Kỳ án nạn nhân không biết mặt thủ phạm
Một phụ nữ bị kết án 5 năm 6 tháng tù về hai tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” dù luôn miệng kêu oan. Kỳ án nạn nhân không biết mặt thủ phạm
Kỳ án nạn nhân không biết mặt thủ phạm
Đến khi ra tù, bà vô tình gặp được nạn nhân trong “vụ án của mình”, nạn nhân này một mực khẳng định bà không phải là người đã lừa bán mình.
Đó là câu chuyện bi hài của bà Đỗ Thị Hằng (60 tuổi, ngụ phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Bà Hằng kể lại: “Cuối năm 1991, tôi bị ông Phạm Văn Ngọ (ở Chi Ly, Bắc Giang) lừa bán sang Trung Quốc và phải làm vợ một người đàn ông ở đảo Hải Nam. Suốt ngày bị nhốt trong nhà nên không trốn về được. Được một năm thì có công an Trung Quốc đến nhà kiểm tra sổ hộ khẩu, tôi hét ầm lên và khóc lóc với công an. Họ thuê phiên dịch đến, sau khi nghe chuyện của tôi thì họ đưa tôi qua cửa khẩu cho tôi về nhà với chồng con”.
Khi về đến Việt Nam, bà Hằng tìm đến nhà ông Phạm Văn Ngọ để hỏi cho ra lẽ thì vợ con ông Ngọ khóc lóc, van xin bà đừng tố cáo và hứa sẽ bồi thường cho bà.
Thế rồi năm 1997, bà Hằng bị công an tỉnh Bắc Giang ập đến nhà bắt vì tội đã cùng với ông Phạm Văn Ngọ lừa bán bà Dương Thị L. sang Trung Quốc hồi ba năm trước.
Phiên tòa không có bị hại và nhân chứng
Ngày 24-3-1998, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên xét xử bà Đỗ Thị Hằng về tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”. Theo bản án sơ thẩm, tháng 9-1994, lợi dụng việc bà Dương Thị L. (xã Hòa Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) có mâu thuẫn với chồng và bỏ nhà đi nên Hoàng Thị Hồng, Phạm Văn Ngọ và Đỗ Thị Hằng đã lừa bán bà L. qua Trung Quốc kiếm tiền. Hoàng Thị Hồng và Phạm Văn Ngọ đã được đưa ra xét xử về tội buôn bán phụ nữ, còn Đỗ Thị Hằng bỏ trốn qua Trung Quốc sau đó bị bắt theo lệnh truy nã.
Cũng theo bản án sơ thẩm, năm 1994, Đỗ Thị Hằng đã lừa đảo chiếm đoạt của hai người bạn là anh Phan Văn Phương và chị Khổng Thị Mỹ (ở Mỹ Độ, Bắc Giang) 700.000 đồng và 20kg gạo. Bản án cho biết tại phiên tòa bà Đỗ Thị Hằng không nhận tội và khai rằng không được các điều tra viên đọc lại các bản cung cho nghe nhưng tòa án đã bác bỏ ý kiến trên. Phiên tòa không hề có nhân chứng, cả ba bị hại trong vụ án đều vắng mặt nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang vẫn kết án bà Hằng 5 năm 6 tháng tù. Năm 2002, bà Hằng chấp hành xong hình phạt tù và được trả tự do ngày 16-4-2002 (trước thời hạn một năm).
Vào dịp tết năm 2012, khi đi lễ chùa ở Hà Nội, bà Hằng tình cờ gặp người quen và biết được bà Dương Thị L. đã trở về quê sau hơn 10 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Vui mừng, bà Hằng vội vàng tìm đến nhà bà L. ở Bắc Giang để mong bà L. có thể minh oan cho mình.
