Khi con chọn cái chết để giải thoát
Gần đây, dư luận xôn xao chuyện hai học sinh nhảy lầu tự tử vì bị cha mẹ kiểm tra điện thoại và cha mẹ thường xuyên cãi nhau.
Khi con chọn cái chết để giải thoát
Gần đây, dư luận xôn xao chuyện hai học sinh nhảy lầu tự tử vì bị cha mẹ kiểm tra điện thoại và cha mẹ thường xuyên cãi nhau.
Các em đang độ tuổi trưởng thành, những điều phụ huynh cứ nghĩ là thường nhật nhưng lại là “diễn biến” nghiêm trọng đối với con trẻ.
Đồng hành, đồng điệu với con, dìu dắt, dạy dỗ con không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Làm con thật khó
Đứng trước cổng trường hơn hai tiếng đồng hồ, sau một giờ học thể dục, em Nguyễn Thu U., học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM), buồn bã nói rằng em khổ sở nhất khi không được hiểu, không được ba mẹ dành thời gian cho mình.
Em chia sẻ: “Ba mẹ em làm ở nhà hàng. Em thấy người ta làm theo ca rồi về. Nhưng không hiểu sao ba mẹ lại bận rộn suốt, về đến nhà là ba mẹ lăn đùng ra ngủ, chỉ nhắc nhở em học hành cho có.
Lên cấp III, chương trình học khó hơn, về nhà em hay tìm kiếm trên mạng cách làm bài tập, chỉ cần thấy thôi là mẹ em quát ngay: “Suốt ngày mạng mẽo”. Em không kịp thanh minh, nhưng cũng không buồn giải thích với mẹ. Nói chung em không được hiểu. Em chán lắm” – U. nói vừa dứt lời thì ba em đến, liền vội vã leo lên xe, cha con ra về trong im lặng.
Hay em Nguyễn Tiến Th., đang học lớp 8 một trường quốc tế ở TP Đà Nẵng. Đến trường như bao bạn bè trang lứa, thậm chí đầy đủ hơn, nhưng khi hỏi em có “nỗi khổ” nào trong học tập, trong gia đình không, Th. nói ngay: “Em ghét nhất khi bố mẹ nói về chuyện tiền bạc. Nhiều lần cãi nhau là do chuyện tiền, em nhiều lúc nghĩ rằng chắc tiền do mình ăn học, chắc do mình, đôi lúc em cũng rất buồn”.
“Cha mẹ đừng để mình phải hối hận”
Để hiểu con cái quả thật không dễ. Nhưng cũng không phải hoàn toàn khó. Nếu như cha mẹ có thể quan tâm cẩn thận, mang cho con nhiều yêu thương, thấu hiểu thì sẽ không có đất cho những “bi kịch” ở con trẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi một đứa trẻ bị tổn thương mà có quyết định dại dột là thường các con thấy mình không được tôn trọng, không có ý nghĩa.
“Chuyện xem điện thoại con tôi nghĩ không phải là lần đầu mà là quá trình rất dài, thể hiện việc cha mẹ không tin tưởng con. Con lại nghĩ cha mẹ kiểm soát mình, là minh chứng cho việc không tin mình, chọn cái chết là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Hay những khúc mắc trong gia đình, đứa trẻ cũng sẽ nghĩ liên quan đến nó, trong một số trạng thái tâm lý không ổn định, đứa trẻ sẽ có quyết định dại dột. Cha mẹ cần nhớ rằng con cái càng lớn càng có sự nhạy cảm về yếu tố tôn trọng và tự trọng, càng lớn càng muốn có không gian riêng về đời sống riêng tư” – ông Nam phân tích.
Ông Nam cũng lưu ý thêm rằng kỷ luật tích cực là một kỹ năng mà cha mẹ phải học, roi vọt chỉ là cách giáo dục ngắn hạn, khiến con tổn thương. Để hiểu, để “đi guốc” trong suy nghĩ của con, cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho con.
Ông Nam khuyên: “Quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho con. Hơn nữa, cha mẹ cần phải có kỹ năng quản lý cảm xúc. Kiểm tra điện thoại con nhưng thống nhất với các con từ trước, để đảm bảo chắc chắn sự an toàn cho con. Phụ huynh đừng cho rằng mình phải làm gì mà trước khi làm hãy diễn giải cho con việc mình làm, là đằng sau đó là sự yêu thương, quan tâm con thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn”.
Từng chứng kiến con của bạn chọn “giải thoát” cho câu nói trong lúc tức giận của người cha: “Mày chết đi cho khuất mắt tao”, một chuyên gia tâm lý (đề nghị không nêu tên) tại TP.HCM cũng đồng quan điểm rằng khi trẻ con cảm thấy không được tin tưởng, không được quan trọng sẽ có những kích động lớn.
Bà nói: “Trẻ con mà, cũng đơn giản lắm, yêu thương quan tâm chúng, chúng sẽ yêu thương và thấy cha mẹ, cuộc sống rất mến thương. Nhưng chỉ cần cảm nhận là mình không được tin tưởng, con sẽ làm tất cả, kể cả chuyện coi thường mạng sống của mình. Tất cả gói gọn hết trong sự quan tâm thật nhiều, yêu thương thật nhiều. Vì thế, cha mẹ đừng để mình phải hối hận”.
Thần tượng của con
Chị Ng. có con học Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Chị cho biết thường xuyên dành thời gian cho con. Chị kể rằng giờ chị như “thần tượng” không những của con mà của các bạn trong lớp con.
“Sáng nào tôi cũng cố gắng đưa con đi học sớm 15-20 phút. Đến trường, tôi trò chuyện với con, với các bạn của con luôn. Nghe chúng nó hát bài gì về mình vờ hát theo. Bây giờ tôi vô lớp con như thần tượng của tụi nó, cái gì tôi cũng nói trúng tim đen chúng. Các con bu vào rồi hỏi: sao mẹ bạn biết hát vậy, cô hát hay quá… Thế là mình đã thành công phần nào với vai phụ huynh rồi”.