Nước nổi chậm

Hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long giờ này là mùa nước nổi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cánh đồng từ vùng tứ giác Long Xuyên – Cần Thơ, đến khu vực vùng trũng ven biên giới đầu nguồn lũ sông Hậu, sông Tiền tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn còn khan nước.

Nước nổi chậm

Báo Tuổi Trẻ, ngày 27/08/2010

Hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long giờ này là mùa nước nổi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cánh đồng từ vùng tứ giác Long Xuyên – Cần Thơ, đến khu vực vùng trũng ven biên giới đầu nguồn lũ sông Hậu, sông Tiền tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn còn khan nước.

Những cánh đồng ngoài đê bao khu vực giáp biên giới huyện An Phú (An Giang) lũ vẫn chưa tràn bờ ruộng. Người dân trong vùng nước nổi đang nghèo theo lũ. Nhiều làng xóm đang khắc khoải chờ lũ, ngư cụ lờ lọp, lưới câu, xuồng ghe vẫn chưa thể ra đồng vì nước vẫn chưa chịu nổi.

Lèo tèo cá, cua

Sáng 22-8, ông Trương Văn Hiền (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, H.An Phú, An Giang – nơi giáp ranh biên giới Campuchia) tranh thủ ra bờ mương Lòng Chầu thăm lọp cua và giăng câu kiếm ít cá về làm bữa cơm. Nhưng mặt ông lộ vẻ thất vọng khi cá không có, lọp cua cũng lèo tèo vài con.

Cả cánh đồng rộng 20ha trong ấp vẫn còn trơ gốc rạ. Giờ này năm ngoái tại cánh đồng ấp Vĩnh Hòa dày đặc những giàn lưới cá, nhưng năm nay không có giàn nào.

Ông Hiếu chậm rãi giăng lưới trong khi hai cậu con trai bì bõm ven bờ mương Lòng Chầu thăm lọp mong bắt được cua, cá nhưng không hi vọng được nhiều. Ông Hiếu nói: “Đi giăng câu cho đỡ buồn chứ tui biết cá đã kiệt theo con nước rồi”.

Đi dọc mương Lòng Chầu, người ta nhìn thấy rõ dòng nước đục ngầu chảy lặng lờ như chưa thể đủ sức để “nhảy” qua bờ ruộng. Sau hàng giờ thăm lưới, đổ lọp, cha con ông Hiếu chỉ bắt được vài con cua, con cá không đủ làm bữa cơm trưa cho gia đình.

Nước trên ruộng không có, nước ngoài các dòng kênh rạch cũng hẻo cá tôm. Nhiều hộ gia đình biết trước cảnh cá mắm héo hon đã đi tìm nơi nước nổi thả lưới nhưng cả một vùng trũng rộng lớn từ thượng nguồn Campuchia đến ruộng Việt Nam đều thiếu nước.

“Cá bên đó cũng không nhiều”

Trên khu dân cư hai ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An nhà nào cũng chất hàng trăm ngư cụ dưới sàn nhà hay ngoài sân chờ lũ. Bà Nguyễn Thị The đang xếp lại đống lọp dưới sàn nhà than vãn: “Đồ nghề lưới cá của tui trị giá cả chục triệu đồng vậy mà phải bỏ xó vì nước không nổi. Trong xóm này ai cũng sống bằng nghề “đâm hà bá” và chỉ mong có nước nổi, vậy mà… Không biết nước năm nay chừng nào mới tràn đồng?”.

Chỉ tay lên mốc cột nhà hơn 2,5m, bà The nói giờ này năm ngoái nước đã dâng tận đây. Mặc ngư cụ vứt chỏng chơ dưới sàn nhà, bà The đi tìm việc sống qua ngày, ai thuê gì làm nấy. Bà than: “Nhiều hôm không ai thuê mướn phải mượn tiền sống đỡ”.

Ở Việt Nam nước chưa nhảy đồng, nhiều người dân phải đi tìm nơi có nước lũ để mưu sinh nhưng hầu như trên toàn vùng đều khan nước lũ. Những nông dân cố cựu sống bằng nghề câu lưới hằng đêm phải sang đất bạn Campuchia thuê mặt nước đánh bắt cá, nhưng nước trên đồng trũng Campuchia cũng thấp chưa đến 1m nước. Dù vậy hằng đêm trong ấp cũng có hàng chục chiếc xuồng băng đồng đi giăng câu bên đất bạn.

Những người cố cựu trong ấp chuyên đi qua Campuchia xin được thuê mặt nước giăng lưới đặt lọp cho biết: “Cá bên đó cũng không nhiều. Hằng đêm thả trên 200 cái lọp, vài trăm mét lưới nhưng chỉ được chục ký cua, vài ký cá lóc. Rùa rắn cũng trống xuồng vì nước chưa vô bưng”.

