Hành trình đơn độc
Từ lâu Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận đồng tính không phải là bệnh, thế nhưng nhiều gia đình vẫn đưa con mình đi chữa trị đồng tính, để rồi nhận lại chỉ là sự tổn thương cho con.
Hành trình đơn độc
Từ lâu Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận đồng tính không phải là bệnh, thế nhưng nhiều gia đình vẫn đưa con mình đi chữa trị đồng tính, để rồi nhận lại chỉ là sự tổn thương cho con.
Bà Thúy và con trai (anh Hoàng Khánh Duy) – Ảnh: nhân vật cung cấp |
Bà Thúy (bìa phải) phát biểu trong một lần tham gia hội thảo tại Hà Nội – Ảnh: T.Lụa |
“Mẹ ơi con không đồng tính nữa”
Đã hơn bốn năm kể từ ngày Hoàng Duy Quang (22 tuổi, sinh viên khoa báo chí Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) bị gia đình phát hiện là người đồng tính, rồi bị ép đưa đi điều trị tâm thần. Vậy mà Quang vẫn bị ám ảnh nặng nề về những ngày ấy như mọi chuyện mới vừa xảy ra hôm qua.
15 tuổi, Quang biết mình là đứa “khác thường” khi chỉ rung động trước những bạn trai cùng giới. Quang gầy, trắng trẻo lại mê văn chương nên thường bị bạn bè trêu chọc là ẻo lả như pêđê. 18 tuổi, chuyện Quang có tình cảm với một bạn trai cùng lớp bị bố mẹ phát hiện. Trường cấp III cách nhà gần 20km. Ngày biết chuyện của Quang, bố Quang tức tốc đến trường kéo con về nhà. “Yêu này”- Quang chưa kịp giải thích gì thì đã bị mẹ tát bốp hai cái vào mặt. “Tao phải đưa mày đi chữa khỏi cái thứ bệnh hoạn này”- mẹ Quang quát. Ngay lập tức bà gọi xe đưa Quang đến khoa tâm thần của một bệnh viện thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Bệnh viện nằm dưới chân đồi heo hút. Quang bị giam trong một căn phòng nhỏ. Mẹ Quang khóc nấc: “Mẹ xin con, lỗi tại mẹ để con đi học xa nhà sớm quá, con học nhiều nên mới ra nông nỗi này. Con phải mạnh mẽ lên, đấu tranh kiên cường mới khỏi được bệnh này”. Quang muốn gào lên với mẹ rằng đồng tính không phải là bệnh, nhưng chưa kịp nói gì thì đôi mắt em nặng trĩu. Quang rơi vào giấc ngủ li bì. Mỗi bữa Quang được phát hai viên thuốc màu trắng, ba viên thuốc màu hồng để uống. Quang cứ tỉnh dậy lại được cho ăn, cho uống rồi chìm vào giấc ngủ. Sau này Quang mới biết 15 viên thuốc mỗi ngày ấy là thuốc ngủ và thuốc an thần.
Ba tháng liên tiếp ở đó, với 15 viên thuốc mỗi ngày, với sự van xin của mẹ, với sự cô độc đến muốn phát điên, Quang không chịu đựng thêm được nữa. Quang nói với mẹ: “Mẹ ơi con hết bệnh đồng tính rồi. Con không yêu con trai nữa, mẹ hãy đưa con ra khỏi đây”. Mẹ Quang mừng rỡ đi làm thủ tục xuất viện.
“Đưa em về nhà mà mẹ chưa yên tâm, mẹ bắt em xuống Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám lại. Mẹ bắt em làm tất cả các xét nghiệm cần thiết vì mẹ nghĩ em đồng tính chắc hormon nữ nhiều hơn. Sau ba ngày có kết quả em hoàn toàn bình thường, mẹ mới yên tâm đưa em về nhà. Đó là những ngày em không bao giờ muốn nhớ!”- Quang kể.
Quang được đi học lại bình thường. Quang đậu ĐH và xuống Hà Nội. Mẹ Quang vẫn điện thoại mỗi ngày để nhắc Quang phải tránh xa lũ bạn bè “bệnh hoạn”. Quang chuẩn bị ra trường, vừa làm thêm cho một số dự án về quyền của nhóm LGBT (đồng tính, song tính, hoán tính, chuyển giới) và Quang vẫn giấu gia đình để được yêu con trai. Sau những tổn thương, ám ảnh quá lớn, Quang không dám mơ đến tổ ấm cho riêng mình. Tình yêu của người dị tính là thứ tự nhiên như hơi thở, nhưng tình yêu của những người đồng tính như Quang phải giữ trong câm lặng và tuyệt vọng.
Ám ảnh
Cũng bắt con vào “cuộc chiến” chữa trị “bệnh” đồng tính như Quang, nhưng vết thương từ “cuộc chiến” ấy để lại trong lòng bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (55 tuổi) và con trai Hoàng Khánh Duy (B004, chung cư C2, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) còn nặng nề hơn gấp nhiều lần.
