23/12/2024

Một năm viện phí mới: Giường ghép, nỗi khổ chưa chấm dứt

Một năm qua đi, dù viện phí đã tăng nhưng ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội vẫn chưa thấy dấu hiệu thoát khỏi tình trạng quá tải.

 

Một năm viện phí mới: Giường ghép, nỗi khổ chưa chấm dứt

 
 

Một năm qua đi, dù viện phí đã tăng nhưng ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội vẫn chưa thấy dấu hiệu thoát khỏi tình trạng quá tải. 

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, đến nay hầu hết khối bệnh viện tuyến trung ương áp dụng viện phí mới. Kết quả đánh giá nhanh, 17 bệnh viện thuộc bộ đều nâng cấp buồng bệnh nội trú, kê thêm giường bệnh, hạn chế nằm ghép. Cố gắng này đáng ghi nhận nhưng thật sự không đáng kể so với nhu cầu thực tế.

4-6 người bệnh/giường

Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) áp dụng khung viện phí mới từ ngày 20-7-2012, cùng thời gian này bệnh viện đưa thêm cơ sở 2 vào hoạt động với 300 giường bệnh, nhưng đến nay tình trạng quá tải ở bệnh viện này vẫn không được cải thiện đáng kể. Cơ sở 1 của bệnh viện nằm trên phố Quán Sứ, khoa phòng nào cũng có bệnh nhân phải nằm ghép 4-6 người/ giường bệnh, nằm giường xếp tràn ra ngoài hành lang. Một nữ bệnh nhân cho biết chị đến bệnh viện điều trị sáu ngày mà hoàn toàn nằm giường xếp ngoài hành lang, giường đơn trong phòng được xếp tới bốn bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các khoa thần kinh, Viện Tim mạch quốc gia, khoa thận tiết niệu, Trung tâm Điều trị ung bướu và y học hạt nhân… là những điểm vẫn còn quá tải nặng nề. Tới khoa thần kinh điều trị từ chẵn một tuần, chị V.L.C. (ở Thái Bình) chưa được ngủ ở bệnh viện ngày nào. Theo chị C., giường chị được xếp bốn bệnh nhân, nằm tráo đầu cũng quá chật chội, nên tối đến chị phải thuê xe về nhà người bác ở cách bệnh viện 5km, sáng hôm sau lại vào chữa bệnh. “Ốm đau, tiền thuốc men nhiều, lại thêm tiền đi lại hằng ngày khiến tôi kiệt sức” – chị C. than thở.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày đang có khoảng 4.000 bệnh nhân tới khám và điều trị nội trú, gần gấp đôi so với con số cách đây năm năm. Càng đầu tư, càng mở rộng, bệnh viện… càng đông bệnh nhân. 12g ngày 16-9, chúng tôi đến khoa khám bệnh bệnh viện, giữa trưa mà lượng bệnh nhân chờ còn đông nghịt. Trên băng ghế chờ, bố con chị B.T.T.M. (ở Lào Cai) cho biết bệnh viện đông quá, xếp hàng từ lúc… 5g sáng đến giờ vẫn chưa được nội soi dạ dày.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền – phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện bệnh viện đang áp dụng đúng quy định nếu nằm giường ghép thì chia phí giường bệnh theo số lượng bệnh nhân, từ bệnh nhân thứ 3 và thứ 4 chỉ thu tiền 30%. Dù vậy, cũng đừng quên không người bệnh nào muốn nằm chung giường để được giảm tiền.

Chờ nửa ngày, khám… 30 giây

Đầu năm 2012, khi chuẩn bị áp dụng viện phí mới, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN cùng đặt mục tiêu phải đảm bảo mỗi ngày một bàn khám không quá 35 bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội mỗi ngày một bác sĩ phải khám cả trăm bệnh nhân là chuyện rất bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng khám qua loa, bác sĩ chỉ hỏi han vài câu chiếu lệ rồi cho đi xét nghiệm, khiến người bệnh cảm thấy không được quan tâm.

