Bão đổ bộ vào miền Trung

Tính đến 21 giờ đêm qua, ở Nghệ An, bão đã làm ít nhất 3 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, nhiều diện tích lúa và hoa màu đang chuẩn bị thu hoạch bị hư hại nặng nề… Tại vùng tâm bão Diễn Châu, Quỳnh Lưu, gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12. Gió bão đã làm sập và tốc mái nhiều nhà dân, nhiều cây cối, cột điện bị gãy đổ, 1 tàu cá của ngư dân neo đậu tại xã Diễn Kim bị sóng đánh chìm. Tại huyện Quỳnh Lưu, bão đánh chìm 2 tàu cá của ngư dân ở xã Quỳnh Phương đang neo đậu, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái. Mưa to và gió lớn đã làm gãy đổ nhiều cây cối tại TP Vinh.

Bão đổ bộ vào miền Trung

 

Báo Thanh Niên, ngày 25/08/2010

* Chưa thể thống kê được thiệt hại

Chiều tối qua, bão số 3 đổ bộ vào bờ biển bắc Trung Bộ, tâm bão đi vào địa phận huyện Diễn Châu (Nghệ An) với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật tới cấp 12. Bão đã gây mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Nghệ An.

Tính đến 21 giờ đêm qua, ở Nghệ An, bão đã làm ít nhất 3 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, nhiều diện tích lúa và hoa màu đang chuẩn bị thu hoạch bị hư hại nặng nề… Tại vùng tâm bão Diễn Châu, Quỳnh Lưu, gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12. Gió bão đã làm sập và tốc mái nhiều nhà dân, nhiều cây cối, cột điện bị gãy đổ, 1 tàu cá của ngư dân neo đậu tại xã Diễn Kim bị sóng đánh chìm. Tại huyện Quỳnh Lưu, bão đánh chìm 2 tàu cá của ngư dân ở xã Quỳnh Phương đang neo đậu, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái. Mưa to và gió lớn đã làm gãy đổ nhiều cây cối tại TP Vinh. Nhiều hàng quán, nhà cửa bị gió tốc mái. Tối qua, nhiều tuyến đường nội thành bị ngập chìm trong nước. Bão làm 1 người ở xã Nghi Thiết và 2 người khác ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc bị thương. Hơn 2.000 ngôi nhà tại huyện này bị tốc mái và hư hỏng. Trước khi bão đổ bộ đã có 9.210 người dân của 1.817 hộ ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò được di dời đến nơi an toàn.

Tại Thanh Hoá, bắt đầu từ trưa, tỉnh phát lệnh sơ tán khẩn cấp hơn 5.500 hộ dân với trên 20 ngàn nhân khẩu ở 56 xã ven biển thuộc các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn và thị xã Sầm Sơn.

 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết lúc 22 giờ đêm qua, tâm bão vẫn nằm trên đất liền các tỉnh Nghệ An – Thanh Hóa. Dự báo, bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa và nam đồng bằng Bắc Bộ. Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền rồi suy yếu dần thành vùng áp thấp; khoảng sáng nay 25.8, vị trí trung tâm vùng áp thấp sẽ nằm trên khu vực thượng Lào.

Quang Duẩn

 

Tại Hà Tĩnh, đến 21 giờ bão đã làm 3 người ở H.Lộc Hà bị thương nặng. Đó là ông Trần Nho Thiết, ông Chu Văn Hướng (đều ở xóm 2, xã Tân Lộc) và ông Phạm Bá Tuấn (xóm Ích Hậu). Tại H.Lộc Hà có 11 nhà dân bị sập, 444 nhà bị tốc mái, 77 phòng học hư hỏng nặng và gần 3.000 ha lúa hè thu ngập úng. Ngoài ra có 800m đê xung yếu ở xã Hộ Độ bị vỡ, 8.012m3 đất bị sạt lở… Trước đó, UBND tỉnh đã kịp sơ tán gần 15.000 người/26 xã, huyện vùng ven biển: Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh… đến nơi trú ngụ an toàn.

Tại Quảng Bình, chiều tối qua Phó chủ tịch UBND H.Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề cho biết có 2 người ở xã Kim Hóa là Cao Văn Hoàn (31 tuổi) và Cao Văn Thiu (19 tuổi) bị nước lũ cuốn khi đi rừng về hiện vẫn chưa tìm thấy. Tại huyện Quảng Ninh, lốc xoáy đã làm tốc mái, hư hỏng 33 ngôi nhà và 2 trường học trên địa bàn 2 xã Hiền Ninh và Duy Ninh. Mưa lớn tại Minh Hóa khiến QL12A tại Km 138+100 (địa bàn xã Dân Hóa) bị sạt lở trên 10.000m3, cầu Cha Lo 3 bị ngập sâu trên 1m, giao thông từ đường Hồ Chí Minh nối lên cửa khẩu Cha Lo bị ách tắc. Ngoài ra, các tuyến khác như QL15, 16 có nhiều đoạn ngập sâu. Đặc biệt nước lũ đã chia cắt đường vào bản của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Đồn biên phòng 585 cử 35 cán bộ chiến sĩ về từng bản giúp đỡ đồng bào. Trước mắt đồn chuẩn bị 3 tấn gạo và một cơ số muối cần thiết hỗ trợ người dân…

Tại Quảng Trị, đêm 23.8 một trận lốc xoáy xảy ra tại thôn Linh Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh làm 3 người bị thương và sập 1 nhà dân. Một trận lốc xoáy khác cũng đã xảy ra tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng làm 9 chiếc thuyền bị hư hỏng hoàn toàn.

Tại Thừa Thiên – Huế, đến 16 giờ hôm qua có 312 ngôi nhà bị tốc mái. Gió lốc cũng đã làm 11 người bị thương nặng (trong đó có 5 em học sinh của trường Mẫu giáo thôn Cự Lại Nam, 6 người lớn bị thương do ngói vỡ khi chằng chống nhà).

Tại Đà Nẵng, như Thanh Niên đã thông tin, chiều ngày 23.8, tàu SAR 412 của Trung tâm Cứu hộ hàng hải khu vực 2 đã lên đường cứu hộ tàu cá DNA 61406 do ông Nguyễn Út làm thuyền trưởng, bị hỏng máy ở tọa độ 16 độ 25 phút bắc, 108 độ 28 phút đông; trên tàu đang có 10 lao động. Đến chiều cùng ngày thì tàu SAR 412 tiếp cận được tàu DNA 61406. Nhưng đến tối, khi trên đường lai dắt về đến cách bờ khoảng hơn 15 km thì dây kéo nối giữa tàu SAR 412 và tàu DNA 61406 đã bị đứt, khiến tàu DNA 61406 bị rớt lại phía sau. Tàu SAR 412 đã nỗ lực quay lại tìm kiếm nhưng do gió lớn, không thể tìm thấy tung tích của tàu DNA 61406. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã quyết định điều động trực thăng của Trung đoàn Phòng không – Không quân 954 bay ra vùng biển nơi tàu DNA 61406 bị đứt dây kéo để tiếp tục tìm kiếm.

Nhóm PV