25/11/2024

Con nghỉ học, đánh bố mẹ để… đòi lại điện thoại, iPad

Với tâm lý ‘hè mà, để con chơi chút cho thoải mái’, đến khi hết hè, có phụ huynh tá hoả khi phát hiện con mình nghiện game trên điện thoại đến mức đánh cả bố mẹ khi không được chơi game…

 

Con nghỉ học, đánh bố mẹ để… đòi lại điện thoại, iPad

Với tâm lý ‘hè mà, để con chơi chút cho thoải mái’, đến khi hết hè, có phụ huynh tá hoả khi phát hiện con mình nghiện game trên điện thoại đến mức đánh cả bố mẹ khi không được chơi game…
 
 
 

Con nghỉ học, đánh bố mẹ để... đòi lại điện thoại, iPad - Ảnh 1.

Tâm lý “để con chơi một chút không sao” lâu dần dẫn đến trẻ nghiện điện thoại – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Muốn cai nghiện điện thoại cho con thì chính các bậc phụ huynh phải làm gương trước. Trên thực tế nhiều phụ huynh khi đi làm về nhà cũng “ôm” điện thoại, tivi, máy tính suốt. Như thế làm sao có thể dạy con?

Ông Đặng Lê Anh

“Tôi không ngờ khi cơn nghiện game dâng lên, con tôi đã trở thành một con người khác. Thật kinh khủng!” – chị H.T.V., phụ huynh ở quận Phú Nhuận (TP. HCM), cho biết.

“Trả điện thoại cho con”

Chị V. kể: “Con trai tôi vốn rất ngoan. Từ nhỏ tôi đã rèn cho cháu nếp học tập cũng như sự chủ động, tự lập trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Hè vừa rồi do cháu đã lớn (lớp 7), không thể theo ba mẹ đi làm nên tôi để cháu ở nhà tự chơi. Cháu than ở nhà với ông bà rất buồn nên mong hết hè để đi học lại.

Tôi thấy thương con quá. Nghỉ hè gần ba tháng mà ba mẹ chỉ có thể thu xếp để đi chơi một tuần chứ đâu thể đi chơi hết ba tháng hè. Thế nên tôi mua cho con một cái điện thoại thông minh để cháu vừa đọc tin tức hằng ngày và giải trí.

Mọi việc vẫn diễn ra bình thường dù có ngày đi làm về tôi thấy con ôm điện thoại suốt. Tôi nhắc nhở con nhưng chồng tôi gạt đi: ‘Hè mà, hãy để cho con được thoải mái’.

Và sự việc thực sự ‘bùng nổ’ khi mùa hè kết thúc, con tôi bước vào năm học mới. Trường cấm mang điện thoại vào trường nên con tôi phải để ở nhà. Nhưng chỉ cần về đến nhà là con vồ ngay lấy cái điện thoại rồi chơi một cách say mê thay vì đi tắm, ăn cơm, đọc báo rồi học bài như năm học trước.

Tôi nhắc nhở thì cháu rất khó chịu. Ngày nào cũng vậy, tôi phải la mắng to tiếng thì con mới chịu rời cái điện thoại để đi tắm, ăn cơm nhưng cũng rất vội vàng, qua loa để mau chóng rút lên phòng riêng.

Đỉnh điểm là một ngày tôi phát hiện con mình chơi game đến 2h khuya. Giận dữ, tôi giằng lấy cái điện thoại trên tay con. Không ngờ cháu lao vào đấm tôi, ánh mắt đỏ ngầu như một thằng điên, đồng thời gầm lên: ‘Mẹ có trả điện thoại cho con ngay không? Trả ngay! Trả ngay!’.

Giữa đêm khuya, nghe ồn ào, ông xã tôi chạy lên can thiệp thì cháu đánh cả bố (con tôi có võ Vovinam) chỉ với một yêu cầu: trả cái điện thoại cho con”.

Nghỉ học vì… game

Tương tự, sau hè, chị V.H.V.N. – phụ huynh ở Q.2, TP.HCM – kể câu chuyện về con mình trong nước mắt: “Tôi đã sớm biết tác hại của game, của mạng xã hội… đối với học sinh nên tôi không mua điện thoại cá nhân cho con. Tuy vậy, đến năm cháu học lớp 8 thầy dạy tiếng Anh có khuyên tôi nên mua cho cháu cái iPad để con học tiếng Anh tốt hơn.

Tôi làm theo lời thầy giáo cùng với thỏa thuận: ‘Mỗi ngày con chỉ được chơi game 1 tiếng’. Đúng là con tôi chỉ chơi game trong 1 tiếng nhưng hỡi ôi, cháu lại say mê với những clip, những phim ngắn nhảm nhí trên mạng; cháu mê chat với các bạn (không chỉ bạn cùng trường, cùng lớp mà bạn ở khắp nơi, về nội dung các game, cách chơi, ai thắng, ai thua…).

 

Con tôi bảo rằng chat với bạn cũng là một cách giải trí, mỗi lần chat với bạn con cảm thấy rất vui và sảng khoái.

Vì mê xem cái này cái kia trên mạng, mê chat chit linh tinh, con tôi đi ngủ rất trễ nên sáng ra cháu rất mệt, uể oải, đi học trong sự miễn cưỡng.

Nhưng nghiêm trọng hơn, do mê mải với mạng nên con tôi bỏ bê bài vở, không làm bài, chuẩn bị bài, các bài kiểm tra đầu năm toàn 4-5 điểm trong khi trước đây cháu liên tục là học sinh giỏi.

Tôi lấy lại cái iPad thì con phản ứng bằng cách… nghỉ học. Tôi dẫn con đi khám tâm lý thì bác sĩ chẩn đoán cháu nghiện thiết bị thông minh”.

Tìm giải pháp thay thế

Ông Đặng Lê Anh – phó viện trưởng Viện IVS (trường nội trú dành cho học sinh cá biệt và nghiện game) – cho rằng những hành động của trẻ như phụ huynh kể trên chứng tỏ trẻ đã nghiện game hoặc nghiện thiết bị thông minh.

Vấn đề quan trọng nhất không phải là những hành vi phản ứng dữ dội của trẻ vì đây là những phản ứng thuộc dạng bệnh lý chứ không phải trẻ hư hỏng, có vấn đề về đạo đức hay hạnh kiểm.

Khi trẻ chơi game nhiều hoặc sử dụng điện thoại, các thiết bị thông minh khác để xem, nghe, chat… nhiều thì cơ thể trẻ sẽ sinh ra một loại hormone làm cho não cảm thấy khoan khoái. Khi người lớn lấy đi những thiết bị ấy thì trẻ khó chịu, phản ứng là lẽ đương nhiên.

Để “cai nghiện” game cho trẻ, ông Lê Anh nói: “Cha mẹ hãy đồng hành cùng con. Khi thấy con có những phản ứng thái quá, phụ huynh đừng giận dữ mà từ từ giải thích cho con hiểu. Ngoài ra, phụ huynh nên đồng thời cùng con thực hiện những giải pháp thay thế như thay vì để cho con ôm tivi, điện thoại, iPad… hãy tạo điều kiện cho trẻ chơi thể thao.

Khi chơi thể thao, cơ thể trẻ sẽ sinh ra một loại hormone tạo cho não cảm thấy khoan khoái như chơi game vậy, từ đó trẻ sẽ cảm thấy vui và giảm dần cơn nghiện. Bên cạnh đó, phụ huynh cần sắp xếp thời gian để ở bên cạnh con, cùng con đi chơi, xem phim, tham gia các hoạt động cộng đồng…”.

Cùng con xây dựng kế hoạch sử dụng thời gian

Ông Đặng Lê Anh đề nghị: “Cha mẹ hãy cùng con xây dựng kế hoạch sử dụng thời gian trong ngày. Trong đó, 60% thời gian trong ngày phải là thời gian trẻ học tập và chơi những trò chơi lành mạnh, chỉ 10% thời gian là chơi với các thiết bị thông minh (dĩ nhiên, trẻ chơi dưới sự kiểm soát về giờ giấc cũng như nội dung của cha mẹ), thời gian còn lại là sinh hoạt cá nhân (ăn uống, tắm rửa…), làm việc nhà”.

 

 

HOÀNG HƯƠNG