Ăn, uống trái cây lên men có quyền yêu cầu đo nồng độ cồn lần 2
Người dân ăn, uống trái cây lên men được yêu cầu thử nồng độ cồn thì hoàn toàn có quyền giải thích và yêu cầu thổi lại lần 2 sau 15 phút, khi nồng độ cồn đã trở lại bằng 0.
Ăn, uống trái cây lên men có quyền yêu cầu đo nồng độ cồn lần 2
Người dân ăn, uống trái cây lên men được yêu cầu thử nồng độ cồn thì hoàn toàn có quyền giải thích và yêu cầu thổi lại lần 2 sau 15 phút, khi nồng độ cồn đã trở lại bằng 0.
Bà Trần Thị Xuân Hằng cho biết các chuyên gia y tế nói ăn hoa quả nếu có lên men gây nồng độ cồn thì sẽ hết sau 15-20 phút kể từ khi ăn xong – Ảnh: TUẤN PHÙNG
Ăn hoa quả lên men gây nồng độ cồn khi lái xe có bị phạt không? Thắc mắc trên của nhiều người đã được các bên liên quan giải đáp trong buổi tọa đàm “Những quy định mới trong phòng chống tác hại của rượu bia và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông” do báo Giao thông tổ chức chiều 9-1.
Theo bà Trần Thị Xuân Hằng – chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế và là thư ký dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia – khi xây dựng luật đã đưa ra các phương án cấm hoàn toàn lái xe có nồng độ cồn, tức nồng độ bằng 0 như đối với người lái ôtô đã thực hiện từ năm 2008 và hiện có hơn 30 nước quy định; cho phép có giới hạn nhất định ở mức nhất định.
“Với ôtô, Luật giao thông đường bộ năm 2008 cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn chứ không mới. Trong quá trình tổng kết thi hành luật không có ý kiến nào phản ánh xảy ra trường hợp ăn hoa quả, uống nước trái cây có lên men mà bị cảnh sát xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đây là một trong những cơ sở để đưa ra phương án trình Quốc hội.
Đòi hỏi của thực tiễn khi tai nạn giao thông ngày càng bức xúc nên nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện phương án nghiêm cấm tất cả người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn. Nội dung này phải bỏ phiếu 2 lần mới đi đến thống nhất thông qua luật”, bà Hằng cho hay.
Thiếu tá Đào Việt Long – phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội – cho biết: trong 7 ngày thực thi nghị định 100 đã xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 18 trường hợp bị phạt ở mức cao nhất.
Thiếu tá Đào Việt Long cho biết chưa có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn mà giải thích do ăn hoa quả – Ảnh: TUẤN PHÙNG
“Đến nay tại Hà Nội chưa thấy trường hợp nào giải thích do uống siro hay ăn hoa quả mà có nồng độ cồn. Nhiều người đưa ra ví dụ ăn hoa quả vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa có trường hợp nào cảnh sát giao thông phát hiện ra trên thực tế.
Công dân có quyền giải trình về hành vi của mình trong mọi hành vi. Nếu bạn không uống rượu, bia thì chúng tôi không bao giờ xử lý bạn. Bên cạnh đó, người được kiểm tra nồng độ cồn được phép thổi lại lần 2 và chúng tôi luôn tạo điều kiện cho họ thổi lại nếu muốn chứng minh không uống rượu, bia mà bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác”, ông Long cho biết.
Về khuyến cáo với người dân tránh những đồ ăn có gây nồng độ cồn, bà Hằng cho biết theo các chuyên gia y tế, lượng cồn có trong hoa quả như vải, sầu riêng rất nhỏ và khi kết thúc bữa ăn hầu như không còn trong máu hay hơi thở.
Nếu sử dụng với số lượng lớn đến mức vượt qua mức nồng độ cồn bằng 0, các chuyên gia y tế khuyên nên nghỉ ngơi 15-20 phút hãy lái xe. Còn khi được yêu cầu thử nồng độ cồn thì hoàn toàn có quyền giải thích và yêu cầu thổi lại lần 2 sau 15 phút khi nồng độ cồn trở lại bằng 0.
Về việc để ngưỡng nồng độ cồn chưa bị phạt như với xe máy trước đây, thiếu tá Đào Việt Long cho biết ý kiến cá nhân của ông là nên giữ mức nồng độ cồn bằng 0 vì thực tế chưa tiêu chuẩn nào chính xác “tôi uống 1 ly rượu này là nồng độ cồn bao nhiêu, 1 ly rượu bia là bao nhiêu”.
Những vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn chủ yếu xảy ra ở nông thôn, nhất là dịp cuối năm. Việc luật cấm tuyệt đối người điều khiển xe có nồng độ cồn phù hợp với thực tế Việt Nam. Trong 7 ngày thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia Hà Nội giảm 11 vụ tai nạn giao thông và giảm 9 người chết. Lần đầu tiên trong 10 năm Hà Nội giảm được 9 người chết vì tai nạn giao thông trong 1 tuần vào dịp Tết dương lịch.
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng quy định cấm tuyệt đối với tài xế ôtô vi phạm nồng độ cồn thực hiện 10 năm qua nhưng chưa ai bị phạt vì ăn hoa quả có nồng độ cồn – Ảnh: TUẤN PHÙNG
Theo ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, không phải ai cũng biết uống 2/3 lon bia (1 đơn vị đồ uống) thì một người có trọng lượng 60kg sẽ có nồng độ cồn 0,25 mg/1 lít khí thở và không ai mở 1 lon bia chỉ để uống 2/3.
“Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với ôtô đã thực hiện 10 năm qua. Chưa ai bị phạt khi lái ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất mà khiếu nại tại uống siro hay ăn hoa quả.
Với tình trạng lạm dụng rượu bia và văn hóa uống phản văn hóa cần một liệu pháp sốc, răn đe gần như tuyệt đối để mọi người thấy lằn ranh rõ ràng tôi không uống rồi lái xe thay vì ngồi mặc cả tôi uống 1 đơn vị đồ uống thôi rồi lại vì duy tình uống thêm 1 đơn vị nữa”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Ông Bùi Sỹ Lợi – phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội:
99% người dân hoan nghênh Luật phòng chống tác hại rượu bia và nghị định 100
Lúc đưa ra phương án cấm hoàn toàn nồng độ cồn với lái xe chưa được 50% đại biểu Quốc hội tán thành. Nhưng sau đó, xảy ra nhiều vụ tai nạn do rượu bia rất đau lòng, có người nói Quốc hội không cấm hoàn toàn là không cứu dân. Bây giờ có người vẫn phản đối việc cấm hoàn toàn uống rượu rồi lái xe tôi cho rằng cũng là bình thường.
Nhưng chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Chúng ta cần ủng hộ chủ trương này như quy định cấm pháo, buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Trong 9 ngày qua, 99% người dân phản ánh đến Quốc hội hoan nghênh Luật phòng chống tác hại rượu bia và nghị định 100.
Chúng tôi kêu gọi nhân dân ủng hộ chính sách này của Đảng và Nhà nước. Nếu không ủng hộ, cho uống nồng độ cồn trên 0, thì rủi ro biết đâu rơi đúng vào bản thân mình? Tôi đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Y tế đồng thuận chuyển tải quy định này đến người dân. Bộ Y tế sớm ban hành khuyến cáo tác hại rượu bia đến sức khỏe con người, ngành công an phải duy trì xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, đừng “đánh trống bỏ dùi”.
TTO