“Xe mù” tung hoành trên phố

TT – Những chiếc xe máy cũ nát, không đèn, không còi, không cả biển số… đang là nỗi ám ảnh trên đường phố Sài Gòn hiện nay. Những chiếc xe máy đời cũ, không đèn, không còi, không biển số… chỉ trơ mỗi bộ “sườn” vẫn chạy loạn xạ ở TP.HCM. Phần lớn đó là những chiếc xe dùng để chở nước đá, bia, gas, hèm nấu rượu… Xe nát như tương chở hàng cồng kềnh nhưng chạy rất ẩu, khi gây tai nạn là vứt xe bỏ chạy.

“Xe mù” tung hoành trên phố

 

Tuoitre.vn Thứ Sáu, 03/09/2010

TT – Những chiếc xe máy cũ nát, không đèn, không còi, không cả biển số… đang là nỗi ám ảnh trên đường phố Sài Gòn hiện nay.

Những chiếc xe máy đời cũ, không đèn, không còi, không biển số… chỉ trơ mỗi bộ “sườn” vẫn chạy loạn xạ ở TP.HCM. Phần lớn đó là những chiếc xe dùng để chở nước đá, bia, gas, hèm nấu rượu… Xe nát như tương chở hàng cồng kềnh nhưng chạy rất ẩu, khi gây tai nạn là vứt xe bỏ chạy.

“Đại bản doanh” đầu tiên chúng tôi ghé là một cơ sở làm nước đá trên đường Đống Đa (P.2, Q.Tân Bình). Nguyên một dàn xe không còn manh giáp, chỉ còn trơ lại bộ sườn với cổ xe rách toang, ngật ngưỡng. Ở chỗ đèn pha là cái lỗ trống hoác, te tua dây điện. Nhiều thanh niên chạy xe ở đây còn cười nói tỏ vẻ tự hào khi cưỡi “vật thể lạ” này trên phố.

Chúng tôi bám theo một chiếc xe đi giao hàng từ khu công viên 23-9 (Q.1) và tìm được một “đại bản doanh” khác của những “bộ sườn di động” này. Đó là đại lý nước đá nằm trên đường Trần Bình Trọng, P.1, Q.5. Ở đây có gần chục chiếc xe máy chỉ còn trơ bộ khung đang dàn hàng ngang và chất những bao đá cồng kềnh.

Những xe này lao ra giữa phố, vừa luồn lách vừa nẹt pô rát cả tai. Chủ nhân là một người gốc Nam Định, ông cho biết: “Loại xe mù này mua cỡ 600.000-1 triệu đồng/chiếc. Nhìn nát như tương vậy chớ tân trang lại cũng chạy ác lắm. Bình quân mỗi xe chở được 10-15 bao đá, mỗi bao nặng chừng 23kg”.

Tràn lan

Suốt nhiều ngày qua chúng tôi liên tục bám đuôi những chiếc “xe mù” trên nhiều khu phố. Từ khu trung tâm Q.1, Q.3, Q.10, ngã tư Hàng Xanh… đến bờ kè Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đâu đâu cũng thấy “xe mù” chạy loạn xạ. Tại đường Võ Thị Sáu (Q.3), chúng tôi bám sát chiếc xe dường như không còn có thể nhận dạng là loại xe gì.

Toàn chiếc xe như một bộ khung sắt có gắn máy và lòng thòng dây nhợ. Không đèn, còi, gương chiếu hậu và thanh niên chạy xe cũng sang đường, rẽ phải, cua trái, quay đầu rất “hồn nhiên”. Cứ thế, từ đường Võ Thị Sáu, chiếc xe luồn lách qua khắp hang cùng ngõ hẻm để giao hàng. Trên xe chở ba bao tải gạo loại 50kg nhưng người lái vẫn vù ga bạt mạng, thậm chí có lúc “quên” cả đèn đỏ.

Không chỉ xuất hiện tràn lan trên khắp phố Sài Gòn, loại xe này còn hoạt động gần như cả ngày lẫn đêm. Tầm 5g sáng, khi các đại lý đá, bia, bánh mì, gas, các khu chợ… bắt đầu mở cửa thì các loại “xe mù” hoạt động tấp nập nhất. Đèn đường vừa phụt tắt, lập tức hàng loạt “bộ sườn di động” chạy loạn xạ trên các cung đường lớn đến các ngõ hẻm. Trên mỗi xe chất hàng hóa cao ngất ngưởng.

