Nô lệ hiện đại ở Thái Lan
Năm 2018, Thái Lan tiến hành cải cách chính sách cho lao động nhập cư, cấp cho họ các quyền lao động như dân bản địa, bao gồm chăm sóc sức khoẻ miễn phí, lương hưu và trợ cấp trẻ em… Từ đó nô lệ hiện đại ở đất nước này đã ra đời.
Nô lệ hiện đại ở Thái Lan
Năm 2018, Thái Lan tiến hành cải cách chính sách cho lao động nhập cư, cấp cho họ các quyền lao động như dân bản địa, bao gồm chăm sóc sức khoẻ miễn phí, lương hưu và trợ cấp trẻ em… Từ đó nô lệ hiện đại ở đất nước này đã ra đời.
Nếu tôi không làm kịp thời hạn, tôi sẽ gặp rắc rối lớn.
Lao động Sai Tun Shwe (người yanmar)
Tuy nhiên, nhiều chủ lao động và người môi giới bất lương cộng với thủ tục hành chính rườm rà khiến cho nhiều lao động nhập cư khó tiếp cận chính sách này. Nhiều chủ lao động và môi giới còn nâng giá làm thủ tục, khiến người lao động đến từ các nước như Campuchia, Lào và Myanmar gánh thêm nợ nần.
Nợ và sự lệ thuộc là một trong những hình thức phổ biến nhất của chế độ nô lệ thời hiện đại trên thế giới. Chỉ số Nô lệ toàn cầu (Global Slavery Index – GSI) của Tổ chức nhân quyền Walk Free Foundation chỉ ra rằng chế độ nô lệ thời hiện đại đang ảnh hưởng đến 610.000 người ở Thái Lan.
Hét giá gấp 4 lần
Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cải cách, chính quyền Thái Lan đặt mục tiêu đảm bảo 2 triệu lao động nhập cư hợp pháp ở nước này phải gia hạn giấy phép lao động. Quá trình đăng ký do chủ doanh nghiệp trực tiếp làm. Những công nhân có thu nhập từ 10.000 baht/tháng (hơn 7,5 triệu đồng) phải trả phí đăng ký.
Tổng chi phí cho các thủ tục này khoảng 6.700 baht (5 triệu đồng). Tuy nhiên, theo Reuters ngày 30-8, những lao động nhập cư cáo buộc các chủ thuê và “cò” môi giới nâng phí để trục lợi, khiến người lao động phải gánh một khoản nợ mới và lệ thuộc chủ thuê cho đến khi trả hết nợ.
Hàng chục lao động nhập cư tại tỉnh Rayong cho biết họ phải trả phí đăng ký giấy phép lao động đến 25.000 baht (19 triệu đồng) cho chủ.
“Lao động nhập cư tại Thái Lan chủ yếu nghe thông tin từ chủ thuê và các nhà môi giới – những người lợi dụng để thu lợi trên đồng lương của họ” – Sa Saroeun của Tổ chức Raks Thai, chuyên tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động, nói.
Lao động Sai Tun Shwe (41 tuổi, người Myanmar), như SCMP đưa tin, đã làm việc tại Thái Lan 13 năm qua, trong đó có 9 năm liên tiếp làm việc tại một xưởng may quần áo. Giấy phép lao động của ông Sai sắp hết hạn và lần đầu tiên trong đời, ông không chắc có thể gia hạn nó.
Ông Sai không đơn độc. 2 triệu lao động nhập cư tại Thái Lan vật lộn để có giấy phép lao động, nếu không muốn bị luật cải cách mới của chính quyền Bangkok phạt tiền hoặc thậm chí tống họ vào tù nếu phát hiện họ không còn giấy phép.
“Những công nhân nhập cư là những người sống dưới đáy xã hội, sợ làm sai nên chủ thuê của họ bảo họ phải trả bao nhiêu thì họ sẽ đưa bấy nhiêu” – Saroeun cho biết.
Thủ tục rối ren
Bộ Lao động Thái đang thông báo với người lao động về chi phí thực tế để đăng ký theo hệ thống mới và khuyến khích họ trình báo nếu chủ thuê báo phí cao hơn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức từ thiện đang hỗ trợ lao động nhập cư ở Thái Lan nói rằng họ không có niềm tin vào lời khuyên của bộ.
Trong sổ sách của Cơ quan Nhập cư Liên Hiệp Quốc (IOM), Thái Lan có 3 triệu lao động nhập cư. Tuy nhiên, IOM ước tính có ít nhất 2 triệu lao động nữa đang làm việc bất hợp pháp ở nước này.
Người phát ngôn Reuben Lim của IOM tại Thái Lan cho biết cuộc cải cách của chính phủ không hề khuyến khích những công nhân không giấy tờ hay những lao động mới đến Thái Lan tìm cách đăng ký giấy phép lao động trực tiếp. Theo ông Lim, thông tin về chi phí, thời gian chạy đi chạy lại giữa các cơ quan chính phủ và thủ tục rối ren từ lâu đã làm nản lòng những người nhập cư trong việc tìm việc làm hợp pháp.
Các nhà hoạt động cho biết các chủ thuê lao động thường không muốn mất thời gian đi làm thủ tục nên sẽ chuyển cho các “cò”, khiến chi phí – tiền nợ của người lao động tăng lên nhiều lần.
“Vẫn chưa có cơ chế nào đảm bảo việc khấu trừ tiền lương sẽ hợp pháp” – Chonticha Tangworamongkon, giám đốc Tổ chức Phát triển và nhân quyền tại Thái Lan, cho biết.