Đối mặt với lũ nghèo

Ông Nguyễn Văn Tùng, phó chủ tịch xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, lo lắng trong tình cảnh đất vùng lũ lại không có lũ và cũng chưa biết thời tiết biến đổi ra sao. So với năm ngoái nước lũ đã về chậm hơn một tháng, nước chưa tràn lên đồng. Ông Tùng đơn cử ấp Vĩnh Hòa không có đê bao khép kín nên nước về là tràn 17ha nhưng đến nay nước còn thấp.

Chỉ tay ra ngã ba sông Châu Đốc, ông Tùng nói giờ này năm ngoái nước cách mặt đê gần 3m, còn năm nay thấp hơn mặt đê 4m. “Chúng tôi đang lo nếu vùng lũ thiếu nước thì trong xã sẽ phát sinh thêm nhiều hộ nghèo, bởi trong xã đã có trên 185 hộ nghèo và gần 700 hộ cận nghèo đều thiếu đất sản xuất”.

Theo ông Tùng, trước đây mỗi ngày bà con giăng lưới kiếm được 80.000-100.000 đồng, bây giờ chỉ kiếm được 40.000-50.000 đồng. Thất nghiệp với lũ chậm, nhiều người dân chỉ trông chờ vào những việc thời vụ như cắt lúa, bốc vác… đắp đổi qua ngày chờ lũ về.

Ông Phạm Minh Trí, bí thư Huyện ủy huyện An Phú, cho biết trước mắt đã thấy số hộ dân nghèo sẽ rất khó khăn trong những tháng lũ thiếu nước. Hàng ngàn hộ nghèo sống bằng nghề giăng câu, hái điên điển, thậm chí là nghề đan lát lục bình đang lâm cảnh túng thiếu.

Còn ông Nguyễn Trạng Sư – trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp – khẳng định hiện ở những nơi vùng trũng các xã ven biên giới như Thường Thới Hậu A-B, Thường Phước nước mới nhảy vào đồng được 40-50cm..

Vùng ven biên giới có khoảng 3.000 hộ dân (chiếm 30% hộ dân trong ba xã ven biên) có cuộc sống khó khăn, ít đất sản xuất. Lũ thấp sẽ làm cho cuộc sống bà con chật vật hơn.

Cơ hội lũ về rất thấp

TS Nguyễn Lan Châu – phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương – cho biết các năm trước vào đầu tháng 7 đã xuất hiện lũ nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng năm nay lũ về muộn và đến nay mực nước vẫn thấp. Trong suốt thời gian dài, mực nước luôn ở mức thấp nhất và thấp hơn cả mức thấp nhất lịch sử vào năm 1992.

Theo bà Châu, “cùng kỳ này năm 1992, mực nước sông Tiền tại Tân Châu là 3,4m nhưng hiện nay là 2,15m. Trong khi các năm trước đến thời gian này tại Tân Châu mực nước gần 3m. Hiện nước đang lên từ từ, dự kiến đầu tháng 10 sẽ đạt đỉnh cấp báo động 1 tại Tân Châu là 3,5m”.

Bà Châu cho biết thông thường lũ về ở mức 4m ở đồng bằng sông Cửu Long người ta gọi là “lũ đẹp”, mang lại nguồn nước, phù sa và thủy sản sinh sôi.

Theo bà Châu, cơn bão số 3 vừa qua gây mưa ở Lào và làm mực nước sông MeKong tại Vientiane đang lên chậm nhưng nước vẫn chưa về hạ lưu.

Chiều 26-8, bà Nguyễn Lê Hạnh – phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ – cho biết do ảnh hưởng của mưa bão số 3, nên khu vực thượng, trung Lào có mưa lớn, lượng mưa 80-90mm/ngày, nhưng chỉ có hai ngày có mưa.

Hiện nước lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long đang lên theo thủy triều cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nhưng mực nước lên rất chậm (4-5cm/ngày). Dự báo đến giữa tháng 9 mực nước ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp hơn báo động 1 (dưới 3,5m ở Tân Châu, An Giang).

Như vậy cơ hội để có lũ còn rất thấp và hiếm khi xảy ra bởi vì lũ muộn nhất từ trước đến nay chỉ vào khoảng từ ngày 15-9 khi có lũ ở thượng Lào. Trong khi bây giờ chưa có hình thái thời tiết nào để tiếp tục gây mưa một đợt nữa ở thượng nguồn sông MeKong.

T.PHÙNG – Q.VINH – T.CƯỜNG

QUANG VINH – TRUNG CƯỜNG