23/01/2025

Khổ như… nhân chứng

Nhân chứng (người làm chứng) trong nhiều vụ án là những người góp phần làm sáng tỏ sự thật. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, do cách làm của cơ quan chức năng đã đẩy nhân chứng vào hoàn cảnh dở khóc dở cười…

 

Khổ như… nhân chứng

Nhân chứng (người làm chứng) trong nhiều vụ án là những người góp phần làm sáng tỏ sự thật. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, do cách làm của cơ quan chức năng đã đẩy nhân chứng vào hoàn cảnh dở khóc dở cười…

Khổ như... nhân chứng
Nhân chứng được yêu cầu có mặt tại tòa trong phiên xử một vụ án giết người - Ảnh: Lê Nga

Cô dâu đi làm chứng lúc nửa đêm

Dù đã hơn 4 năm trôi qua nhưng chị Trần Thị Cẩm (29 tuổi, hiện trú tại P.Hà Trung, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vẫn đau đáu chờ đến một ngày nhận được lời xin lỗi từ Công an tỉnh Quảng Ninh để giải tỏa nỗi oan với bà con chòm xóm và họ hàng phía nhà chồng. Trước đó, chị Cẩm đã có đơn gửi nhiều cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét.

 

 
 

Họ cho nhân chứng vào một phòng mà ở đó có khoảng 10 nghi phạm, người nào cũng xăm trổ đầy mình, mặt mũi bặm trợn, rồi hỏi: ai là hung thủ… Những kẻ này nửa đùa nửa thật, nói như hăm dọa: “Nhìn cho kỹ nhé, kẻo nhầm người!”

 

Nhà báo D.L

 

 

Ngày 8.3.2009, chị Cẩm và anh Nguyễn Đình Sỹ (là bộ đội) tổ chức đám cưới và đón dâu từ xã Phạm Trấn, H.Gia Lộc, tỉnh Hải Dương về quê chồng là xã Cổ Bì, H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Chưa kịp nếm trải cảm giác hạnh phúc làm vợ thì 15 giờ ngày 9.3.2009, chị Cẩm và gia đình bên chồng được một số cán bộ công an thuộc Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Quảng Ninh đến gặp và thông báo chị có liên quan đến một vụ giết người ở Quảng Ninh xảy ra vào tháng 11.2008 và yêu cầu lên UBND xã đang cư trú để lấy lời khai.

Sau hơn 1 giờ làm việc tại UBND xã Cổ Bì, chị Cẩm được đưa lên xe về thẳng trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh. Trong đêm 9.3.2009, chị Cẩm liên tục bị công an ghi biên bản lấy lời khai, làm bản tường trình cho đến tận sáng hôm sau mới được cho về nhà.

Trong quá trình xét xử vụ án giết người nói trên, chị Cẩm ra tòa với tư cách là nhân chứng và đã liên tục khiếu nại, tại tòa cũng như sau này với lý do “không liên quan đến vụ án nhưng bị công an xem như là tội phạm”.

“Sự việc xảy ra gây sốc lớn không chỉ cho bản thân tôi mà cả bên nội lẫn bên ngoại. Thời điểm ấy, tôi trong hoàn cảnh nhạy cảm vì vừa lấy chồng, người bên quê chồng nhìn ảnh cưới của tôi ai cũng nói xì xào bàn tán: trông hiền lành thế mà lại đi giết người; khiến mọi người trong gia đình hoang mang, hiểu lầm về tôi”, chị Cẩm kể.

Cũng theo chị Trần Thị Cẩm, dù sự việc xảy ra cách đây hơn 4 năm và bản thân chị đã làm đơn khiếu nại nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ quan pháp luật nào giải thích về việc bắt giữ chị…

Bắt đền nhân chứng

Kể về chuyện đi làm chứng, anh Nguyễn Văn H., cán bộ một cơ quan thanh tra hiện sống ở Hà Nội, cho biết đã trải qua một phen hú vía và thề cạch… đến già.

Cuối năm 2009, anh H. một mình một ô tô đi công tác ở một tỉnh ven biển. Lúc đi dọc theo đường đê biển vắng dân cư thì anh H. được 3 người dân có vẻ như là người đánh cá chặn lại nhờ đưa một cô bé bị tai nạn giao thông đi cấp cứu.

“Lúc đó thấy nạn nhân máu me bê bết nên tôi chỉ nghĩ làm cách nào đưa người ta đến viện cho nhanh nhất mà không kịp yêu cầu có cả người dân theo cùng, mọi rắc rối cũng bắt đầu từ đây”, anh H. kể.

