25/11/2024

Hãy nghĩ đến mẹ trước khi vung dao

Có nghĩ đến hình ảnh người mẹ già vẫn khắc khoải chờ con đi chơi khuya chưa về; có nghĩ đến công lao người mẹ bao năm chăm bón, dạy dỗ với niềm tin con đã nên người… chắc chắn rằng trước khi làm điều ác nào đó, người ta sẽ suy nghĩ lại.

Hãy nghĩ đến mẹ trước khi vung dao

Hình ảnh người mẹ khóc lóc vật vạ trước sân tòa án sau khi nghe hội đồng xét xử tuyên án tử hình Hồ Duy Trúc – bị cáo trong vụ án chặt tay nạn nhân, cướp xe SH – đã gây ra xúc cảm trái chiều trong lòng bạn đọc Tuổi Trẻ Online (TTO- tuoitre.vn).

Thân nhân của Hồ Duy Trúc gào thét tại sân tòa án – Ảnh: Quang Nguyễn 

Đây cũng là một trong những bài viết thu hút nhiều tranh luận trên TTO tuần qua với hơn 600 ý kiến phản hồi.

Theo dõi phiên toà, nhiều bạn đọc trách người mẹ đã không biết dạy con để bị cáo trở thành kẻ cướp máu lạnh, rồi sau đó lại manh động nơi chốn công đường. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn đọc thương cho người mẹ với nỗi đau mất con khi giọt máu mình mang nặng đẻ đau phải lãnh án tử hình.

Đứng về phía những người phê phán, một bạn đọc ký tên Cô giáo nghèo viết: “Không phải ai nghèo khổ cũng có cách bênh con như bà mẹ này. Bà còn đòi chém chết nạn nhân nếu biết con mình bị tử hình. Nạn nhân có tội gì, có làm gì xúc phạm đến gia đình bà? Cả con gái bà cũng tham gia chửi bới mọi người và hùa theo bà. Không thể đổ lỗi cho xã hội. Đây là vấn đề của lương tâm. Người ta dù nghèo vẫn có lương tâm, lương tâm của một con người”.

Còn ở góc độ một người mẹ, không ít bạn đọc cho rằng việc phản ứng đó có hơi quá đáng nhưng cũng nên cảm thông cho bà bởi có người mẹ nào mà không thương con; có người mẹ nào mà không bàng hoàng, sửng sốt khi nghe rằng mình sẽ vĩnh viễn mất đứa con trai mang nặng đẻ đau…

Trong số này, bạn đọc Trần Minh Thu viết: “Đọc xong bài viết, tôi thấy rất buồn và xót xa cho người mẹ khi biết con mình bị xử tử hình. Nếu tôi là mẹ của Trúc, tôi sẽ không dám đến dự phiên tòa, không dám đối mặt với các nạn nhân do con mình gây ra. Có con hư là nỗi đau của các bà mẹ. Vì không bà mẹ nào muốn con mình sinh ra trở thành kẻ độc ác, bị pháp luật xử tử hình. Nhưng nếu bà mẹ biết quan tâm đến con mình thì có lẽ không có ngày hôm nay. Trúc còn quá trẻ…”.

Trung dung hơn, có một luồng ý kiến dù rất cũ nhưng vẫn còn giá trị là qua câu chuyện đau lòng này, một lần nữa đã cảnh tỉnh mọi người nhìn lại: Hãy nghĩ đến mẹ trước khi làm điều độc ác! Có nghĩ đến hình ảnh người mẹ già vẫn khắc khoải chờ con đi chơi khuya chưa về; có nghĩ đến công lao người mẹ bao năm chăm bón, dạy dỗ với niềm tin con đã nên người… chắc chắn rằng trước khi làm điều ác nào đó, người ta sẽ suy nghĩ lại.

Và, cuối cùng một luồng ý kiến được nhiều người đồng tình nhất, đó là: cho dù bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ kỷ cương nơi chốn pháp đình. Theo nhiều bạn đọc, để xảy ra những hình ảnh không hay như phiên toà ngày 25-12, trước hết phải thừa nhận lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp không thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Bạn đọc có tên Nedcen đề nghị: “Tôi cho rằng qua vụ việc này, các vị có trách nhiệm cần phải chấn chỉnh việc bảo vệ các phiên toà cho nghiêm túc hơn, có kế hoạch bảo vệ các thẩm phán an toàn hơn”. Bạn đọc Lê Minh đồng tình: “Trong trường hợp này, có thể các cảnh sát bảo vệ không muốn khiến gia đình bị cáo thêm ức chế, điên cuồng vì người ruột thịt bị tử hình. Nhưng luật pháp phải được giữ nghiêm, đặc biệt nơi công đường. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp nên có phương án cương quyết hơn để ngăn chặn những hành vi manh động”.

TTO