23/11/2024

Những cái chết xanh

Theo phòng bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, năm 2010 TP có 43 trẻ dưới 14 tuổi tử vong do tự tử

Những cái chết xanh

Tự kết thúc cuộc sống khi chưa tới 14 tuổi, đó có thể là phút giây bồng bột của những bạn trẻ ấy, song lại là hậu quả nối dài của những cơn sóng ngầm xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, những giận hờn với một ai đó.

Một ngày giữa tháng 2-2011, hàng xóm, bạn bè, thầy cô bàng hoàng trước tin em L.V.Q.N. treo cổ tự tử. Em qua đời khi chưa đầy một tháng nữa là tròn 14 tuổi. Nguyên nhân chỉ vì ba mẹ la mắng và tát tai em.

Theo phòng bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, năm 2010 TP có 43 trẻ dưới 14 tuổi tử vong do tự tử. Ca nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là 10 tuổi. Nhóm tuổi từ 13-14 chiếm tỉ lệ cao nhất.

Nước mắt muộn màng của người lớn

Hơn bốn tháng đã trôi qua, tiếp chúng tôi tại nhà ở TP.HCM, vẻ tang tóc vẫn hằn sâu trong đôi mắt những người thân của N.. Mọi người cho biết mẹ em khóc suốt, không thể gặp ai được. Ba em cố tỏ ra bình tĩnh kể: “Bữa đó cả nhà ăn chay. Thấy chị hai chiên trứng, cháu méc mẹ nhưng bị mẹ la ngược lại. Cháu buồn và ngồi lỳ trên máy tính. Lúc 19g, mẹ cháu nhờ lau nhà, cháu không làm rồi cãi lại. Tôi bợp tai cháu hai cái. Cháu đứng dậy bỏ lên lầu. Nghĩ rằng cháu sẽ vào phòng, đóng cửa, mở tivi hết công suất hoặc ngủ mỗi khi có chuyện giận dỗi ba mẹ nên chúng tôi không để ý. Khoảng 21g45, tôi lên lầu thì thấy phòng cháu tắt đèn, không một động tĩnh gì. Linh cảm có chuyện gì đó nên vợ tôi nhờ hàng xóm trèo ra mái tôn để nhìn vào phòng cháu qua cửa sổ… Chúng tôi phá cửa xông vào thì con bé đã chết trong tư thế quỳ”.

Được biết, N. là một cô bé xinh đẹp, hiền lành, ngoan ngoãn. Ở trường N. học giỏi toán, tiếng Anh và vi tính. “Tôi không bao giờ nghĩ chuyện này sẽ xảy ra – thắp nhang cho con gái, ba bé N. rưng rưng tự nói với chính mình – Không thể dùng vũ lực với con cái mà cần quan tâm tới con nhiều hơn”…

Ngoài các mâu thuẫn trong gia đình là nguyên nhân chủ yếu đưa đến hành động tự tử ở trẻ, còn xuất hiện những nguyên nhân từ yếu tố bên ngoài như thất tình, giận dỗi bạn bè, thầy cô… Có trường hợp một em bị thầy mắng và không cho vào lớp học. Vốn là học sinh giỏi của trường, em cảm thấy bị tổn thương nên đã quyết định treo cổ tự tử.

Bà Phan Thanh Minh – trưởng phòng bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM – cho biết ở giai đoạn đầu dậy thì từ 12-14 tuổi, trẻ rất dễ xung đột do đặc điểm tâm sinh lý thay đổi, thậm chí xáo trộn. “Đây là nguyên nhân khiến nhóm tuổi này chiếm tỉ lệ tự tử cao trong số liệu chúng tôi đã thu thập. Tuỳ vào sự phát triển của từng em và cách hành xử của người lớn mà các em có thể vượt qua những trục trặc, khó khăn hoặc trái lại sẽ bị dồn nén nghiêm trọng” – bà Minh cho biết.

Bà Minh đưa ra một ví dụ cụ thể khiến trẻ dễ bị ức chế: “Nhiều em không biết mình là người lớn hay con nít. Vì khi cha mẹ yêu cầu việc gì đó thì em được nghe con lớn rồi, con phải thế này, con phải thế kia. Nhưng khi đến lượt em có yêu cầu thì cha mẹ lại bảo không được, con còn nhỏ”. Muốn phục hồi hoàn toàn những sang chấn tâm lý ở lứa tuổi này cần sự quan tâm đặc biệt của cả gia đình và bè bạn.

Để thảm kịch không xảy ra

Nói theo cách của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, chủ nhiệm CLB tâm lý trị liệu trẻ em Trăng Non, đứng trước hành vi tự tử bao giờ cũng là hiệu ứng “giọt nước tràn ly”. Vì vậy, cần quan tâm dự phòng ở cả ba bước.

“Đầu tiên là dự phòng từ xa. Giữa cha mẹ và con cái phải có đối thoại. Bởi đôi khi đối thoại có thể dẫn tới tranh luận hay xung đột thì vẫn còn chứa đựng những cơ hội giúp người ta hiểu nhau. Bằng không, dễ dẫn tới cá nhân trẻ bị cô lập, cảm thấy bế tắc, không còn cách nào nói lên tiếng nói của mình, lúc đó trẻ mới nghĩ đến chuyện tự sát”, bác sĩ Tiến phân tích.

Thứ hai, ngăn ngừa khi bước một thất bại và khả năng tự tử đã gần kề. Bước này là làm sao phát hiện sớm những biểu hiện của đứa bé muốn chết: trở nên ít nói, hay ngồi một mình, không muốn tiếp xúc với ai, khí sắc trầm buồn, không còn muốn tham gia các hoạt động hoặc bỏ nhà ra đi… Khi phát hiện những động thái đó, cha mẹ phải tìm cách đối thoại với con ngay.

Bước thứ ba, tuy là dự phòng khi tự tử xảy ra rồi nhưng vẫn hết sức quan trọng. Mọi người thường có khuynh hướng xem chuyện tự tử đã được giải quyết ở phòng cấp cứu bệnh viện. Rất ít phụ huynh đi tìm sự trợ giúp của các dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp sau sự cố. Trong khi đó một gia đình có trẻ tự tử chết hay được cứu sống vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, vốn dĩ làm nền cho chuyện tự tử xảy ra. Theo bác sĩ Tiến: “Sự kiện một em bé đi tìm cái chết cảnh báo cho bản thân đương sự (nếu còn sống) cũng như cho cả gia đình thấy có rất nhiều bế tắc cần phải giải quyết. Ngay cả khi nguyên nhân có vẻ như là từ yếu tố bên ngoài, thì hành vi tự tử vẫn cho thấy gia đình đó đã quá yếu để trẻ có thể lấy làm điểm tựa”.