27/11/2024

Cha nào con nấy

Người ta hay nói “con hư tại mẹ”. Nhưng những hành động của người cha cũng ảnh hưởng rất lớn đến con.

Cha nào con nấy

 Khi ba là “thần tượng”

Liên thường xuyên kể khổ với bạn bè về ông chồng và cô con gái 6 tuổi bừa bộn “hết chỗ nói”. Căn hộ chung cư nhỏ xíu của chị luôn trong tình trạng đụng đâu cũng thấy đồ: đồ chơi, đồ dùng của con lẫn với quần áo, sách báo, tài liệu của cha vương vãi khắp nơi, khiến căn nhà luôn lộn xộn bừa bãi. Nhiều lần Liên đề nghị chồng tự dọn dẹp đồ đạc của anh để chị đỡ mệt nhưng anh vẫn tỉnh bơ: “Thì lúc em dọn dẹp tiện tay vứt bộ đồ dơ của anh vô máy giặt, xếp mấy cuốn sách lên giá, gác đôi giày lên kệ. Hồi xưa ở với mẹ, mẹ toàn dọn cho anh có thấy kêu bao giờ đâu!”. Nhắc con gái thì nó tròn mắt lên: “Ba cũng vậy mà mẹ!”, khiến ông bố trẻ cười vang.

Sau mấy ngày vắt óc nghĩ cách cải tạo chồng con, Liên nhớ đến mẹ chồng. Vì bản thân rất đảm đang và lại quá thương con trai nên bà cũng đòi hỏi cao ở con dâu về khoản tề gia nội trợ, khiến cho cả ba cô con dâu, trong đó có Liên, sau một thời gian sống chung với nhà chồng đều lần lượt tìm cớ xin ở riêng. Tuy nhiên chồng cô luôn ca ngợi và rất tự hào về bà. Nhân lúc chồng thư thả, cô thẽ thọt: “Anh nè, hôm bữa em đưa bé Na về chơi với bà nội, bà nội có nhắc nhở em về bé Na đó”. “Nhắc sao, nó không chào hỏi ông bà à?” – “Không, bà bảo nó con gái mà hay quăng đồ bừa bãi, không ngăn nắp gì cả, nhỏ không dạy lớn lên đi lấy chồng coi chừng bị nhà chồng chê bố mẹ đẻ không biết dạy con đó…”. Ông bố trẻ gật gù: “Bà nói vậy đúng rồi còn gì… Em dạy nó đi!” – “Vấn đề là con luôn coi anh là thần tượng nè. Anh có thấy con thường  bắt chước ba không? Ba mà hay để đồ dùng lung tung thì làm sao con tập tính gọn gàng được… Anh chỉ cần giúp em bằng cách nêu gương cho con thôi, còn em sẽ theo sát uốn nắn con từng li từng tí…”.

Lỡ tự hào là “thần tượng” của con, nên từ đó anh đành cố gắng nhấc chân tay dọn dẹp đồ dùng cá nhân để con gái noi theo. Dù thời gian đầu vẫn phải nhắc nhiều, nhưng dần dần ý thức tự giác của hai cha con tăng lên, căn nhà đã gọn sạch hẳn đi.

“Mẹ quen rồi”

Ông chồng Mỹ Chi thuộc mẫu người khoái lang thang quán xá với bạn bè sau giờ làm việc, nên bữa cơm tối thường xuyên chỉ có hai mẹ con ăn với nhau. “Ôi, hồi mới cưới tui đã giận dỗi, khóc lóc, nhờ con gọi điện cho ba, thậm chí nhịn đói chờ cơm ổng để buộc ổng về sớm mà có được đâu, thôi thì con lớn rồi, việc mình mình lo, ổng về lúc nào kệ ổng” – chị nói.

Cả hai tuần nay, những lúc về sớm anh đều không thấy cậu con trai đâu cả. Phàm những ông chồng hay vắng mặt ở nhà thì lại muốn hễ mình ở nhà phải có vợ con đầy đủ xung quanh, nên những bữa cơm tối chỉ hai vợ chồng lặng lẽ ngồi ăn với nhau, vừa ăn vừa thấp thỏm mong con khiến anh không khỏi bực mình. “Nó đi đâu có nói với em không?” – “Nó bảo đi với tụi bạn trong xóm”. “Nó có nói chừng nào về không?” – “Không, mà có nói thì có bao giờ nó về đúng giờ đâu”. Anh quát: “Để nó về anh cho nó một trận”.

Mãi 10 giờ đêm cậu quý tử mới thò đầu vào cửa. Nó thản nhiên trước cơn thịnh nộ đã chờ sẵn: “Hồi đó tới giờ ba đi đâu, mấy giờ về có khi nào ba báo cho mẹ một tiếng đâu mà ba nói con”.  Anh sững lại rồi xuống giọng: “Con chưa đến tuổi trưởng thành, ngoài đường giờ lại có nhiều tệ nạn, ba mẹ lo cho con…”. “Con tự biết giữ mình” – nó cắt ngang. Biết con thương mẹ, anh đánh vào tình cảm: “Nhưng con đi đâu thì tới giờ cơm cũng phải về ăn với mẹ chứ để mẹ ăn một mình à?” – “Không sao đâu ba, mẹ quen rồi” – nó lạnh lùng.

Rồi nó quay lưng vào phòng riêng, đóng cửa lại. Lần đầu tiên, nhìn vợ một mình ngồi lặng lẽ bên bàn ăn, lòng anh thắt lại.

Xuyên Vân