28/11/2024

Cách thống kê mới gây ‘sốc’ nhưng tốt cho cộng đồng

Cách thống kê mới gây ‘sốc’ nhưng tốt cho cộng đồng

Những số liệu thống kê về số ca nhiễm bệnh COVID-19 tính tới cuối ngày 12-2 của tỉnh Hồ Bắc bỗng tăng vọt gấp 9 lần so với các ngày trước khiến dư luận choáng váng. Nhưng sự thật đây lại là thông tin mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn.

 

 

 

Cách thống kê mới gây sốc nhưng tốt cho cộng đồng - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Hán đọc kết quả CT của một người nghi nhiễm bệnh – Ảnh: REUTERS

Trong những ngày trước, các số liệu cập nhật dịch cho thấy số người mắc mới mỗi ngày bắt đầu giảm, tưởng như dịch đã bắt đầu kiểm soát được. Nhưng trong ngày 13-2, cả thế giới bất ngờ với số ca bệnh mới và số người chết tăng vọt.

Thay đổi các tiêu chuẩn chẩn đoán

Để giải thích về số lượng tăng đột ngột này, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo họ đã thay đổi các tiêu chuẩn chẩn đoán. Theo đó, từ sau ngày 12-2, có thể kết luận bệnh nhân bị COVID-19 dựa trên các dấu hiệu chẩn đoán lâm sàng (kể cả các dấu hiệu viêm phổi trên hình chụp CT của bác sĩ, chứ không cần phải đợi kết quả xét nghiệm bởi các bộ kit như trước). Việc đưa ra quyết định này được giải thích là do muốn bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt và do sự thiếu hụt các bộ kit làm xét nghiệm.

Cũng trong ngày 13-2, WHO (Tổ chức Y tế thế giới) cũng đã lên tiếng về hiện tượng số lượng bệnh nhân tăng vọt ở Hồ Bắc. Bà Sylvie Briand – giám đốc bộ phận kiểm soát lây nhiễm độc hại – phát biểu: “Việc điều chỉnh tiêu chuẩn chẩn đoán là điều rất bình thường trong một vụ bùng phát dịch. Khi tình huống thay đổi, bạn phải thay đổi định nghĩa để chắc chắn là bạn có thể theo dõi căn bệnh chính xác hơn, và đây chính là điều họ vừa mới thực hiện”.

Như vậy, với cách giải thích trên, chúng ta có thể hiểu vì sao không chỉ số ca chẩn đoán tăng mà số ca tử vong cũng tăng vọt. Một số ca tử vong trước đây khi chưa có kết quả xét nghiệm xác định nhiễm virus corona sẽ không được tính vào số lượng tử vong vì COVID-19 nhưng sau ngày 12-2, tất cả các ca chỉ cần có triệu chứng lâm sàng mà tử vong cũng sẽ được cộng vào tổng số.

Tốt cho người bệnh và cộng đồng

Để xem xét việc thay đổi định nghĩa như vậy có hợp lý không, cần biết về phương thức chẩn đoán virus corona. Hiện nay, các chẩn đoán virus corona là dùng kỹ thuật PCR (phương pháp được sử dụng rộng rãi trong xét nghiệm ADN và sinh học phân tử) để xác định gen di truyền RNA (là một trong hai loại acid nucleic, là cơ sở di truyền ở cấp độ phân tử) của virus đang hiện diện trong người bệnh nhân. Về mặt lý thuyết, khi virus xâm nhập cơ thể người bệnh, nó sẽ nhân lên nhanh chóng và do đó sẽ xuất hiện các gen di truyền của virus trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ người bệnh.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bệnh nhân cũng có đầy đủ các đoạn nucleic acid của virus để có thể xác định bằng kỹ thuật PCR này. Như trong một bài phỏng vấn trên Đài CCTV ngày 5-2, giáo sư Wang Chen – giám đốc Học viện Khoa học y khoa Trung Quốc – đã nhấn mạnh: “Ngay cả bệnh nhân đã mắc bệnh thì tỉ lệ làm xét nghiệm dương tính cũng chỉ là 30-50%”.

Như vậy, sẽ có 50-70% bệnh nhân đã nhiễm virus corona nhưng xét nghiệm lại là không có bệnh (âm tính giả). Điều này rất nguy hiểm vì những bệnh nhân đó sẽ được xem là không mắc bệnh và trả về cộng đồng, từ đó trở thành nguồn lây chính cho một số lượng lớn những người xung quanh.

