Đó là trăn trở của một phụ huynh có con mới vào lớp 1 tại Trường tiểu học Hoàng Minh Đạo, phường 5, quận 8, TP.HCM. Cho con mang tiền đi học hay không, luôn là câu hỏi trăn trở của nhiều phụ huynh, không biết làm thế nào là tốt nhất cho con.
Không cho mang tiền đi học, đồ ăn thì được
Chị N.T.K, có con gái đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM cho biết quan điểm của chị là con còn nhỏ, chưa nên cho con mang tiền đi học mỗi ngày, con chị ban đầu không thắc mắc gì cả. Tuy nhiên, năm ngoái một chuyện xảy đến khiến chị rất sốc, đó là một bạn trong lớp mách cô giáo rằng con gái chị lục cặp của bạn lấy bánh. “Tôi về hỏi con thì được biết, ở lớp con có một bạn mỗi ngày được bố mẹ cho rất nhiều tiền, có khi tới 50.000 tới 100.000 đồng, bạn hay đứng trên lớp khoe và bảo sẽ cho tiền các bạn khác. Khi bạn ấy tiêu hết tiền, bạn đã rủ con bé nhà tôi cùng lục cặp bạn bè khác để tìm tiền, bánh kẹo”, chị K. kể. Quan điểm của chị K là học sinh tiểu học, chưa nên cho con mang tiền đi học mỗi ngày. “Tôi vẫn cho con tiếp xúc với tiền, nhưng theo cách như đưa con tới cửa hàng tiện lợi trước cổng trường, đưa cho con 20.000 đồng và nói con tự chọn bữa sáng của con đi sao cho đủ số tiền, khi con mua các món xong, tôi sẽ hỏi con giá mỗi món ra sao, thừa thiếu như thế nào”.
Phụ huynh Đoàn Thị Vinh, có con học lớp 1 ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết nên cho con ăn sáng no trước khi đi học, thay vì cho con mang tiền tới lớp, vì nhiều trường hợp có chuyện “trấn lột”, nhiều bạn lớp lớn biết các em lớp bé hay được cha mẹ cho nhiều tiền mang theo đã tới hăm dọa và lấy. Theo chị Vinh, nếu sợ con đói, các cha mẹ có thể cho con đi siêu thị cùng, cùng hỏi con thích ăn gì, chúng ta hãy cùng mua một số thứ con thích để mỗi ngày mang tới lớp một ít như bánh, snack, sữa, trái cây, con có thể ăn và chia sẻ với các bạn khác cho vui. “Từ lớp 6 trở đi, có thể cho con mang từ 5.000 hay 10.000 đồng tới lớp mỗi ngày. Dặn con nên mua những thực phẩm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không mua đồ ăn vặt hay đồ chơi Trung Quốc”, chị Vinh nói.
Sợ con kém cạnh bạn bè
Chị Hoa, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Hoàng Minh Đạo, P.5, Q.8 cho biết không cho con mang tiền đi học vì không muốn con mua nước ngọt, bánh kẹo phẩm màu, đồ chơi Trung Quốc không đảm bảo sức khỏe, nhưng mới đây con khóc và bảo ai “ở lớp cũng có tiền đi mua quà, rồi miếng dán hình công chúa, riêng con không có, rồi mình đi xin ăn hoài cũng kỳ. Mẹ cho con tiền để con mua bánh mời các bạn đi mẹ”. Phụ huynh này cho biết, là cha mẹ ai cũng mong những điều tốt nhất cho con, sợ con kém cạnh nên không biết vấn đề này giải quyết ra sao, có nên cho con tiền mang đi học hay kiên quyết nói không.
Học sinh mua nước trước cổng trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8 Bảo Vy
|
Cho mang tiền đi học và dạy con cách tiêu tiền, quản lý tiền
Phụ huynh Nguyễn Thị Trang, có con học lớp 2 tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết trước khi con chưa đi học thì nhiều phụ huynh luôn tâm niệm, sẽ không dạy chữ cho con trước khi vào lớp 1, hoặc không cho con mang tiền đi học. Nhưng thực tế, khi vào hoàn cảnh của mình, nhiều phụ huynh sẽ phải nghĩ lại.
Theo chị Trang, nhiều bạn bè của chị bây giờ cảm thấy xót khi con của họ học lớp 2 nhưng đánh vần bập bẹ, chưa biết đọc, viết. Con của chị, nhiều hôm đi học về kêu khát khô cổ vì bình nước mang theo bị mất, không dám xin cô ra hành lang lấy nước uống, không có tiền mang theo để uống trà đá. “Tôi cho con 5.000 đồng mỗi ngày, mang theo để nếu khát nước có thể xuống căng tin mua nước lọc hay trà đá. Buổi tối về tôi sẽ hỏi con mua thứ gì, bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu. Tôi nghĩ là nên dạy con biết tiêu, kiểm soát tiền mình có chứ không phải ngăn cấm”, chị Trang nói.
Chị Trần Thanh Tâm, phụ huynh con học lớp 6 tại Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM cho biết khi con chị học tiểu học, chị thường chuẩn bị một ít trái cây gọt sẵn bỏ vào hộp, cho con mang theo sữa, bánh trong ba lô để giờ ra chơi con sẽ ăn, con cũng có sẵn bình nước mang theo. Chị không cho con mang tiền đi học mỗi ngày, vì con còn nhỏ, nếu hùa theo các bạn mua bánh kẹo, nước ngọt cổng trường không an toàn. Khi con học lớp 6, chị thoả thuận mỗi tuần sẽ cho con một khoản tiền tiêu vặt, khoảng 50.000 đồng mỗi tuần. Chị sẽ hỏi con, con phân chia số tiền này ra sao, vào những việc gì, phải phụ giúp ba mẹ những việc như thế nào, nếu không thì số tiền sẽ bị ít dần đi. Cuối tuần, chị cũng sẽ ngồi lại kiểm tra cùng con, xem số tiền dư bao nhiêu. Con sẽ bỏ ống heo số tiền dư, để tiết kiệm mua thứ gì con thích, hoặc mua quà tặng người thân, bạn bè con. Chị nói: “Dạy con tiêu tiền cũng là một bài toán khó. Phải từ từ, giảng giải, để con hiểu làm ra tiền không dễ và biết quý trọng sức lao động”.
BẢO VY