17/11/2024

Tạo môi trường cho nạn nhân lên tiếng

Khảo sát của Việt Nam năm 2010 cho thấy 1/3 phụ nữ từng là nạn nhân của bạo hành gia đình, cho dù là về thể xác hay tinh thần hoặc cả hai, tương đương tỉ lệ trung bình của toàn thế giới

Tạo môi trường cho nạn nhân lên tiếng

Khảo sát của Việt Nam năm 2010 cho thấy 1/3 phụ nữ từng là nạn nhân của bạo hành gia đình, cho dù là về thể xác hay tinh thần hoặc cả hai, tương đương tỉ lệ trung bình của toàn thế giới (nguồn: Tổng cục Thống kê). Ở nơi tôi từng công tác sáu năm trước khi sang Việt Nam là Bangladesh, tỉ lệ này là 60%.

Ảnh: Trương Việt Hùng 

Rõ ràng mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bạo hành gia đình. Ở những nơi có nền văn hóa như Việt Nam thì còn có thêm một số yếu tố khác, ví dụ như việc người phụ nữ khi kết hôn phải chuyển về sống cùng gia đình bên chồng khiến họ càng rơi vào thế yếu, hoặc ảnh hưởng từ Khổng giáo khiến xã hội coi trọng đàn ông hơn phụ nữ  ngay từ khi sinh ra…

Một đặc điểm khác tác động đến bạo hành gia đình ở Việt Nam là quá trình mở cửa về kinh tế. Tôi có thể chắc chắn là trong ngắn hạn điều này sẽ khiến bạo hành gia đình gia tăng vì những cơ hội mở ra giúp người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ hơn và độc lập hơn, khiến cho đàn ông cảm thấy vị thế kiểm soát của họ bị đe dọa. Đây là mầm mống gây ra bạo hành. Nhưng về lâu dài, phụ nữ sẽ đòi hỏi được bảo vệ hơn và sẽ không chấp nhận việc bị đối xử như giới thấp kém nữa.

Chúng ta thường thấy nhiều chị em là nạn nhân của bạo hành giữ im lặng rất lâu về tình cảnh của mình. Nên lưu ý: đó là vì họ cảm thấy mình không có sự lựa chọn nào khác. Vấn đề ở đây là nếu không im lặng, không trốn trong nhà thì họ sẽ đi đâu? Do đó để giảm bạo hành, chúng ta phải tạo ra được môi trường mà tất cả đều lên án hành vi bạo hành, khuyến khích nạn nhân lên tiếng, xây dựng cơ chế bảo vệ nạn nhân và khuôn khổ pháp luật để trừng phạt người gây ra bạo hành. Tôi từng nghe kể câu chuyện về một phụ nữ chạy trốn khỏi người chồng bạo lực, tìm đến một chi hội phụ nữ. Lẽ ra sẽ đưa cô ấy tới nhà tạm lánh nhưng do không có kinh phí nên cuối cùng họ trả cô về lại gia đình. Bằng cách đó, chúng ta đã tiếp tay cho người chồng bạo lực và khiến nạn nhân mất hết hi vọng và càng trở nên yếu thế hơn. Tôi dám chắc cô ấy sẽ không bao giờ nghĩ tới việc bỏ chạy nữa. Hãy hình dung thế này: phần lớn nạn nhân đã phải im lặng rất lâu rồi mới dám lên tiếng kêu cứu hoặc tố cáo hành vi bạo lực trong gia đình mình. Hãy giúp đỡ họ bằng cách cho họ thêm một sự lựa chọn ngoài lựa chọn im lặng.

Rất may mắn là ở Việt Nam chúng ta đã có Luật chống bạo hành gia đình và Chính phủ đang xây dựng kế hoạch hành động để triển khai luật này. Theo tôi, trong quá trình triển khai luật này cần phải có góc nhìn từ nạn nhân. Tôi không ủng hộ việc can thiệp bạo hành gia đình theo hướng tái hòa hợp, bởi tái hòa hợp hay không phải để người phụ nữ – nạn nhân bạo hành – quyết định. Đó không phải là quyết định của Hội Phụ nữ hay người chồng/bạn tình.

Một điều khác tôi muốn thúc đẩy trong thời gian làm việc ở Việt Nam là xây dựng biện pháp toàn diện nhằm vào nam giới từ các góc độ khác nhau. Ví dụ với các bé trai có thể có những biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức ở cả gia đình lẫn nhà trường, các câu lạc bộ thể thao mà các em tham gia… Việc nói đến bạo hành của bất cứ gia đình nào nơi công cộng luôn là điều khó làm, dù ở Việt Nam hay bất cứ đâu. Bởi thế, cộng đồng không nhất thiết phải điểm mặt chỉ tên, nhưng có thể khơi dậy nhận thức của nam giới bằng nhiều cách khác nhau. Thay vì nói về những người vợ mà họ đang hành hạ, chúng ta có thể nói về em gái họ, mẹ của họ, con gái họ. Tôi tin chắc không người đàn ông nào muốn con gái mình lớn lên sẽ thành nạn nhân của bạo hành gia đình.


ARTHUR ERKEN  (trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam)
HƯƠNG GIANG ghi

 

 

Ông Arthur Erken trong chuyến viếng thăm và làm việc tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) vào  tháng 8 vừa qua  để thúc đẩy việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở địa phương. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình của UNFPA ở Việt Nam, bên cạnh các nội dung về phòng chống bạo hành gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới…

 

 

 

 

Ông Joe Jovelino (người Mỹ, giáo viên Trường Asian International):

Trẻ em cần được bảo vệ nhiều hơn

Đó là điều tôi mong muốn sau khi biết được câu chuyện thương tâm của em Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi) treo cổ tự tử tại nhà vì bị nghi ngờ ăn cắp 5 triệu đồng (Tuổi Trẻ ngày 23-8).

Ở nước Mỹ, các em tuổi từ 11-18 đều có thể tự điều khiển cuộc sống của mình nhưng vẫn phải chịu sự giám hộ của cha mẹ. Nếu sự việc này xảy ra trên đất nước Mỹ, chắc chắn cha mẹ của trẻ sẽ là người đầu tiên nói chuyện với chúng để tìm hiểu nguyên nhân. Còn nếu không thì các chuyên viên tư vấn tâm lý từ các trung tâm xã hội của thành phố sẽ đến trò chuyện để giúp trẻ khai báo và thú nhận.

Nếu trẻ thật sự phạm tội ăn cắp sẽ được cha mẹ dẫn đến sở cảnh sát để đầu thú. Các em cũng được quyền lên tiếng, được quyền chứng minh mình trong sạch chứ không phải “nhanh chóng” bị kết tội khi câu chuyện “chỉ mới là sự nghi ngờ”.

Các trường học ở Mỹ luôn có một bộ phận tư vấn dành riêng cho các em học sinh. Các em thường chủ động đến gặp chuyên viên để được tư vấn mọi thứ, những điều mà các em thắc mắc hoặc những tâm sự không biết chia sẻ cùng ai.

HÀ AN ghi