Kế đến là về thời gian chẩn đoán. Hiện tại, các xét nghiệm PCR cần thời gian sớm nhất từ vài giờ đến một ngày, nên số lượng ca bệnh chúng ta đọc được trong thống kê hôm nay thật sự là của 1-2 ngày trước đó. Điều này cũng nguy hiểm vì nếu người bệnh nhiễm virus corona bị chậm trễ trong chẩn đoán sẽ dẫn đến chậm trễ trong điều trị, cách ly… và có thể làm nặng hơn tình trạng của bệnh nhân trong lúc chờ đợi.

Như vậy, chúng ta có thể thấy được lợi ích của phương pháp tính mới: dựa vào tiêu chuẩn lâm sàng chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào xét nghiệm. Một số lượng lớn bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng, kể cả âm tính giả với xét nghiệm PCR, cũng được coi là có bệnh và sẽ được cách ly đầy đủ, khởi động điều trị hợp lý ngay lập tức.

Tất nhiên phương pháp tính này sẽ gây ra những sai số về mặt thống kê, làm tăng số lượng người mắc và tăng số lượng tử vong (do một số bệnh nhân thật ra có triệu chứng lâm sàng là do những virus khác hoặc do vi khuẩn khác).

Tuy nhiên, chúng ta có thể chấp nhận những sai số thống kê này để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người bệnh như được chẩn đoán sớm hơn, điều trị sớm hơn, và cho cả cộng đồng vì người bệnh được cách ly sớm.

Nếu không làm quyết liệt, dịch sẽ bùng lên

photo-1

Đo thân nhiệt cho nhân viên chuẩn bị sự kiện triển lãm hàng không Singapore ngày 9-2 – Ảnh: REUTERS

Trong một bài phân tích đáng chú ý, báo South China Morning Post của Hong Kong chỉ ra rằng thoạt nhìn thì đặc khu Hong Kong với 13 cửa khẩu giáp Trung Quốc đại lục lẽ ra dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19 hơn Singapore, quốc gia nằm cách Trung Quốc hơn 3.500km. Nhưng thực tế cho thấy số ca nhiễm ở cả hai nơi tương đương nhau (khoảng 50 ca tính đến sáng 13-2).

Ngoài ra, cần phải thấy rằng đặc điểm thời tiết của Singapore là nóng và ẩm, ngày 13-2 nhiệt độ dao động 24-33 độ C, độ ẩm 70%; so với tâm dịch Vũ Hán nhiệt độ 0-17 độ C, độ ẩm 80%.

Điều này củng cố ý kiến của một số chuyên gia cho rằng khả năng lây lan của dòng virus corona – nhất là các chủng mới gây các dịch bệnh SARS, MERS và COVID-19 – trong các điều kiện nhiệt độ khác nhau cần phải nghiên cứu thêm.

Với Singapore, chuyên gia nhận xét số ca nhiễm virus cao ở đảo quốc này một phần do tiêu chuẩn khoanh vùng, phát hiện bệnh của họ tốt hơn so với khu vực. Cách tiếp cận chủ động của Chính phủ Singapore giải thích tại sao số ca nhiễm tương đương với Hong Kong.

Bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore), nhận xét người dân Singapore được khuyến khích đến bệnh viện khi cảm thấy không khỏe và nhìn chung họ đủ tin tưởng chính phủ của mình để làm điều này.

“Chúng tôi đang rà soát rất kỹ, càng kiểm tra kỹ bao nhiêu, số ca lây nhiễm phát hiện càng lớn. Tổng số ca sẽ giảm sau đó vì chúng tôi đang tích cực cách ly” – bác sĩ Leong cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia, các nước láng giềng của Singapore nhiều khả năng có số ca nhiễm virus corona lớn hơn thống kê, nhưng phần lớn không phát hiện được vì “không rà soát kỹ”.

Bộ Y tế Singapore đã ra khuyến cáo không tổ chức các sự kiện tập trung đông người sau khi nâng mức cảnh báo dịch lên màu cam hồi cuối tuần trước. Đây là mức báo động tương đương dịch SARS hồi năm 2003, mang ý nghĩa dịch bệnh nghiêm trọng, dễ lây từ người sang người, nhưng đang được khoanh vùng tích cực và chưa bùng phát mạnh.

Bác sĩ Leong cũng cho rằng số ca bệnh tương đối thấp của Hong Kong là điều đáng lo ngại, nó cho thấy mức độ rà soát như vậy là chưa đủ và các ca nhiễm bệnh âm thầm sẽ bắt đầu xuất hiện trong những tuần tiếp theo.

“Giai đoạn này, Hong Kong và Singapore còn thời gian để kiểm soát dịch. Nếu không làm quyết liệt, một khi nó bùng lên thì chúng ta sẽ thua chắc” – bác sĩ Leong cảnh báo. (PHÚC LONG)

ThS.BS PHẠM MINH HUY (phòng điều trị tích cực, khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy)
TTO