23/12/2024

Cuộc chiến với ma rừng

Quá đau lòng trước hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh khi chẳng may người mẹ bị chết, thầy giáo A Trũi đã chạy đôn chạy đáo thuyết phục, cứu các hài nhi vô tội thoát khỏi cái chết oan. Ngày một ngày hai, việc làm của ông được cả làng, cả xã ngộ ra: chẳng có con ma rừng nào bắt tội cả, đó chỉ là sản phẩm của hủ tục và mê tín.

 

Cuộc chiến với ma rừng

Người Ba Na ở xã Đăk Pne, H.Kon Rẫy (Kon Tum) có tục khi sinh con ra chẳng may người mẹ bị chết thì làng phải chôn đứa con xấu số theo mẹ, nếu không ma rừng sẽ bắt tội, cả làng vạ lây. 

 

Cuộc chiến với ma rừng 1
Thầy A Trũi (bìa trái) và A Bốc, đứa trẻ được cứu năm 1995 – Ảnh: Phạm Anh

 

Quá đau lòng trước hủ tục này, thầy giáo A Trũi (ở làng Kon Go 2, xã Đăk Pne) đã chạy đôn chạy đáo thuyết phục, cứu các hài nhi vô tội thoát khỏi cái chết oan. Ngày một ngày hai, việc làm của ông được cả làng, cả xã ngộ ra: chẳng có con ma rừng nào bắt tội cả, đó chỉ là sản phẩm của hủ tục và mê tín.            

Ma rừng biết… mắc cỡ

Dạo đó, vào khoảng giữa năm 2000, anh ruột A Tương là A Kiên có vợ là Y Hyêt ở làng Kon Túc, xã Đăk Pne sinh con. Sau hai ngày hai đêm đẻ mãi không ra, Y Hyêt ngày càng yếu đi. Có người bảo A Kiên: “Sao mày không đến thầy A Trũi”. Giữa đêm ấy, gió thổi trên sông Đăk Bla lạnh lùng. Lòng A Kiên tan nát, chạy bộ gần 5 km tìm đến thầy A Trũi đập cửa: “Ớ thầy A Trũi, mày đến cứu vợ con tao với”. Nghe tiếng gọi, thầy A Trũi bật dậy và cùng theo chân A Kiên về nhà. Thầy A Trũi lắc đầu: “Thằng A Kiên kêu mình chậm quá, giờ chỉ cứu được con thôi”. Rạng sáng hôm ấy, khi đứa bé gái ra đời thì khoảng 30 phút sau, mẹ nó là Y Hyêt cũng về với tổ tiên.

Cứu sống được đứa bé, A Trũi về bàn với vợ (bà Y Bliên): “Nhất định làng Kon Túc sẽ chôn con bé. Mình nhận nó về nuôi nhé!”. Y Bliên gật đầu, dù bà có đến 6 đứa con, cơm ăn còn chưa đủ. Thế là A Trũi vắt chân lên cổ chạy xuống làng Kon Túclần nữa. Lúc này già làng ở Kon Túc đang tính chuyện chôn bé gái ấy theo mẹ Y Hyêt. Theo người Ba Na, cho con bé theo mẹ xuống dưới đó mới có sữa để bú. Ở thế giới của ma, đứa trẻ sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn. Nếu bây giờ không chôn theo mẹ, sau này nó cũng sẽ đi theo mẹ và làng ít nhất hai lần làm lễ cúng ma, rất tốn kém. Chi bằng chỉ một lần cúng ma thôi. Mặt khác, ai giữ đứa trẻ lại sẽ có tội với ma rừng và sẽ bị ma rừng phạt.

 

Cuộc chiến với ma rừng 2
Bằng khen Ban Tuyên giáo T.Ư tặng A Trũi vào tháng 8.2013

 

Biết vậy nên A Trũi bước vào nhà A Kiên bảo: “Chôn mẹ thôi, không chôn con. Tui nhận bé gái này. Ma rừng có bắt tui. Tui chịu”. Thấy có người nhận, người làng thở phào: ai nhận nuôi con bé thì ma rừng bắt người đó. Dân làng không bị ma rừng bắt nữa rồi. Thế là từ đó, nhà thầy A Trũi có thêm một đứa con tên là Y Lan. Bây giờ bé Y Lan đang học lớp 8 Trường dân tộc nội trú ở thị trấn Đăkrve, H.Kon Rẫy.

Chỉ một thanh niên ngồi ở một góc nhà, A Tương bảo: “Nó là A Bốc, con rể tui cũng được A Trũi cứu”. Thầy A Trũi tiếp lời: “Thằng A Bốc còn có người anh em sinh đôi nữa. Năm đó là 1995, người nhà kêu tới tui thì mẹ nó cũng vừa tắt hơi”. Vậy là cứ theo phong tục, làng Kon Gộp chôn hai đứa trẻ sơ sinh theo mẹ. Thầy A Trũi ra tay thuyết phục và đưa A Bốc về nuôi, còn bé trai đồng sinh thì nuôi mấy tháng cứng cáp, A Trũi gửi cho cô nhi viện Kon Tum. Thời gian sau, cha của A Bốc đưa con mình về nuôi, đến giờ đúng 18 tuổi, làm rể nhà A Tương. A Tương nhẩm tính rồi kết luận: “Thầy A Trũi cứu đến 6 đứa nhỏ, bây giờ một đứa mất đi, còn 5 đứa. Con ma rừng nó biết mắc cỡ với thầy giáo rồi. Người làng mình không còn sợ nó bắt vạ nữa”. Nói xong, A Tương ngửa cổ uống cạn ly rượu, sảng khoái. 

Vừa dạy vừa đỡ đẻ

Kể từ ngày xung phong về vùng sâu, vùng xa dạy, tính đến nay, thầy A Trũi đã công tác được 37 năm và nơi bén duyên với A Trũi chính là đất lành Đăk Pne. Công việc hằng ngày của A Trũi là đi dạy học, chứ không phải… đỡ đẻ. Vậy mà song hành trong thời gian dạy học, thầy A Trũi còn “kiêm nhiệm” thêm việc đỡ đẻ không công. “Hồi đó, đi dạy ở làng nào là ngủ lại làng đó để vận động con em đi học. Tui thấy bà con đẻ tại nhà cứ chết hoài. Sau mỗi cái chết là chôn cả con lẫn mẹ tức tưởi. Tui mới lân la đi học nghề đỡ đẻ của y tá Dung ở bệnh viện huyện. Từ đó, tui đỡ đẻ luôn cho bà con…”, thầy A Trũi bộc bạch.

Ca đỡ đẻ đầu tiên của A Trũi là năm 1989 ở làng Kon Go 1, xã Đăk Pne. Hồi đó, thầy A Trũi vào làng vận động học sinh đi học. Tại đây, nghe Y Thiang ở đây đẻ ba ngày chưa ra đứa con. Có “nghề” đã học, A Trũi liền ra tay đỡ đẻ ca này. Tiếp cận sản phụ, A Trũi thấy đẻ ngược: cái mông bé trai ra trước. Xử lý xong phần này thì cái tay và mắc cái cằm khó ra. A Trũi nhẹ nhàng xử lý và ca đỡ đẻ thành công, cứu được cả mẹ lẫn con.

Từ ngày đó, tiếng tăm A Trũi vang xa. Có lúc đang dạy, bỗng thấy người dân chạy ầm vào lớp: “Thầy giáo ơi! Mày cứu con tao với. Nó đẻ không được. Chết mất”. “Ban đầu hơi làm lạ, nhưng dần dần rồi quen, lãnh đạo trường thông cảm nên cho tui đi đỡ đẻ luôn”, thầy A Trũi kể, miệng tủm tỉm. Rồi thầy giáo làng tâm sự, bà con hồi đó đau đẻ là ở nhà chứ đâu có chịu ra trạm xá hay bệnh viện. Vì vậy có rất nhiều ca đẻ khó, nếu mình không có mặt kịp thời là chết cả hai mẹ con, hoặc nếu chỉ chết mẹ thì dân làng cứ chôn theo phong tục. Nghĩ đến cảnh này nên dù giữa đêm hay trời mưa, gió lạnh, đường cao, dốc lầy lội thế nào, ai đến trường, đến nhà gọi là tui đi liền.

