11/01/2025

Mở lối đi cho những ước mơ

Là một trong hai giáo viên VN được Microsoft toàn cầu bình chọn và vinh danh là “chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu” của Microsoft, nhưng với cô Linh, giáo dục chính là những bài học mà cô có được từ những nghịch cảnh của học trò mình.

Mở lối đi cho những ước mơ

Là một trong hai giáo viên VN được Microsoft toàn cầu bình chọn và vinh danh là “chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu” của Microsoft, nhưng với cô Linh, giáo dục chính là những bài học mà cô có được từ những nghịch cảnh của học trò mình.

Cô Linh và học trò khiếm thính trong buổi lên lớp thuộc dự án dạy học sinh khiếm thính làm phim – Ảnh: Trần Đức Tài 

 

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM tặng hoa cho cô giáo mừng Ngày nhà giáo VN – Ảnh: Như Hùng

 

Cô là cô giáo Phạm Đặng Mai Linh, giáo viên Trường tiểu học thực nghiệm Lê Quý Đôn, Đà Lạt, Lâm Đồng.

Vào đời với nhiều cơ hội hơn

 

Cô Phạm Đặng Mai Linh, 34 tuổi, hiện là giáo viên Trường tiểu học thực nghiệm Lê Quý Đôn, Đà Lạt, Lâm Đồng. Tám năm giảng dạy Trường khiếm thính Lâm Đồng. Giải ba giáo viên tài năng thanh lịch Lâm Đồng, Giáo viên có bài giảng điện tử xuất sắc nhất tỉnh. Năm 2012: giải nhì giáo viên sáng tạo toàn quốc của Microsoft, được bình chọn một trong ba giáo viên VN là “giáo viên sáng tạo” Microsoft. Năm 2013: giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử eLearning cấp quốc gia (với ba bài giảng), là một trong hai giáo viên VN được Microsoft toàn cầu chọn và vinh danh là “chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu” của Microsoft. Tác giả nhiều dự án hỗ trợ giáo dục cho Trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng.

 

Cô Linh đã có tám năm là giáo viên Trường khiếm thính Lâm Đồng. Ở ngôi trường ấy, cô vừa là giáo viên kiêm luôn việc đo thính lực, sửa chữa máy trợ thính… cho học sinh.

“Nếu bạn chỉ coi một phóng sự về người khiếm thính, bạn sẽ buồn mấy giờ. Còn tôi, tám năm chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh rơi nước mắt, bạn biết cảm xúc tôi thế nào không?”.

Thương các em, cô dạy học trò khiếm thính quay phim, chụp ảnh, chơi mạng xã hội… với mục đích rõ ràng nhất: “Trang bị cho các em một lối vào đời với nhiều cơ hội hơn!”.

Linh về Sài Gòn theo học những khóa học đo thính lực, cô đọc biểu đồ để biết học sinh mình có thể nghe được tới đâu. “Tôi hiểu trẻ đeo máy trợ thính sẽ tự ti ra sao và làm cách nào để chúng tự tin hơn. Tôi, từ bình thường hay nổi nóng, đến lúc trở thành người biết lắng nghe, biết kiềm chế và biết sống vì người khác nhiều hơn”.

Facebook và eLearning

Rồi cô Linh đeo đuổi một dự án khá lạ: dạy học sinh khiếm thính tiếp cận với Facebook, dùng Facebook như một công cụ tự giới thiệu về bản thân và những khả năng của mình để tiếp cận với cộng đồng mạng và thế giới xung quanh.

Trước đó ít lâu, cô đã dạy xong cho bọn trẻ cách quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại và những máy ảnh rẻ tiền rồi dựng phim bằng những phần mềm đơn giản nhất. Khi tham gia mạng xã hội, những đứa trẻ câm điếc bắt đầu có những sản phẩm của mình để trình ra thế giới mạng.

Những câu chuyện phim được kể và cho tới một ngày, trường khiếm thính nhận một tủ sách từ NXB Trẻ trao tặng, nhiều thành viên ban giám đốc NXB Trẻ hoàn toàn bất ngờ khi xem một phim về Sách và người bạn sách là cần thiết như thế nào.

Một phim ngắn xúc động, do chính những học trò câm điếc tự đạo diễn, quay phim và dàn dựng từ những cuộc đi chơi, từ khi vào nhà sách tại Đà Lạt. Ít ai biết phía sau đó có sự cố gắng thầm lặng của một cô giáo trẻ.

Ngày cô Linh nhận được thông báo đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử eLearning cấp quốc gia, cô chia sẻ trên mạng xã hội và trong rất nhiều lời chúc của bạn bè đồng nghiệp, có một lời chúc đặc biệt của chồng cô: “Chúc mừng em! Em đã quyết ly dị với chiếc máy tính chưa?”.

Đó là những ngày tháng ròng rã của hơn một năm trời cô giáo Mai Linh mò mẫm với những trình duyệt máy tính để xây dựng chương trình bài giảng điện tử. Bắt đầu gần như phải học ABC về chương trình cơ bản, ngày cuối tuần cô tranh thủ đi xe đò về Sài Gòn nhờ một người em dạy những bước cơ bản rồi về thức đêm mày mò với trình duyệt.

Đầu tháng 11-2013, cô giáo tỉnh lẻ Phạm Đặng Mai Linh trở thành một trong hai giáo viên của VN được Microsoft toàn cầu chọn và vinh danh là “chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu” của Microsoft. Với tất cả mọi người, việc đó có thể không lớn, nhưng với Mai Linh, cô đã thực hiện được những ước mơ của mình: sẽ làm được những điều vượt ra khỏi ngôi trường của mình, vượt lên trên những công việc thường ngày để có thể, một ngày nào đó, giúp nhiều học sinh khó khăn mà mình từng gắn bó.

TIẾN HÙNG