Tai biến y khoa: gian nan khởi kiện
Đã có nhiều vụ bệnh nhân kiện bệnh viện xảy ra khi kết quả điều trị không đúng như cam kết. Nhiều ý kiến cho rằng việc khởi kiện là điều cần thiết, thể hiện sự thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giải quyết thực tế rất gian nan.
Tai biến y khoa: gian nan khởi kiện
Đã có nhiều vụ bệnh nhân kiện bệnh viện xảy ra khi kết quả điều trị không đúng như cam kết. Nhiều ý kiến cho rằng việc khởi kiện là điều cần thiết, thể hiện sự thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giải quyết thực tế rất gian nan.
Vụ việc điển hình là vụ bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, tại Bảo Lâm, Lâm Đồng) đang gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại, bị đơn là Bệnh viện (BV) II Lâm Đồng.
Kiện vì không phát hiện ung thư
Vụ việc bắt nguồn từ ngày 17-1-2015, do bị đau bụng, dạ dày có vấn đề nên ông Bùi Văn Hoàng (chồng bà Mai) được chuyển đến Trung tâm y tế TP Bảo Lộc và sau đó chuyển vào BV II Lâm Đồng.
Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tụy, tuy nhiên sau đó lại chỉ định điều trị viêm loét dạ dày bằng 10 viên thuốc Omeprazol 20mg. Bệnh không thuyên giảm nên đến ngày 7-5, ông Hoàng đến BV Chợ Rẫy TP.HCM, các bác sĩ phát hiện ông Hoàng có khối u ác tính ở dạ dày và cắt bỏ 2/3 đoạn dạ dày. Sau khi về nhà, ông Hoàng có biểu hiện nặng hơn nên gia đình đưa vào BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị, nhưng đến ngày 28-1-2016 ông Hoàng qua đời.
Cho rằng Trung tâm y tế TP Bảo Lộc và BV II Lâm Đồng tắc trách không phát hiện chồng mình bị ung thư dạ dày, bà Mai đã khiếu nại. Theo bà, các bác sĩ đã không tiên lượng sâu hơn về việc ông Hoàng bị khối u dạ dày, không chỉ định y lệnh cho nội soi. Bác sĩ đã cho ông Hoàng dùng 10 viên thuốc Omeprazol 20mg để điều trị viêm loét dạ dày, trong khi Bộ Y tế có khuyến cáo bệnh nhân bị viêm loét dạ dày mà sử dụng loại thuốc này sẽ làm mờ triệu chứng, dẫn đến muộn chẩn đoán u ác tính.
BV II Lâm Đồng và Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã bác đơn của bà Mai, sau đó bà khởi kiện yêu cầu BV II Lâm Đồng bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng gồm tiền xe, tiền thuốc, chi phí điều trị, tổn thất ngày lao động, tổn thất tinh thần và thiệt hại về tính mạng…
Đại diện ban giám đốc BV II Lâm Đồng cho rằng quy trình khám chữa bệnh cho ông Hoàng không có sai sót, BV không đồng ý bồi thường. Theo tòa án cấp phúc thẩm, ông Hoàng nhập viện trong tình trạng đau dạ dày, được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Omeprazol là phù hợp. Sau khi điều trị 3 ngày, ông Hoàng đã đỡ đau, bụng mềm xẹp nên được cho xuất viện.
Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cũng khẳng định việc điều trị cho ông Hoàng không sai sót về chuyên môn. Theo Bộ Y tế, thuốc Omeprazol không phải là thuốc chống chỉ định trong điều trị u ác tính dạ dày. Dược thư quốc gia năm 2009 ghi thận trọng khi sử dụng thuốc Omeprazol chứ không chống chỉ định.
Bên cạnh đó, thuốc Omeprazol không làm mờ triệu chứng bệnh lý của bệnh ung thư dạ dày. Việc BV kê toa thuốc Omeprazol là phù hợp với chẩn đoán bệnh dạ dày tại thời điểm đó.
Cấp phúc thẩm nhận định theo điều 75 Luật khám chữa bệnh năm 2009 thì kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng. Vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Hành trình gian nan
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Mai không phải là cá biệt, nhiều bệnh nhân lựa chọn cách khởi kiện ra tòa sau khi đối thoại với BV không thành công. Tuy nhiên, đa số các vụ kiện thường kéo dài bởi bệnh nhân và người nhà phải thu thập đầy đủ giấy tờ và chứng cứ về quá trình điều trị.
Các kết quả này đa số do BV nắm giữ, bệnh nhân không thể thu thập được. Bên cạnh đó, khi thụ lý vụ việc, tòa án phải chờ kết quả của hội đồng giám định sở y tế, Bộ Y tế, từ đó mới có cơ sở kết luận quy trình khám chữa bệnh của BV có đúng hay không.
Đơn cử như vụ kiện giữa bà Dương Ngọc Hường (65 tuổi, ngụ Bình Dương) đối với bị đơn là BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM đã kéo dài 6 năm nhưng chưa giải quyết xong.
