10/11/2024

Ngăn chặn nạn canh tác… cần sa

Cần sa là một loại ma tuý độc hại, nhưng gần đây, rộ lên hiện tượng nhiều hộ nông dân vẫn lén lút trồng. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì họ bảo không biết tác hại, trồng để cho gia súc, gia cầm ăn mau lớn!

 Ngăn chặn nạn canh tác… cần sa

Cần sa là một loại ma tuý độc hại, nhưng gần đây, rộ lên hiện tượng nhiều hộ nông dân vẫn lén lút trồng. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì họ bảo không biết tác hại, trồng để cho gia súc, gia cầm ăn mau lớn!

Ngày 23.7, từ tin báo của người dân, Công an H.Tam Bình (Vĩnh Long) bất ngờ kiểm tra vườn ăn cây trái của bà Phạm Thị Thu Hà ở xã Mỹ Thạnh Trung, phát hiện hàng trăm cây cần sa có chiều cao từ 0,5-3m. Cách đó vài ngày, công an huyện này cũng đã bất ngờ kiểm tra mảnh vườn tạp nhà ông Dương Văn Thống (ở xã Phú Lộc), phát hiện và tịch thu 18 cây cần sa vừa trồng được vài hôm. Ông Thống và bà Thu Hà nói rằng do nghe người ta nói trồng cây này cho heo, gà ăn mau lớn nên mua trồng thử, không biết đó là cây có chất ma tuý. Công an H.Tam Bình đã lập biên bản tiêu huỷ và xử phạt hành chính, đồng thời cảnh báo nếu tái phạm sẽ bị xử lý. Trước đó ngày 4.4, Công an H.Tam Bình cũng đã tiêu huỷ 36 cây cần sa tươi cao trên 0,5m của bà Nguyễn Thị Thu, ngụ  xã Mỹ Thạnh Trung.

Theo thống kê, năm 2009, Công an tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 19 vụ, với 22 đối tượng trồng cần sa, thu giữ 1.549 cây cần sa tươi, 2 kg cần sa khô, 0,5 kg hột cần sa và hơn 500 cây cần sa con đang ươm… Còn từ tháng 6.2010 đến tháng 7.2011, lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý của tỉnh đã phát hiện và triệt xoá hơn 22 điểm trồng cây cần sa ở các huyện Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh…

 

Phát hiện ở nhiều tỉnh

Trong năm 2011, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã phát hiện 3 hộ dân trên địa bàn trồng hàng trăm cây cần sa và đã tiến hành tịch thu tiêu huỷ, xử phạt. Còn ở Hậu Giang, cơ quan chức năng  tỉnh kiểm tra các vườn cây nghi vấn phát hiện 5 hộ trồng cây cần sa, thu được 400g cần sa khô và 14,7kg cần sa tươi.

Từ đầu năm 2011 đến nay, công an 2 hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng đã phát hiện hàng chục vụ tàng trữ và trồng trái phép cây cần sa. Qua quá trình điều tra, đã thu giữ hàng nghìn ký cần sa tươi và khô, nhiều đối tượng bị khởi tố.

 

Theo một cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Long, cây cần sa đứng riêng rất dễ nhận dạng, lá cây có hình răng cưa, mọc thẳng đứng phân nhiều tầng, trổ bông li ti màu tím đậm. Tuy nhiên, khi cây cần sa được trồng trong vườn, xen kẽ các loại cây ăn trái như cam quýt, xoài… nếu không chú ý kỹ rất dễ lầm cây cỏ hoang mọc xen cây trồng. Điển hình như hộ ông Lê Văn Bé (ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú, H.Tam Bình) trồng 25 cây cần sa chỉ cách trụ sở ấp vài bước chân nhưng cán bộ ấp thấy cứ tưởng là cỏ dại. Đến khi Công an Tam Bình đến lập biên bản, tịch thu tiêu huỷ, thì họ mới biết đó là cây cần sa.
 
 
Cũng theo lời vị cán bộ này, hầu hết người trồng cần sa khi bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản vụ việc đều kêu oan, cho rằng mình không biết đó là cây có hại, chỉ nghe lời người ta xúi trồng cho heo gà ăn mau lớn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã chứng minh được nhiều vụ người dân khai rằng trồng cây cần sa chỉ cho gia súc ăn, nhưng lại đi bán cho các đối tượng nghiện ma tuý, như vụ ông Nguyễn Tấn Ẩn (khóm 1, thị trấn Long Hồ, H.Long Hồ) trồng cần sa đem phơi khô, rồi mang bán cho con nghiện nhiều lần. 

Ông Nguyễn Việt Quang, Chánh văn phòng Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết khi bị phát hiện tịch thu, các hộ dân khai báo họ đi mua cây cần sa ở Cần Thơ và các điểm bán cây giống lưu động. Hầu hết đối tượng vi phạm đều nói do nghe người bán cây quảng cáo đây là cây thuốc tăng trọng nhanh cho gia súc, gia cầm nên mua về trồng.

Theo ông Quang, mặc dù thời gian qua Công an Vĩnh Long đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ trồng cần sa, nhưng do đa phần người dân trồng cần sa xen trong vườn cây, ngoài đồng ở vùng sâu, vùng xa nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, ngăn chặn. Cũng theo ông Quang,  muốn ngăn chặn tệ nạn này, điều cấp bách là chính quyền địa phương phải phối hợp tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu rõ tác hại của cây cần sa; đồng thời giúp mọi người hiểu rằng việc trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tù… Ngoài ra, ngành chức năng cũng nên phổ biến ảnh và  hình vẽ cây cần sa để cho người dân và cán bộ địa phương phân biệt rõ.

Cây cần sa còn gọi là cây gai dầu, cây gai mèo, đại ma…, tên khoa học Cannabis sativa L. Lá cần sa có chứa  hoạt chất Tetrahydrocannabinol là chất kích thích thuộc danh mục I các chất ma tuý rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế. Việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học và điều tra tội phạm phải theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.  Lá cần sa dùng để chiết xuất làm ma tuý, người sử dụng cần sa sẽ bị giảm trí nhớ tức thời, mất nhân cách, ảo thị và hoang tưởng cấp, dùng cần sa có thể thúc đẩy hoặc làm nghiêm trọng rối loạn tâm thần ở những trường hợp tâm thần phân liệt.

Cây cần sa là loại cây cấm nhập khẩu, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam.