23/11/2024

Việc nhỏ, tại sao không làm?

Có những điều chỉnh, cải tiến, thay đổi thậm chí rất nhỏ, hoàn toàn có thể làm ngay để muôn mặt cuộc sống được tiện ích hơn, nhân văn hơn

Việc nhỏ, tại sao không làm?

Có những điều chỉnh, cải tiến, thay đổi thậm chí rất nhỏ, hoàn toàn có thể làm ngay để muôn mặt cuộc sống được tiện ích hơn, nhân văn hơn. Thế nhưng vì sao các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm vẫn không chịu làm?

Xe buýt quên người khuyết tật

5 năm trước, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện một số giải pháp giúp người khuyết tật (NKT) thuận lợi trong việc đi lại bằng xe buýt. Tuy nhiên, những thí điểm nhỏ này vừa chậm vừa chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Cuối tháng 4.2011, khi hay tin UBND TP.HCM chủ trương đầu tư thay thế 1.680 xe buýt với kinh phí gần 2.000 tỉ đồng, Trung tâm khuyết tật và phát triển TP.HCM (DRD) đã kiến nghị TP nên mua xe sàn thấp thay vì xe sàn cao như hiện nay. Theo DRD, xe sàn thấp phục vụ nhiều đối tượng hơn, không chỉ NKT mà còn người già, phụ nữ có thai, trẻ em… Còn nếu dùng xe sàn cao phải tốn thêm chi phí lắp đặt hệ thống nâng, làm đường dốc cho NKT.

Từ thiết kế đường

 

Nhà nước phải có chính sách ưu đãi về lãi vay cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xe buýt cho NKT. Có như vậy mới khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực này

 

Ông Phùng Đăng Hải
TGĐ Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM

 

Trên thực tế, theo ghi nhận của Thanh Niên, hầu hết trạm dừng, nhà chờ xe buýt hiện nay được thiết kế không thuận lợi cho NKT lên xuống xe buýt. Chỉ một số trạm dừng trên đường Lê Duẩn (Q.1) được hạ lề đường để người đi xe lăn lên xuống đón xe buýt. Các trạm dừng xe buýt trên các con đường khác như Trần Hưng Đạo (trước Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Q.5), Xô Viết Nghệ Tĩnh (trước Trung tâm bảo trợ NKT Thị Nghè, Q.Bình Thạnh)…, lề và mặt đường được làm vuông góc gây khó khăn cho người đi xe lăn lên xuống chờ xe buýt.

Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, TP.HCM mới chỉ có 4 tuyến xe buýt hỗ trợ người khuyết tật đi xe lăn: Sài Gòn – chợ Bình Tây, Bến xe Miền Tây – Đại học Quốc gia, Bến xe Chợ Lớn – Đại học Nông Lâm và Bến xe Chợ Lớn – Củ Chi. Trong đó, 2 tuyến chỉ là xe sàn thấp mà chưa có thiết bị nâng xe lăn…

Cho đến chính sách khuyến khích

Theo ông Phùng Đăng Hải, TGĐ Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, xe buýt cho NKT đang hoạt động cầm chừng và khá bế tắc. Ông Hải than phiền về việc không được TP hỗ trợ vốn để đầu tư xe buýt cho NKT. Ông cho hay, vào năm 2006, UBND TP có chủ trương đầu tư loại xe buýt cho NKT có thể tiếp cận thuận tiện, Liên hiệp HTX đã mua về 5 chiếc xe buýt từ Hàn Quốc. Đây là loại xe có sàn thấp, phù hợp với bất cứ loại vỉa hè nào tại TP, xe lăn của người khuyết tật có thể leo lên dễ dàng. Trên xe có khu vực dành riêng cho NKT, với khoảng 6 chỗ. Bên ngoài xe có gắn logo dành cho người khuyết tật. Những chiếc xe này hiện nay vẫn đang hoạt động tại 2 tuyến là 94 (Chợ Lớn – Củ Chi) và số 6 (Lê Hồng Phong – Thủ Đức). Theo ông Hải, giá xe buýt cho NKT cao hơn xe buýt thường từ 300 – 400 triệu đồng/chiếc nhưng các chủ xe không được ưu đãi gì so với xe buýt thường. Đây là nguyên do khiến các chủ xe bất mãn.

Trong khi đó, Công ty xe khách Sài Gòn (Saigon Bus, thuộc Samco) thì được hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Thiết bị này do Saigon Bus nghiên cứu, chế tạo và đoạt được giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2009. Hiện Saigon Bus có 18 chiếc xe buýt được lắp thiết bị này và đang mong muốn được Cục Đường bộ VN hỗ trợ kinh phí lắp đặt thêm nhiều chiếc nữa vì trong tổng số hơn 700 chiếc xe buýt hiện có của Saigon Bus, toàn là xe sàn cao.

