nay, một số quốc gia chấp nhận công dân có 2 quốc tịch, như vậy có 2 hộ chiếu. Với người Việt có 2 quốc tịch, có 2 hộ chiếu, họ dùng hộ chiếu nước ngoài để có nhiều lợi thế hơn trong xuất nhập cảnh khi đi du lịch, làm việc… ở nhiều quốc gia khác.

Khi về Việt Nam, họ lại dùng hộ chiếu Việt Nam. Lúc này, hãng bay và lực lượng quản lý xuất nhập cảnh chỉ nắm được thông tin cá nhân của người nhập cảnh theo hộ chiếu Việt Nam, nơi xuất phát. Lực lượng chức năng theo quy trình chỉ kiểm tra các vấn đề liên quan theo hộ chiếu Việt Nam, chứ không thể biết (và cũng không thể buộc họ phải cung cấp) thông tin có trong hộ chiếu nước ngoài. Vì vậy, việc kiểm soát liệu họ có trở về từ vùng dịch hay không là rất khó.

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, công dân Việt Nam, kể cả người nước ngoài khi nhập cảnh vào VN phải chấp hành khai báo trung thực, đầy đủ vì đó là thể hiện ý thức, trách nhiệm với an toàn chung cho cộng đồng.

THÁI AN ghi

THÂN HOÀNG
TTO