Anh Huy, nhân viên chở đá cho đại lý nước đá trên đường Đinh Bộ Lĩnh (P.24, Q.Bình Thạnh), nói thẳng: “Phải chạy đua thời gian để kịp giao hàng cho người ta. Nhiều khi tui cũng không muốn chạy ẩu, chở quá tải nhưng giao hàng trễ khó ăn nói với khách hàng lắm”. Không cần đội mũ bảo hiểm, Huy và đồng nghiệp lại lao xe xuống phố. Một ngày của các “bộ sườn di động” bắt đầu như thế và liên tục chạy trên phố cho đến khi các quán nhậu, nhà hàng vãn khách.

Nỗi sợ “xe mù”

Đầu giờ chiều trên đường Phạm Văn Hai, Trần Văn Đang và những con hẻm gần khu vực kênh Nhiêu Lộc (thuộc Q.Tân Bình và Q.3), “đội quân” giao đá, bia, gas bắt đầu xẹt qua xẹt lại. Không còi, không đèn, những xe này chạy như điên, ngoặt, rẽ vô tội vạ. Tiếng rồ ga, nẹt pô ầm ĩ như để thay tiếng còi báo hiệu.

Một chiếc xe chở một chồng thùng bia vắt vẻo chạy ngược chiều bất chấp xe cộ đang nườm nượp, rồi bất ngờ đánh vòng cung tấp vào lề đường để lên cầu khiến người đi đường thót tim. Nhiều tiếng la ó vang lên nhưng chiếc xe đã vọt mất chỉ để lại một làn khói đen ngòm phía sau. Bên trong những con hẻm ngoằn ngoèo gần đó, một chiếc xe chở đá khác bất thần phóng ra khiến cô gái đi chiếc xe tay ga ở con hẻm cắt ngang phanh gấp. Xe giật mạnh và cô gái té nhào, thủ phạm vẫn phóng đi không thèm ngoái lại.

Tại khu vực đường Ung Văn Khiêm, Bình Quới (Q.Bình Thạnh), những chiếc xe “điên” khiến người đi đường khiếp sợ. Từ 3g-4g sáng, chúng đã vun vút lao trên đường. Tại ngã ba rẽ vào D2 trên đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh), đèn vàng còn một giây, nhiều người đã dừng lại thì từ phía sau, một chiếc “xe mù” nẹt pô gay gắt, lạng lách vọt lên. Chiếc xe vút đi mất dạng sau khi va quẹt vào xe của một người đi đường khiến ông này loạng choạng suýt té. Mọi người chứng kiến chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.

Trên khúc đường Bình Quới gần đó, nhiều người đang cố né xa chiếc xe nhỏ thó, rách nát nhưng chở ngót chục thùng giấy dềnh dang quá đầu người chạy liêu xiêu như say rượu. Một “xe mù” khác chở bình nước vào một con hẻm chỉ vừa hai xe đi. Không giảm tốc độ, chiếc xe còn rú ga vọt qua hai em học sinh đang mải miết bước khiến hai em này giật bắn.

Cô Lan, đẩy xe bán hàng trên đường Vĩnh Viễn (P.4, Q.10), kể: “Loại xe này chạy ngang ngược lắm. Có lần quẹt phải xe tôi, đồ đạc trên xe văng tung tóe, cự lại vài câu thì nó văng tục chửi lại, đành ráng nín nhịn cho yên chuyện”.

“Xe mù” ở đâu ra?

Chỉ cần lướt qua vài trang báo quảng cáo là có thể tìm thấy những đoạn thông tin hấp dẫn như “cần bán cánh én (Cub đời 79), làm máy, sơn đẹp, mất giấy (giấy đăng ký xe) giá 1,5tr”, “Cub 78/50 Nhật, máy êm, BSTP… giá 1,95tr”… Chúng tôi liên hệ số điện thoại của ông T. đăng trên trang quảng cáo của một tờ báo.

