01/01/2025

Nhức đầu con càng lớn càng ‘khó bảo’

Nhiều phụ huynh có con trong tuổi khoảng từ 10-16 than thở thấy ‘quá khó’ trong việc giao tiếp với con. Họ cảm thấy bế tắc khi con bước vào giai đoạn thay tính đổi nết.

 

Nhức đầu con càng lớn càng ‘khó bảo’

 

Nhiều phụ huynh có con trong tuổi khoảng từ 10-16 than thở thấy ‘quá khó’ trong việc giao tiếp với con. Họ cảm thấy bế tắc khi con bước vào giai đoạn thay tính đổi nết.

  • Nhức đầu con càng lớn càng khó bảo - Ảnh 1.

Chị Hạnh Nhi, Q.7, TP.HCM có con gái lên 13 tuổi, than vãn: “Sao con gái lớn chừng nào khó bảo chừng đó. Lúc nào cũng tỏ ra khó chịu, lầm lầm lì lì, đi học về là vào phòng riêng đóng cửa lại”. 

Nhiều phụ huynh khác thì thảng thốt: “Sao hồi nhỏ con ngoan ngoãn, lễ phép mà giờ lại trái tính trái nết thế này?”.

Trẻ bước vào tuổi dậy thì có những biến đổi rất lớn về tâm sinh lý. Lúc này trẻ rất cần sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, nhưng cha mẹ quá bận rộn hoặc do suy nghĩ đơn giản nên ít gần gũi, chia sẻ với trẻ. 

Kết quả là dù sống chung một mái nhà nhưng cha mẹ và con cái như “người dưng”, ban ngày thì mạnh ai nấy đi, tối về việc ai nấy làm: mẹ thì lo dọn dẹp nhà cửa, cha xem ti vi, con rút vào phòng riêng.

 

Một số bậc cha mẹ thỉnh thoảng cũng trao đổi, hỏi han con song “được” nghe con đáp là hãy để cho chúng được yên hoặc lấy lý do học bài để tránh nói chuyện với người lớn… 

Lý do chính là trẻ giai đoạn này có nhiều lo lắng, hoang mang với những thay đổi của bản thân song không biết bày tỏ cùng ai, trong khi trẻ chưa có nhiều kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên không làm chủ được hành vi. 

Để cởi bỏ nút thắt, tạo mối quan hệ chặt chẽ với con trong tuổi dậy thì, các bậc phụ huynh cần nắm rõ một số quy tắc.

Thứ nhất, trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản, cần thiết về những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Có hiểu biết, trẻ sẽ lường trước được những thay đổi về sinh lý của bản thân và đỡ căng thẳng, e ngại hơn. 

Thực tế cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ chỉ dẫn tận tình, chu đáo sẽ cảm thấy tự tin, hạnh phúc và tự hào về sự trưởng thành của cơ thể. 

Để chuẩn bị cho con, cha mẹ có thể cùng con đi mua sách, tham khảo tài liệu về những đặc điểm của hai giới khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Nếu chưa nắm chắc những kiến thức này, cha mẹ có thể trao đổi thêm với chuyên gia tư vấn để hỗ trợ con.

Thứ hai, trang bị cho con kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ cơ thể mình cũng như kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi. Lứa tuổi này các em rất dễ có biểu hiện thất thường, bốc đồng, sẵn sàng “đá thúng, đụng nia” khi không vừa ý. 

Cần lưu ý, ở giai đoạn này trẻ rất dễ phạm lỗi và có hai chiều hướng gây ra lỗi. Một là do vô ý vì sự rối loạn, biến đổi của cơ thể, tay chân lóng ngóng nên hành động vụng về, hậu đậu. Hai là trẻ chủ động cố tình gây ra lỗi để gây sự chú ý, quan tâm của cha mẹ. 

Vì thế, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh, kiên nhẫn cùng trẻ phân biệt lỗi của trẻ do đâu. Nếu trẻ sai, cha mẹ nên nhẹ nhàng chỉ ra cái sai và định hướng cho trẻ. Bên cạnh đó, hãy luôn đặt niềm tin vào trẻ. 

Nếu cha mẹ quát tháo, chê trách, mỉa mai, so sánh với những đứa trẻ khác hoặc với chính mình sẽ làm cho trẻ thêm căng thẳng, bức xúc và rơi vào trạng thái cảm thấy tự ti vì mình kém cỏi, bất tài, vô dụng. 

Hãy kể cho con nghe những cảm xúc của mình khi bước vào giai đoạn dậy thì như con, nhất là những hành vi vụng về mà mình đã trải qua để trẻ cảm nhận được sự đồng cảm và chân thành. Tránh lối áp đặt kiểu “ngày xưa mẹ thế này, thế kia…” đối với trẻ.

Giai đoạn này trẻ cũng bắt đầu hình thành cảm xúc khác giới, hãy đồng cảm, lắng nghe và định hướng trẻ thay vì la mắng, cấm đoán – điều rất nhiều phụ huynh có con trong tuổi dậy thì hay mắc phải.

Bên cạnh đó đừng chỉ quan tâm đến kết quả học tập của con vì việc học hiện đang là áp lực lớn của hầu hết trẻ. Thay vào đó, hãy chú ý đến khí chất và những rung động của trẻ. Hãy dành thời gian trò chuyện với trẻ, đưa trẻ đi nhà sách, tham gia các môn thể thao, tâm sự, bàn luận với trẻ những chủ đề mà trẻ quan tâm…