Bà Thúy phát hiện con mình “có vấn đề” khi Duy học lớp 12 mà không có tình cảm đặc biệt với cô gái nào. Duy hay nói với mẹ ước chi mình là con gái. Một buổi tối năm 18 tuổi, Duy về nhà nói cho bố mẹ biết mình là người đồng tính và chỉ thích con trai. Bà Thúy sững sờ. Bà tìm sách báo và tài liệu về người đồng tính để đọc. Bà bắt đầu hiểu, nhưng không bao giờ muốn chấp nhận sự thật này. Cha Duy là con trưởng, Duy là con trai một trong gia đình trí thức. Điều đó đồng nghĩa với việc Duy phải lấy vợ, sinh con để nối dõi tông đường.
“Tôi bắt đầu cuộc chiến chống lại “căn bệnh” đồng tính của con. Đầu tiên là năn nỉ, thuyết phục rồi chửi bới, đe dọa. Bao nhiêu từ ngữ xã hội này dùng để miệt thị người đồng tính tôi đã sử dụng với con mình. Bao nhiêu điều tồi tệ nhất, xấu xa nhất tôi đã áp đặt cho con, miễn sao con thừa nhận không đồng tính nữa” – bà Thúy nhớ lại.
Duy câm lặng hơn, cố gắng làm tốt việc nhà rồi học thật giỏi, thi đỗ vào ĐH Bách khoa TP. HCM như để bù đắp cho ba mẹ. Nhưng những điều ấy không đủ với bà Thúy. Bà tin con mình mắc bệnh và mang Duy đi khắp các bệnh viện để chữa trị tâm lý. Duy được đưa đến Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 rồi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tới bác sĩ tư rồi được mẹ đưa đi xem thầy, bói toán, uống đủ các loại bùa ngải… Duy vẫn nói với mẹ sẽ yêu con trai.
Không chịu nổi những lần chữa trị liên tiếp, Duy uống thuốc ngủ tự tử nhưng được gia đình cứu sống. Từ một chàng trai khỏe mạnh Duy trở nên bất an về tâm lý. Duy đổi chỗ làm liên tục, hay nói nhảm và ít ăn ít ngủ. Lần thứ hai Duy uống thuốc ngủ tự tử cũng là lúc bà Thúy tỉnh ngộ. Sau nhiều năm, bà nhận ra Duy rất ngoan, học rất giỏi và có hiếu với ba mẹ. Bà cũng nhận ra đồng tính không phải là bệnh. Dù khó khăn, nhưng bà dần chấp nhận việc Duy có bạn trai.
“Tôi đã giết con tôi một nửa”
Hoàng Khánh Duy giờ đang làm ở Philippines mà theo Duy nói là “cày tối ngày” để có tiền giúp bố mẹ và mua nhà để được sống với bạn trai. Nhắc về những ngày đã qua, bà Thúy vẫn rưng rưng xúc động. Có lúc bà nghẹn giọng với những giọt nước mắt rơi trên má. “Tôi biết con mình là người đồng tính năm nó 18 tuổi. Vậy mà tới năm nó 28 tuổi tôi mới chấp nhận được sự thật này. 10 năm, thời gian quá dài cho những mất mát và tổn thương. Tôi đã phải trả một cái giá quá đắt, bằng cả hạnh phúc của con mình. Tôi đã sai rồi, tôi đã giết con tôi một nửa…”.
Với mong muốn không bà mẹ nào có con đồng tính mà phạm sai lầm giống như mình, bà Thúy bớt thời gian bán nước mía ở chung cư C2 để tham gia các hoạt động của ICS (một tổ chức vận động và bảo vệ quyền lợi của nhóm LGBT). Bà kể câu chuyện của mình tại các hội thảo do ICS tổ chức, bà lên tiếng vì quyền của nhóm LGBT như một cách chuộc lại lỗi lầm với con trai. Bà thường xuyên gặp gỡ các bà mẹ có con là người đồng tính để tư vấn, chia sẻ cảm xúc và câu chuyện của mình.
Trong quá trình gặp bà Thúy, gặp các bà mẹ khác để thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã gặp nhiều bạn trẻ bị tổn thương nặng nề cả về thể chất và tâm lý sau khi bị gia đình ép đi chữa trị đồng tính. Có người bị gia đình đưa đi chữa trị trong nước không được thì ra nước ngoài, có người bị gia đình giam nhốt, đánh đập, dọa nạt, bị cắt hết mọi liên lạc với bạn bè… Từ chỗ là người khỏe mạnh, các bạn trở nên sợ hãi, hoảng loạn với áp lực của gia đình khi biết mình đồng tính. Trong câu chuyện bà Thúy chia sẻ với những người mẹ khác, thường bắt đầu bằng câu nói như rút ruột: “Câu chuyện của tôi là bài học đắt giá mà tôi đã phải đánh đổi trong 10 năm, bằng cả sức khỏe và hạnh phúc của con trai mình…”.
TÂM LỤA