Chiều 21-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Dương Thị L. vẫn còn chưa hết ngạc nhiên: “Tôi không hiểu tại sao tòa án lại kết tội chị Hằng một cách oan ức như vậy. Năm 1994, do biết tôi mâu thuẫn với chồng nên ông Ngọ và bà Hồng đã lừa bảo dẫn tôi đi Cao Bằng tìm việc làm, rồi dẫn tôi qua Trung Quốc bán cho một người đàn ông. Đến năm 2004 tôi mới trốn về Việt Nam được. Cuối năm 2012, chị Hằng tìm đến nhà tôi khóc lóc. Từ nhỏ đến giờ tôi không biết chị Hằng là ai. Sau khi chị Hằng đưa bản án cho tôi, tôi đọc mà thấy vô cùng căm phẫn và thương cho những oan ức của chị Hằng. Vì chị đi tù oan mà chồng chị tự tử, gia đình thì tan nát. Tôi khẳng định người lừa bán tôi sang Trung Quốc năm 1994 là ông Ngọ (hiện đã chết – PV) và bà Hồng chứ không phải chị Hằng”.
Bà L. đã làm giấy xác nhận nhằm minh oan cho bà Hằng nhưng theo bà L., hơn một năm nay không thấy cơ quan nào hỏi han gì. Bà L. cho biết hiện bà đang đi giúp việc nhà tại chợ Từ Sơn (Hà Nội) và sẵn sàng làm chứng, ra tòa đối chất để minh oan cho bà Hằng.
Bà Khổng Thị Mỹ cũng đã có giấy xác nhận bà và bà Hằng là bạn bè thân thiết, có vay tiền qua lại của nhau. Bà Hằng có vay của bà 300.000 đồng và đã trả đầy đủ. “Tôi không kiện chị Hằng mà sao cán bộ điều tra lại ghép tội chị Hằng lừa đảo, điều này là hoàn toàn sai” – bà Mỹ viết trong giấy xác nhận.
Gửi đơn kêu oan không được trả lời
Sau khi gặp được bà L., từ tháng 4-2012, bà Hằng cho biết đã gửi nhiều đơn kêu oan đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, gửi cả cho Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Quốc hội để kêu oan và đề nghị được minh oan nhưng đến nay cũng chưa được hồi âm.
Bà Hằng kể lại: “Điều tra viên đưa giấy trắng bảo tôi ký vào, nếu tôi không nhận tội thì bị đánh đập. Tôi bị đánh gãy cả hai hàm răng giờ phải thay bằng răng giả”. “Vụ án” đã làm gia đình bà Hằng tan nát. Trước phiên xét xử ba ngày, có người bạn tù được thả về nên bà Hằng nhờ đến nhắn chồng và con tới dự phiên tòa. Chồng bà Hằng vì quá đau buồn đã tự tử. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại cho vợ con, ông viết: “Thế là còn ba ngày nữa là xử vợ anh, anh rất buồn và thương vợ nhưng không làm được gì để giúp em được. Anh có đi nhờ cô bạn anh ở tòa án giúp nhưng không được. Anh vô cùng bất lực. Cô bạn gái đưa giấy xử kể cho anh nghe là chị Hằng ở trong đấy khổ lắm, chị bị cán bộ C. điều tra đánh sưng cả mặt, suốt ngày chị khóc và hoảng loạn chửi N.Q.C. (tên của cán bộ điều tra – PV). Anh nghe kể lại vô cùng uất ức, anh không còn con đường nào khác đi tìm diêm vương và thủy tề xem có giúp được gì không… Anh rất thương vợ con vừa phải xa cách gần hai năm trời nay lại phải chịu nỗi hàm oan này…”.
* Ông Thân Quốc Hùng (chánh văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang): “Thẩm phán chủ tọa phiên xét xử vụ án bà Đỗ Thị Hằng nay đã về hưu. Từ trước đến nay chúng tôi không nhận được đơn kêu oan của bà Hằng. Vừa rồi Công an tỉnh Bắc Giang và Tòa án nhân dân tối cao có gửi công văn đến Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đề nghị tòa chuyển hồ sơ để các cơ quan xem xét lại vụ việc của bà Hằng. Chúng tôi đã chỉ đạo cấp dưới chuyển hồ sơ. Bà Hằng có bị oan hay không thì phải đợi kết quả xem xét”. * Ông Nguyễn Việt Hùng (chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao): “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn nhiều đơn thư tồn đọng chưa giải quyết. Bà Hằng muốn biết kết quả giải quyết đơn thì nên đến Vụ 7 (Vụ Khiếu tố) xem tiến độ xem xét đơn đến đâu hoặc xem người ta đã phân loại, chuyển đơn đi đâu”. |
TÂM LỤA