Nỗi đau axit: Nên quy định axit là ‘công cụ phạm tội đặc biệt’
Nỗi đau axit không chỉ là nỗi đau về thể xác, mà gần như nó huỷ hoại cả cuộc đời của một con người…
Nỗi đau axit: Nên quy định axit là ‘công cụ phạm tội đặc biệt’
Tội phạm với axit để lại những di chứng nặng nề cho nạn nhân Ảnh: Phạm Hữu
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần tăng nặng hình phạt, thậm chí cần phải có tội danh riêng, đối với hành vi sử dụng axit để gây thương tích hay tổn hại sức khoẻ cho người khác.
Cần tăng nặng hình phạt
Theo luật sư Trần Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), việc dùng axit để hủy hoại người khác là rất tàn ác,và hậu quả để lại là không thể lường trước được. Nguyên nhân sự việc có thể là đánh ghen, bị từ chối tình cảm hay đòi nợ thuê… có rất nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn nhưng hung thủ lại chọn cách dùng axit trút lên nạn nhân.Dù có thể giữ lại mạng sống khi bị axit tàn phá cơ thể, nhưng nổi đau về thể xác, tinh thần sẽ theo họ suốt đời.
Luật sư Nữ phân tích: Luật không quy định tội danh riêng cho hành vi dùng axit tạt vào người khác, mà Luật quy định hành vi dùng axit tạt vào người khác nằm trong biểu hiện của hành vi phạm tội thuộc “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự – BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hiện nay là phù hợp.
Việc xử lý người dùng axit gây tổn hại đến người khác, tùy thuộc vào mức độ tỷ lệ thương tật do hành vi tạt axit để lại thì người vi phạm sẽ chịu mức hình phạt khác nhau. Tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, từ 31% đến 60% thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm, từ 61% trở lên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm”.
Mức hình phạt cao nhất hiện nay đối với tội này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tạt axit như Việt kiều Canada bị tạt axit, thiếu úy PCCC dùng axít trả thù người yêu hay thiếu nữ 17 tuổi bị tạt axit,… đều để lại hậu quả khủng khiếp, gây chấn thương tâm lý, tàn phế suốt đời cho nạn nhân, nên cần tăng nặng hình phạt mới đủ sức răn đe.
“Ở điểm b, khoản 1, điều 134 thì việc dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm thì cần xử phạt mức cao nhất khung hình phạt này hoặc tăng nặng mức phạt này. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý nặng những người có ý định dùng axit để giải quyết mẫu thuẫn với nhau”, luật sư Nữ đưa ra ý kiến.
Dùng axit phạm tội nên là “tình tiết định khung tăng nặng”
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng dùng axit xâm hại sức khỏe cho người khác thì có thể bị Khởi tố tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là phù hợp. Bởi đứng trên góc độ người vi phạm, lúc thực hiện hành vi, họ chỉ muốn gây thương tích chứ không có ý tước đoạt mạng sống của người khác, thì lúc này axit chỉ là công cụ phạm tội.
Tuy nhiên, luật sư Phát bổ sung: với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà axit để lại cho nạn nhân, thì cần tách các công cụ phạm này ra, theo hướng nếu sử dụng axit là công cụ phạm thì sẽ bị áp dụng định khung tăng nặng hơn so với các công cụ phạm tội khác.
Luật sư Trần Thị Hồng Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng đánh giá hành vi tạt axit nếu không gây chết người, hầu hết cũng chỉ có thể khép vào tội “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, khi so tội phạm này với các tội phạm khác cùng tội danh “cố ý gây thương tích”, hành vi tạt axit lại để lại hậu quả, di chứng rất nặng nề về sức khỏe đồng thời gây mất thẩm mỹ cho cả nam và nữ.
“Vì vậy, cần có một tội danh riêng dành cho những hành vi phạm tội mà có sử dụng axit làm phương tiện để gây tổn thương cơ thể cho người khác hoặc đưa việc sử dụng axit phạm tội sẽ là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt”, luật sư Trần Thị Hồng Việt đề xuất.
HUYỀN MAI – SONG MAI