 

 

 

 

Quy định của pháp luật rất rõ

 

Theo  luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, trong việc điều tra vụ án, người làm chứng có vai trò rất quan trọng, lời khai của người làm chứng được xem là nguồn chứng cứ có độ tin cậy cao. Chính vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự đã có nhiều quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm chứng cũng như bảo vệ nguồn chứng cứ quan trọng này. Điều 55 bộ luật Tố tụng hình sự quy định khi tham gia tố tụng, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

 

 

Tại bệnh viện, nạn nhân sau khi khám qua, được chẩn đoán nghi chảy máu não nên phải chuyển lên tuyến trên, anh H. tìm mọi cách liên lạc với gia đình qua điện thoại của nạn nhân.

Điều bất ngờ, người nhà nạn nhân sau khi đến bệnh viện chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, đã túm lấy anh H. bắt đền và đòi đánh vì gây tai nạn cho con cháu họ. Sự việc ầm ĩ, phức tạp buộc anh H. phải gọi công an đến để can thiệp, giải quyết.

Sau đó, anh H. phải viết bản tường trình kể lại sự việc xảy ra nhưng không được công an chấp nhận và yêu cầu tìm cho được những người dân đã chặn đường nhờ anh đưa nạn nhân đi cấp cứu để cùng làm chứng. Tiếp đó, anh H. được yêu cầu mang ô tô vào trụ sở công an để kiểm tra vì nghi ngờ là xe gây ra tai nạn.

“Lúc đó tôi giải thích thế nào công an, viện kiểm sát cũng không nghe, họ bảo cô bé bị tai nạn kia tỉnh lại thì tôi thoát mà không tỉnh thì coi như tôi gây tai nạn, còn những người chặn đường nhờ tôi đưa nạn nhân đi cấp cứu thì tìm không ra”, anh H. kể.

Mất gần 2 ngày tranh cãi, chứng minh cho hoàn cảnh “tình ngay lý gian” nhưng không được, anh H. phải chủ động lên Bệnh viện Việt Đức, nơi nạn nhân đang cấp cứu và cũng may nạn nhân tỉnh lại nên anh H. mới được minh oan, được công an thả xe cho về.

Bị nghi phạm hăm dọa

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu thực hiện loạt bài này, PV đã gặp một số người là nhà báo từng đi làm nhân chứng. Không ít trong số họ cho rằng những quy định, cách thức đối xử với người làm chứng đã lộ rõ nhiều bất cập.

Nhà báo D.L hiện công tác tại một tòa báo T.Ư cho biết, năm 2006 anh được Công an Q.Ba Đình, TP.Hà Nội mời làm nhân chứng trong một vụ cố ý gây thương tích. Trong vụ án này, nhà báo D.L tình cờ chứng kiến một nhóm côn đồ hành hung người khác nên được cơ quan điều tra mời lên để nhận mặt những kẻ gây án.

“Lẽ ra, cơ quan công an phải chuẩn bị bản ảnh hoặc có phòng riêng để nhân chứng nhận mặt, đằng này họ lại cho nhân chứng vào một phòng mà ở đó có khoảng 10 nghi phạm, người nào cũng xăm trổ đầy mình, mặt mũi bặm trợn, rồi hỏi: ai là hung thủ. Khi tôi vào, những kẻ này còn nửa đùa nửa thật, nói như hăm dọa: “Nhìn cho kỹ nhé, kẻo nhầm người!”. Đối diện tình huống này, chẳng ai đủ bình tĩnh mà làm chứng”, nhà báo D.L kể.

Nhà báo P.T, công tác tại cơ quan báo chí T.Ư, cũng cho biết đầu năm 2013 anh được mời ra tòa để làm chứng trong một vụ buôn bán trái phép chất ma túy xảy ra ở Q.Đống Đa, Hà Nội. Trước tòa, bị cáo quay hẳn xuống nói với nhân chứng như đe nẹt: “Suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ rồi nói”. Lời “dặn dò” của bị cáo cùng hành động của người nhà đã khiến nhân chứng sau đó phải nhờ đến công an “hộ tống” ra khỏi tòa.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM: Đừng để nhân chứng ngại làm chứng

 

Tôi cho rằng các trường hợp trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật đối với người làm chứng. Trong các trường hợp trên, các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra cần sớm chấn chỉnh lại công tác đối với người làm chứng. Trường hợp sai phạm như đối với chị Cẩm, anh H. thì cần phải tổ chức xin lỗi và cải chính công khai. Đối với trường hợp các nhà báo D.L hay P.T, cơ quan tố tụng cũng cần phải cân nhắc phương pháp, không ai dám chắc rằng bị cáo sau khi ra tù không thể trả thù họ. Nếu không khắc phục, chấn chỉnh hoặc thay đổi phương pháp thì ngày càng sẽ có nhiều người ngại, không chịu làm chứng trong các vụ án. Chỉ khi chúng ta thực hiện tốt được các việc như trên thì công tác điều tra, truy tố, xét xử sẽ có hiệu quả hơn, đồng thời cũng lấy lại niềm tin của người dân đối với pháp luật.

 

Thái Sơn – Hoàng Trang