Khi biết chúng tôi muốn mua vài chiếc xe gắn máy cũ, ông T. rất nhiệt tình cho biết muốn mua mấy chiếc cũng có, thậm chí giá chưa đến 1 triệu đồng/chiếc. Người đàn ông này cũng không quên quảng cáo: “Chở hàng mà các chú dùng loại xe này là nhất rồi”. Ông còn nói: “Nếu mua xe này, người mua không sợ giả vì giấy bán là do doanh nghiệp ký bán có mộc đỏ hẳn hoi. Các doanh nghiệp này sẽ làm giấy cam kết là xe không tranh chấp, không phải tài sản trộm cắp”.

Xe ở đâu mà nhiều vậy? Trả lời câu hỏi này, một người chuyên mua bán “xe mù” nói một phần từ các doanh nghiệp mua đấu giá tài sản nhà nước bán ra. Một người từng làm việc cho một công ty chuyên mua tài sản bán đấu giá của Nhà nước cũng nhìn nhận nhiều xe “mù” lưu thông trên đường đa số xuất phát từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Chẳng mấy ai chịu mua xe gắn máy cũ để rã bán sắt phế liệu với giá vài trăm ngàn đồng, trong khi chỉ cần sửa lại sơ sơ là bán với giá bạc triệu.

Tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM trực thuộc Sở Tư pháp TP, chúng tôi kiểm chứng thông báo phiên đấu giá ngày 9-9 có 445 xe hai bánh gắn máy các loại, trong đó 171 xe giải quyết đăng ký, 274 xe thanh lý bán phế liệu (không giải quyết đăng ký). Tổng lô hàng có giá khởi điểm 771 triệu đồng (chưa kể hơn 70 xe ba gác máy), tức tương đương chưa đến 2 triệu đồng/xe. Trong thông báo, Trung tâm Dịch vụ đấu giá cũng lưu ý chi phí cắt bỏ khung sườn và xóa bỏ số khung, số máy do người trúng đấu giá tự chịu.

ĐÌNH DÂN – VŨ THỦY – NGỌC HẬU

__________________

Sẵn sàng bỏ xe

Trung tá Hà Văn Hùng, đội phó đội cảnh sát giao thông (CSGT) Bến Thành (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM), kể một CSGT của đội mặc thường phục chạy xe ngoài đường bị một chiếc xe không biển số tông từ phía sau. Trong lúc viên CSGT ngã trên đường, người chạy chiếc “xe mù” rồ ga phóng mất hút, bỏ lại mấy bao nước đá tung tóe trên đường. Cũng may anh CSGT không bị gì.

Trung tá Hùng cho biết hiện trên địa bàn TP hầu như đi đâu cũng bắt gặp “xe mù”, thường thì người điều khiển loại xe này chạy rất ẩu. Ông nói: “Chúng tôi cũng đã bắt giam xe và xử lý nhiều đối tượng chạy loại xe này, trong đó nhiều trường hợp không gắn biển số thì giam xe 10 ngày, không có giấy tờ thì tịch thu xe. Hầu hết chủ xe tỏ ra bất cần vì giá trị của xe không đáng bao nhiêu. Thậm chí có chủ xe còn xé biên lai xử phạt trước cổng cơ quan chúng tôi và nói cho bọn mày xe luôn đó”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết khi đi bộ tập thể dục ở một khu dân cư huyện Bình Chánh suýt mấy lần bị những chiếc “xe mù” tông.

Hầu như sáng nào những xe này cũng đi giao hàng cho kịp nên không cần ngó trước sau, cứ phóng ào ào trên đường. Ông Tường nói nếu chẳng may bị “tông” thì chẳng biết kêu ai vì người chạy xe thường “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Tường đề nghị CSGT cần mở những chiến dịch xử phạt nghiêm đối với những người chạy “xe mù”. Theo ông Tường, Ban An toàn giao thông TP cũng sẽ đề nghị chính quyền địa phương, nhất là cảnh sát khu vực, phải nhắc nhở, thậm chí xử phạt những cơ sở kinh doanh sử dụng loại xe không giấy tờ, không biển kiểm soát…