Chị M. (25 tuổi) đến xếp hàng tại khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai từ hơn 5g sáng, thế nhưng 12g mới đến lượt nội soi. Theo chị M., danh sách tên chị ở phòng khám bên trái, người hướng dẫn của bệnh viện lại nói chị đợi ở phòng khám… bên phải. “Đến gần trưa tôi mới phát hiện nhầm lẫn và phải xếp hàng lại từ đầu. Hơn 12g mới được vào khám, chờ nửa ngày mà bác sĩ chỉ hỏi đúng 30 giây rồi bảo “Bây giờ muốn thế nào?”. Tôi xin đi nội soi thì bác sĩ cho đi nội soi, không hướng dẫn gì thêm” – chị M. kể.

Cùng ngồi chờ tại khoa khám bệnh, chị N.T.N.H. (ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết gia đình có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ 6g sáng, nhưng cháu chị vẫn chưa được nhận kết quả xét nghiệm máu. “Gần đây còn có ghế mà ngồi chờ, dạo trước phải vạ vật vất vả lắm. Cháu tôi phải đến chiều mới có kết quả xét nghiệm máu và đơn thuốc” – chị H. kêu ca.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền cho biết viện phí tăng, bệnh viện phải trích lại 15% tiền ngày giường và tiền khám bệnh để cải tạo cơ sở vật chất. Nhưng không thấm thía vào đâu, sàn khoa khám bệnh còn rất đông người trải chiếu ngồi chờ, hai bên lối đi của bệnh viện cũng ken đặc người bệnh, người nhà vạ vật chờ đợi. Ghế chờ vẫn thiếu, vẫn phải có thêm giường xếp cho người nhà bệnh nhân ngồi chờ. Quang cảnh bệnh viện dù có đổi mới nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu.

Ông Bùi Công Toàn, phó giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực… trước khi chính thức áp dụng khung viện phí mới vào tháng 7-2012. Qua nhiều đợt bổ sung, đến thời điểm này bệnh viện mở rộng thêm hai cơ sở mới ở Tam Hiệp, Tân Triều (Q.Thanh Trì) với 500 giường bệnh. Riêng cơ sở 1 của bệnh viện hiện có 360 giường đang hoạt động. Bệnh viện cũng tăng 10 phòng khám, các hành lang đều bố trí ghế ngồi, quạt, hệ thống đèn chiếu sáng, tivi… để phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, bà N.T.S. (Cầu Giấy, Hà Nội) lại nói: “Tôi chờ suốt một ngày, bệnh nhân đông, nhìn đâu cũng toàn người bệnh. Đông quá, chờ lâu mà mỗi lần gặp bác sĩ cũng chỉ được hỏi vài câu”. Theo ông Toàn, vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng quá tải tại Bệnh viện K, đặc biệt tại cơ sở 1. Nguyên nhân là do máy móc, trang thiết bị tại cơ sở mới chưa hoàn thiện, bệnh nhân không muốn đến khám chữa bệnh tại cơ sở này.

LAN ANH – QUỲNH LIÊN

 

 

Nhiều chiêu lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, có bảy tỉnh thành có chi phí khám chữa bệnh tăng vọt trong một năm qua (tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2012), gồm Hải Dương, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình và Kon Tum. Trong đó, loại chi phí tăng nhiều nhất là ngày giường điều trị và phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. “Phổ biến nhất là hiện tượng bệnh nhân ra viện ngày thứ sáu, nhưng trên giấy tờ ghi ngày ra viện là thứ hai tuần kế tiếp, như vậy quỹ bảo hiểm y tế đã phải chi trả thêm cho ba ngày phí giường bệnh” – một đại diện của Bảo hiểm xã hội VN cho biết.

Bảo hiểm xã hội VN còn cho biết chi phí chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cũng tăng so với thời điểm trước khi tăng viện phí, chiếm 25-30% chi phí khám chữa bệnh, trong khi trước đây chi phí này ở mức 20%. Tại Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội VN đang yêu cầu rà soát toàn bộ chỉ định chụp cộng hưởng từ, do chỉ định phổ biến tới mức tương đương chụp X-quang thông thường. “Nhiều trường hợp đau bụng nhưng chúng tôi lại thấy chỉ định chụp cộng hưởng từ đầu cổ” – vị đại diện bảo hiểm kể trên cho biết. Theo vị này, do chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tăng, chi phí cho thuốc ở nhiều bệnh viện chiếm tới 40%, khiến bệnh viện hầu như không còn tiền để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Vẻ mệt mỏi của bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) vẫn phải nằm chung giường bệnh – Ảnh: Nguyễn Khánh