Saigon Bus đang sản xuất loại xe sàn thấp và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 21 chiếc trong vòng vài tháng tới.

“Phấn đấu” có 5 -10% xe buýt có thiết bị giúp NKT đi lại

Theo Sở GTVT, TP đang phấn đấu có 5 -10% lượng xe buýt có thiết bị giúp NKT đi lại. Vừa qua, thông qua Công ty xe khách Sài Gòn, Bộ GTVT đã chi 1,1 tỉ đồng để đầu tư thiết bị phục vụ NKT trên 18 xe buýt thuộc 2 tuyến Sài Gòn – Bình Tây và Bến xe Miền Tây – ký túc xá Đại học Quốc gia. Ngoài ra, UBND TP đã giao Công ty xe khách Sài Gòn đầu tư thí điểm 21 xe buýt chạy khí thiên nhiên, trong đó có lắp các thiết bị hỗ trợ NKT. Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, từ nay đến năm 2020 TP sẽ cải tạo 210 trạm dừng, nhà chờ theo hướng giúp NKT tiếp cận xe buýt dễ hơn, tổng kinh phí khoảng 6,8 tỉ đồng. Trung tâm cũng sẽ cải tạo các vỉa hè để NKT dễ di chuyển khi đón xe buýt.

Những kết quả nói trên vẫn là quá ít so với nhu cầu của hơn 54.000 NKT ở TP.HCM hiện nay, những người vốn mang nhiều mặc cảm, gặp khó khăn lớn trong việc sinh hoạt, đi lại hằng ngày.

 

Tiện ích nhỏ, ý nghĩa lớn

Nếu đó là nhu cầu cần thiết của bạn, chắc chắn ở đây có.

Đó là nhận định khi đề cập đến những tiện ích nho nhỏ ở các sân bay, nhà ga, viện bảo tàng… ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở sân bay Gimhae – Busan (Hàn Quốc) có thể dễ dàng tìm thấy phòng thay đồ trong sân bay, có cả bàn trang điểm cho phụ nữ, giúp hành khách vừa xuống chuyến bay có thể sửa soạn là đi làm việc luôn. Cũng ở Hàn Quốc, trên mỗi bàn khai thủ tục nhập cảnh ở sân bay Seoul, ngoài giấy, viết bao giờ cũng có ba chiếc kính lão để sẵn. Họ biết rằng có nhiều người cao tuổi phải tự mình viết tờ khai hải quan.

Một trung tâm trung chuyển hàng không khác là Doha (Qatar), hành khách có thể tìm thấy những thiết kế hết sức thiết thực: quầy sạc pin điện thoại di động miễn phí với đủ dạng đầu cắm, nhà nguyện ngay trong khu quá cảnh cho khách Hồi giáo, phòng nghỉ yên tĩnh với ghế dài miễn phí cho khách chờ nối chuyến…

Tất cả những thiết kế tiện ích đó khó lòng tìm thấy ở bất kỳ sân bay nào tại Việt Nam. Ngay như một việc tưởng chừng rất đơn giản là muốn kiểm tra cân nặng trước khi gửi hành lý ở các sân bay trong nước chỉ có cách đến quầy làm thủ tục xin cân nhờ, trong khi sân bay Copenhagen (Đan Mạch) có hẳn một quầy riêng cho khách mượn cân, xin dây gói và giữ dùm hành lý nếu khách muốn gửi để đi vệ sinh hay mua sắm.

Vẻ như bất kỳ thiết kế hay trang bị nào cho các khu vực công cộng, người ta đã tính hết các hình huống phát sinh của từng đối tượng khách hàng. Bậc lên xuống xe buýt, tàu điện ở Phần Lan, Thuỵ Điển đều ngang bằng với lề đường, trên mỗi xe đều có khu vực dành riêng cho người đi xe lăn, người đẩy xe nôi em bé. Đến một chuyện rất nhỏ thôi như ở Cung điện Hoàng gia tại Stockholm, Thuỵ Điển bất kỳ ai đến tham quan đều có thể mượn theo một chiếc ghế xếp nhỏ. Họ biết có những người già không thể đứng lâu nghe thuyết minh, hay là những người vốn yêu thích hội hoạ muốn ngắm rất lâu chỉ một bức tranh tường trong cung điện.

Một cuộc sống nhân văn hay một đô thị nhân văn rất cần bắt đầu từ những thiết kế, tiện ích rất nhỏ như vậy.

Trọng Phước