Đầu năm 2014, bà Hường bị viêm và sưng khớp gối nên đã đến BV Nguyễn Tri Phương khám, chụp MRI. Kết quả bà bị thoái hóa khớp, có gai xương và không phát hiện thêm bệnh gì khác so với kết quả khám trước đó tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bà được khuyên phẫu thuật nội soi cắt lọc, khoan xương kích thích tủy xương dưới sụn sẽ duy trì khớp gối được 5-10 năm và không gây hại gì. Nhưng 5 tuần sau phẫu thuật, bà Hường không đi lại được và cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Tháng 11-2014, bà Hường đã đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM thay khớp chân phải, sau đó mới có thể đi được nhưng yếu, bị hạn chế vận động.
BV Nguyễn Tri Phương cho rằng đã rà soát chuyên môn, đúng chỉ định và phương pháp điều trị. Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cũng kết luận việc chỉ định khám, chẩn đoán và điều trị cho bà Hường đúng quy trình.
Theo Bộ Y tế, trong vụ việc của bà Hường thì bác sĩ phẫu thuật chỉ có thiếu sót là chưa tư vấn cặn kẽ cho người bệnh về diễn biến tự nhiên của bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Cho đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Bà Hường yêu cầu Bộ Y tế phải thành lập đoàn giám định mới nhưng không được trả lời.
Hàng loạt yêu cầu của bà Hường như xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng, đối chất giữa các đương sự và người làm chứng… vẫn đang bỏ ngỏ.
Tăng đối thoại để tháo gỡ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM – cho biết việc người dân khiếu nại hay khởi kiện khi không hài lòng với kết quả khám chữa bệnh, với các sai sót (nếu có) trong y khoa là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, với mật độ bệnh nhân đông, mặt bệnh phức tạp như BV Ung bướu TP thì việc hạn chế tối đa sai sót dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện là sự nỗ lực rất lớn về chuyên môn của các bác sĩ.
Ông Tuấn chia sẻ câu chuyện phản ứng từ gia đình bệnh nhân ung thư âm hộ giai đoạn rất trễ, BV hội chẩn kỹ lưỡng nhưng cuối cùng không mổ được. Được yêu cầu hóa trị thì người nhà không đồng ý, mà đưa người bệnh về nhà và mất sau hai tháng tự điều trị.
Gia đình kéo lên BV phản ứng rằng tại sao không điều trị cho bệnh nhân, sự việc chỉ được “hạ nhiệt” sau nhiều lần được ban giám đốc BV giải thích.
“Không ai muốn sự cố y khoa xảy ra và việc sai sót là ngoài ý muốn, không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có bức xúc, người bệnh và BV phải ngồi lại với nhau đối thoại, chia sẻ làm rõ vấn đề” – ông Tuấn nói.
Một cán bộ của Sở Y tế TP.HCM cho rằng “việc khiếu nại là việc làm hết sức thỏa đáng, thể hiện sự tiến bộ, thượng tôn pháp luật”. Vị này dẫn chứng trường hợp bệnh nhân bị lao phổi nằm điều trị tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM.
Trong quá trình điều trị, phía BV và bảo hiểm không thanh toán mà yêu cầu người nhà ra ngoài mua thuốc trong khi điều kiện gia đình rất khó khăn.
“Sự việc này hoặc là BV, hoặc là cơ quan bảo hiểm sai. Và đến bây giờ, khi bệnh nhân đã mất rồi, gia đình vẫn đang tiếp tục khiếu nại đòi lại số tiền họ đã mua thuốc” – vị này nói.
Ông Nguyễn Huy Quang – vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – cho rằng khi quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng thì việc khiếu kiện để làm rõ là cần ủng hộ. “Nếu làm được nhiều thì càng tốt, nhưng cần lưu ý khi kiện phải tuân thủ pháp luật” – ông Quang chia sẻ.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM):
Chứng minh sai sót mới được bồi thường
Thực tế việc chứng minh BV có sai sót là cực kỳ khó. Bởi hiện nay nhiều quy trình được đặt ra không phải đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, mà để ban giám đốc và BV được miễn trách nhiệm bồi thường, bảo vệ bác sĩ khi thực hiện dịch vụ mà gặp sự cố.
Vụ kiện BV II Lâm Đồng nêu trên là một ví dụ. Bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, thời gian ủ bệnh kéo dài nhưng khi khám, xét nghiệm thì BV không phát hiện. Khi phát hiện ung thư di căn thì đã quá muộn.
Trong trường hợp này, bệnh nhân có cơ sở cho rằng BV tắc trách. Nhưng BV chứng minh đã làm đúng quy trình nên không có lỗi, vì vậy khó tuyên buộc BV bồi thường. Để giải quyết thực trạng này, các nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về khám chữa bệnh sao cho có được sự hài hòa quyền và nghĩa vụ của các bên.
Ở một số trường hợp cần quy định bệnh nhân chỉ cần chứng minh có thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp từ phía BV thì BV phải bồi thường. Quy định BV làm đúng quy trình chỉ là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ để có thể miễn trách nhiệm cho BV, cho bác sĩ.
TTO