“Thầy đã đỡ được bao nhiêu ca đẻ rồi?”, tôi hỏi. A Trũi bảo: “Không nhớ hết đâu. Chỉ những ca khó, nếu mình không trực tiếp đỡ đẻ thì sẽ tử vong khoảng 50 ca”. “Đỡ đẻ xong, bà con có biếu tiền hay mang quà tới nhà không?”. “Ô, không có đâu. Bà con mình nghèo thì lấy tiền, quà đâu. Mà có cho mình cũng không nhận. Có điều, đi xuống làng là khó về lắm. Bà con mời rượu uống say mèm mới cho đi…”, thầy A Trũi thật thà nói.

Thế nhưng, khi đỡ đẻ cho bà con xong, A Trũi nhẹ nhàng khuyên bảo là nên đi ra bệnh viện sinh chứ không ở nhà nữa. “Nói thiệt, ban đầu không ai nghe cả. Nhưng dần dần họ chịu…” với điều kiện: A Trũi phải đi ra trạm xá trực tiếp đỡ đẻ.

 

Niềm vui của ông giáo làng

Thực ra với người Ba Na, thầy A Trũi nhận nuôi trẻ là một việc, còn đứa trẻ ấy có sống không mới là việc khác. Những ngày đầu, ai cũng cho rằng, trẻ con không táng theo mẹ trước sau gì cũng theo mẹ vì bị ma rừng bắt. Chứng minh “không có ma rừng”, thầy A Trũi nuôi Y Lan và A Lý tại nhà. A Lý được cứu năm 1993, nhờ lúc ấy bà Y Bliên mới sinh con nên cũng được bú sữa mẹ. Còn với Y Lan, do thiếu sữa mẹ nên rất khó nuôi. “Một tuần ở nhà, một tuần nằm ở bệnh viện. Sau này 4 – 5 tuổi nó mới bớt đau yếu”, A Trũi cho biết.

Trò chuyện với thầy giáo này, mới biết tình thương ông dành cho bé Y Lan là vô bờ bến. Ông bảo, mình một tay bồng ẵm, nâng niu nó nên người thì làm sao không thương. Thậm chí, những gì ông dành cho bé Y Lan còn hơn anh chị của nó nữa. Ngày Y Lan ra học Trường dân tộc nội trú Đăkrve, H.Kon Rẫy, do Y Lan đau nên hai vợ chồng phải ra chăm sóc trực tiếp bé Y Lan. “Nó làm nũng. Tối ngủ phải có mẹ mới chịu. Giờ lên lớp 8 thì hết rồi”, thầy A Trũi kể. Bây giờ, Y Lan vẫn gọi vợ chồng A Trũi bằng cha, mẹ, nhưng A Trũi vẫn khuyên con tìm về và tha thứ cho cha mình là ông A Kiên ngày trước.

“Còn A Lý bây giờ ở đâu?”, tôi hỏi A Trũi. Ông bảo: Hồi kinh tế khó khăn, bé A Lý 5 tuổi thì gửi cho cô nhi viện Kon Tum. Sau đó A Lý được hai vợ chồng người Mỹ nhận làm con nuôi. Lâu lâu nó viết thư về thăm. Năm 2008 nó về thăm tui, hứa là 10 năm nữa sẽ về thăm lại.

Có thêm hai đứa con là niềm vui lớn, nhưng thầy A Trũi vui hơn khi đồng bào cũng bắt đầu bắt chước mình “chiến đấu với ma rừng”. Như trường hợp A Bui ở Kon Gộp. Năm 2004, vợ khi sinh bị chết, A Bui đấu tranh với dân làng giữ con A Nhi để nuôi. Bây giờ A Nhi đã lớn, đang học lớp 4 tại Trường tiểu học làng Kon Gộp.

 

Phạm Anh