24/01/2025

Nỗi ám ảnh khủng khiếp

Với người dân miền Trung, giờ đây cụm từ “xả lũ” đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp. Có chứng kiến cảnh người dân sống dưới chân các con đập thủy điện nháo nhào chạy lũ trong đêm mới thấy họ bức xúc với các nhà máy thủy điện ấy dường nào.

Nỗi ám ảnh khủng khiếp

Với người dân miền Trung, giờ đây cụm từ “xả lũ” đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp. Có chứng kiến cảnh người dân sống dưới chân các con đập thủy điện nháo nhào chạy lũ trong đêm mới thấy họ bức xúc với các nhà máy thủy điện ấy dường nào. 

Toàn bộ tài sản từ nhà cửa, hoa màu đến cả lũ heo vừa vào kỳ xuất bán, thậm chí cả tính mạng con người đều bị dòng nước đục ngầu nhấn chìm, tang tóc…

Ông Nguyễn Văn Thiện – bí thư Tỉnh ủy Bình Định – cho biết: “Đợt này lũ lên nhanh, đột xuất quá, chỉ trong vài giờ mà nước dâng quá cao khiến dân trở tay không kịp. Vậy nên có chủ động đến mấy, người dân cũng không thể nào di chuyển đến nơi an toàn được”. Và dù không nói thẳng khi trả lời trên Đài truyền hình quốc gia về nguyên nhân gây ra trận lũ bất thường vừa qua, nhưng ông Thiện cũng như nhiều cán bộ ở miền Trung quá hiểu rằng đứng đằng sau làm nên những cơn đại hồng thủy đó có một phần “tội lỗi” của thủy điện. Việc thủy điện điều tiết lũ sai đã không phát huy được hiệu quả (ngăn bớt lũ), mà ngược lại còn gây ra cảnh “lũ chồng lũ” khiến người dân lẫn chính quyền sở tại trở tay không kịp. Nhìn cảnh một bà cụ lập cập vì lạnh khi đứng trả lời phỏng vấn truyền hình mà thương và xót xa vô cùng.

Vì sao trong các trận bão số 10, số 11 đổ bộ khắp các tỉnh miền Trung như vậy nhưng số người chết, mất tích lại không ghê gớm như trận lũ vừa qua (34 người chết, mất tích tính đến sáng 17-11)? Các nhà máy thủy điện đã và đang được quản lý như thế nào? Câu hỏi này đã được chính ông Lê Hữu Thuần, phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – môi trường), trả lời rằng: qua kiểm tra 76 thủy điện tại 16 tỉnh thành cho thấy hầu hết các thủy điện này đều không được đầu tư, nghiên cứu kỹ trước khi làm, dẫn đến tác động lớn đến nguồn nước, môi trường, thậm chí không mang lại hiệu quả như mong đợi. Rất nhiều thủy điện trong số đó không có giấy phép hoặc không đủ điều kiện để cấp phép. Thậm chí theo ông Thuần, có đến 46/76 số thủy điện trên chưa có giấy phép khai thác mặt nước…

Chưa có thống kê chính thức về thiệt hại kinh tế của các tỉnh miền Trung trong đợt lũ vừa qua nhưng theo Trung tâm phòng chống bão lụt miền Trung – Tây nguyên, đã có 110.000 nhà bị sập, ngập, trên 1.700ha lúa, hoa màu bị hư hại (chưa kể hạ tầng kỹ thuật bị trôi, hư hỏng chưa thống kê được). Nghĩa là thiệt hại có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng, trong đó có một phần tác động tiêu cực không thể phủ nhận được đến từ việc xả lũ của các thủy điện trong khu vực. Nếu lấy con số này so sánh với 6.500 tỉ đồng mà hàng mấy trăm nhà máy thủy điện trong cả nước đóng góp cho ngân sách quốc gia năm 2012 thì xem ra rất nhiều dự án trong số đó đã “lợi bất cập hại”.

Quyết định loại bỏ 424 thủy điện ra khỏi quy hoạch mới đây được coi là một quyết định có trách nhiệm. Và nói như ông Nguyễn Đình Xuân – nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, thì “hiện nhiều công trình thủy điện đã vượt tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước”. Nếu thủy điện nào gây ra tác hại quá lớn đến với xã hội thì cho dù hiệu quả về kinh tế (phát điện) có lớn đến đâu đi nữa, cũng phải xem xét việc đóng cửa nhà máy để trả lại sự bình yên của người dân vùng hạ lưu. Đó quả là một ý kiến xác đáng mà những người có trách nhiệm cần phải lắng nghe.

ĐĂNG NAM