26/11/2024

Để con không cô đơn

Con trẻ cô đơn là vấn đề được quan tâm trong xã hội hiện đại, khi ai cũng có “thế giới riêng” (là chiếc điện thoại thông minh), bận rộn công việc, thiếu sự quan tâm cần thiết cho con trẻ…

 

Để con không cô đơn

Con trẻ cô đơn là vấn đề được quan tâm trong xã hội hiện đại, khi ai cũng có “thế giới riêng” (là chiếc điện thoại thông minh), bận rộn công việc, thiếu sự quan tâm cần thiết cho con trẻ…



Để con không cô đơn - Ảnh 1.

Để hỗ trợ trẻ, trước hết các bậc phụ huynh phải hỗ trợ và chăm sóc chính mình, cung cấp cho mình sự tĩnh lặng – giúp tinh thần được thư thả – để chúng ta đủ vững chãi trước xu hướng hiện đại và để chăm sóc con cái cũng như các mối quan hệ của bản thân mình.

ThS Nguyễn Bảo Ân

ThS Nguyễn Bảo Ân, người sáng lập Dear Mind, công ty chuyên về lĩnh vực lượng giá và hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt, tiếp nối câu chuyện mà bài viết “Con trẻ cô đơn” trên Tuổi Trẻ ngày 29-11 đặt ra.

* Theo anh, những lý do nào khiến con trẻ cô đơn?

– Thông thường trẻ cảm thấy cô đơn khi không có bạn hoặc ai chơi cùng, không ai chia sẻ, phải ở một mình, bị cô lập, thay đổi môi trường sống và học tập, mất đi một con thú cưng hay một món đồ chơi ưa thích… Sự cô đơn được trẻ hiểu và trải nghiệm khác nhau ở những giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ.

* Vậy làm thế nào để cha mẹ hay người thân phát hiện được hiện tượng trẻ cô đơn?

– Khi trẻ có khó khăn về mặt tâm lý, thông thường sẽ có hai hình thức trẻ phản ứng với khó khăn. Thứ nhất, là những phản ứng hướng về thế giới bên ngoài, chẳng hạn như có các hành vi nổi loạn, gây hấn, chống đối… Thứ hai, là những phản ứng hướng về bản thân trẻ, ví dụ như lo âu, trầm cảm, những than phiền về các triệu chứng cơ thể… Là cha mẹ, người thân, cần quan sát trẻ, nếu có những phản ứng như vậy có thể giúp đỡ con em mình vượt qua.

 

* Sau khi phát hiện trẻ cô đơn, trầm cảm thì làm cách nào để trị liệu hoặc chuyển hóa tình trạng, thưa anh?

– Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu để biết về các cột mốc phát triển của trẻ, từ đó đối chiếu xem những biểu hiện của trẻ có phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ không. Những biểu hiện của trẻ có làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội của trẻ như học tập, các mối quan hệ khác. Nếu như mối bận tâm về những biểu hiện của trẻ khiến các bậc phụ huynh lo lắng thì nên tìm đến những người có chuyên môn để được đánh giá chính xác tình hình và có được những phương thức hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

* Vậy anh có lưu ý hay lời khuyên nào dành cho phụ huynh cũng như con trẻ để có một cuộc sống hạnh phúc thực sự?

– Hạnh phúc là một ý niệm được phản ánh qua lăng kính chủ quan của từng người. Nhưng dù cho quan điểm hạnh phúc là gì thì để có thể hạnh phúc ai cũng phải cần đến một sức khỏe tốt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đối với trẻ con thì chơi đùa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ cũng như làm phong phú thêm đời sống tinh thần các con, mối quan hệ, sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái tốt sẽ giúp trẻ dễ có được những thành tựu về mặt học tập và đời sống xã hội sau này.

 

 

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện