30/11/2024

Cậu học trò lớp 9 ‘lượm rác’ về nhà để sáng chế

Đi học, thấy gì còn dùng được Lê Tùng Bách cũng xin lượm, ràng lên xe đạp chở về. Bị chọc ghẹo là đem rác về nhà, Bách vẫn vui vì được thoả đam mê sáng chế.

 

Cậu học trò lớp 9 ‘lượm rác’ về nhà để sáng chế

Đi học, thấy gì còn dùng được Lê Tùng Bách cũng xin lượm, ràng lên xe đạp chở về. Bị chọc ghẹo là đem rác về nhà, Bách vẫn vui vì được thoả đam mê sáng chế.


Cậu học trò lớp 9 lượm rác về nhà để sáng chế - Ảnh 1.

Lê Tùng Bách dành hàng giờ sáng chế dưới giếng trời tại nhà – Ảnh: T.HÂN

 

“Em hình dung tương lai sẽ trở thành giáo viên dạy toán vào buổi sáng, buổi chiều dạy thêm, buổi tối dành cho đam mê sáng chế”, Lê Tùng Bách – học sinh lớp 9 Trường THCS Hoa Lư (Q.9, TP.HCM), chia sẻ khi đang cắm cúi sửa cánh quạt của máy phun sương tinh dầu tự chế.

Vượt qua 133 sản phẩm của Hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2018, Bách nhận giải cao nhất với loa thùng tái chế 3 trong 1 – một trong nhiều “gia tài” sáng chế có kích thước tí hon cho gia đình đi dã ngoại.

Mê sáng chế

“Món này em lượm, món này em mua, món này em độ. Ngoài một số ưu điểm, sản phẩm của em còn nhiều khuyết điểm lắm vì em cũng còn nhỏ”, Bách say mê giới thiệu về quá trình “hồi sinh” cặp loa hư ở chợ Nhật Tảo để thuyết phục ban giám khảo cuộc thi. 

 

Thay vì phải kéo loa thùng mỗi lần đi picnic, gia đình chỉ cần xách cặp loa để trong hộp nhựa 4 lít cho hát karaoke, dò đài phát thanh, bắt nhạc qua usb hay sóng bluetooth từ điện thoại. Loa hoạt động gần tám tiếng nhờ hệ thống pin sạc và remote điều khiển từ xa.

TS Đỗ Việt Hà, ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (thành viên ban giám khảo), chia sẻ: “Bách có óc quan sát, có ý tưởng và kỹ năng thực hiện ý tưởng đó. Em tự thiết kế cấu trúc sản phẩm độc đáo, hiệu quả. 

Dĩ nhiên độ hoàn thiện kỹ thuật so với các sản phẩm trên thị trường thì chưa bằng nhưng ban giám khảo cho rằng khoa học nên gắn với ứng dụng thực tế, từ sản phẩm dự thi của em đến sản phẩm thương mại khá gần. 

Đây là gợi ý vừa sức để học sinh, giáo viên, gia đình chủ động làm tại nhà phục vụ sinh hoạt nhóm, giảng dạy, vui chơi”.

Không chỉ trong cuộc thi, đam mê sáng chế của Bách đã biến gia đình thành xưởng thực nghiệm. Em chế đèn huỳnh quang điều khiển từ xa qua sóng hồng ngoại, xe đạp thường gắn thêm động cơ điện, máy phun sương tinh dầu xua muỗi, ốp lưng sạc không dây cho điện thoại, bộ phận làm lạnh cho tủ lạnh mini…

Sản phẩm tự chế của Bách thường chỉ dùng vài tháng rồi hư nhưng điều đó không làm em chán nản, em xoay xở qua nhiều phiên bản hoặc cất vào gầm cầu thang, “đợi câu trả lời xuất hiện khi em lớn lên, học thêm kiến thức ở trường hay tự mày mò trên Internet” – Bách nói.

Chơi là sáng tạo

Thừa hưởng “gen” kỹ thuật khi cha Bách là anh Lê Hoàng Hải, tốt nghiệp cao học về cơ khí chế tạo. Dù vậy anh Hải cho biết: “Con không biết nơi làm của tôi, tôi cũng không mang công việc về nhà. Tôi không tư vấn con phải làm cụ thể như thế nào mà chỉ giúp con hiểu nguyên lý, hướng dẫn phương pháp làm việc từ suy nghĩ công nghệ, lên sơ đồ đến ghi chép”.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Thùy Trang, mẹ Bách, nói vui rằng đôi lúc tưởng nhà mình là “sở rác”. “Con đi học, thấy gì còn dùng được cũng xin lượm, ràng lên xe đạp chở về bị bạn bè chọc ghẹo đem rác về nhà. Nhưng thấy con đam mê, thời gian chơi là thời gian sáng tạo nên tạo điều kiện vừa phải. Con nên làm điều mình vui thích, có ích và áp dụng sau này” – chị Trang nói. 

Chị Trang cho biết thêm: “Tôi dạy con không phải muốn là sẽ có bằng mọi giá, không phải thứ gì đắt nhất cũng tốt nhất. Bách học cách đi chợ Nhật Tảo, trao đổi với người bán để mua được linh kiện phù hợp, tương xứng mức độ chi trả của học trò. Nhà có sẵn cờ lê, mỏ lết, con chỉ mua máy hàn, máy cắt, máy khoan khi thật sự cần thiết”.

“Bách vẫn phải đảm bảo bài tập trên lớp, không thức quá khuya, dậy quá sớm để học bài. Học là con đường dài, không phải một ngày một bữa mà thành. Bách cũng đi học võ để nâng cao sức khoẻ, học thêm kỹ năng sống để phát triển toàn diện” – chị Trang kể lại quãng thời gian Bách ôn thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua.

Chia sẻ về đam mê sáng tạo, Tùng Bách cho biết: “Có nhiều kênh chia sẻ sản phẩm điện tử sáng tạo trên mạng, em và nhiều bạn bắt đầu đam mê từ đó. Tuy nhiên từ ý tưởng đến từ đời thường là chuyện khác. Em luôn nghĩ đến những tiện lợi cho nhu cầu gia đình, sau đó suy nghĩ cách làm tốt, tiết kiệm và an toàn”.

Trong khi đó anh Hải chia sẻ: “Không riêng gia đình tôi, thậm chí cha mẹ trong điều kiện khó khăn vẫn có thể ủng hộ con. Điều quan trọng ở những đứa trẻ chịu học hỏi, sáng tạo là giúp chúng xuất phát từ việc nhỏ, đồ rẻ tiền, sáng tạo đi đúng hướng khoa học – kỹ thuật, đạt mục đích sử dụng và thoả đam mê”.