18/09/2024

Nhà máy vàng Phước Sơn: “Sẽ trả nợ nếu công ty hoạt động lại”

Liên quan tình hình nợ của Công ty TNHH vàng Phước Sơn và âu lo sự tháo chạy của lãnh đạo Tập đoàn Besra, chính quyền Quảng Nam khẳng định vẫn còn các cam kết của đại sứ quán các quốc gia có liên quan và tài sản cố định của tập đoàn lớn hơn tổng dư nợ.

Nhà máy vàng Phước Sơn: “Sẽ trả nợ nếu công ty hoạt động lại”

Liên quan tình hình nợ của Công ty TNHH vàng Phước Sơn và âu lo sự tháo chạy của lãnh đạo Tập đoàn Besra, chính quyền Quảng Nam khẳng định vẫn còn các cam kết của đại sứ quán các quốc gia có liên quan và tài sản cố định của tập đoàn lớn hơn tổng dư nợ.

Hệ thống máy khoan đá chuyển ra cho các dây chuyền xay trước khi đưa vào lò tuyển quặng vàng tại mỏ vàng Đaksa thuộc Công ty vàng Phước Sơn (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) - Ảnh: Đăng Nam 

Chiều 27-12, chính quyền huyện Phước Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH vàng Phước Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy vàng Phước Sơn thuộc Tập đoàn Besra) và Công ty Quảng An (trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, nhà thầu chính của Công ty vàng Phước Sơn), nội dung cuộc làm việc không được tiết lộ. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc Công ty vàng Phước Sơn Phạm Quang Ngũ cho biết mọi việc cơ bản đã được thỏa thuận, dự kiến hôm nay 28-12 công ty sẽ hoạt động trở lại.

Công an vào cuộc

Liên quan đến việc có nhiều ý kiến đánh giá rằng tài sản cố định của công ty quá ít không đủ để trả các khoản nợ, ông Ngũ cho biết đánh giá như vậy là không chính xác bởi Tập đoàn Besra đã đầu tư vào đây 100 triệu USD, tức hơn 2.000 tỉ đồng, thì không thể nói là không đủ trả nợ. Về việc lãnh đạo của Tập đoàn Besra (chiếm hơn 80% cổ phần của Công ty vàng Phước Sơn) ở nước ngoài có quay về VN không, ông Ngũ khẳng định chắc chắn rằng họ sẽ quay lại cùng làm việc. “Giám đốc điều hành hiện tại của chúng tôi vẫn ở VN. Nghỉ Noel, Tết dương lịch họ về là bình thường” – ông Ngũ nói.

Đại tá Dương Tấn Bộ – trưởng phòng an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam – cho biết công an tỉnh đang vào cuộc xung quanh chuyện nợ nần này. Trước số nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, nợ trong dân, nợ từ các đối tác khác, liệu nhà đầu tư nước ngoài – Tập đoàn Besra – có tháo chạy? Đại tá Bộ cho rằng vụ việc không đơn giản vì họ còn tài sản rất lớn, còn các cam kết của đại sứ quán các nước có công ty đa quốc gia đang làm ăn tại VN liên quan Tập đoàn Besra.

Một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định có ba đại sứ quán của ba nước liên quan đến công ty này đã có văn bản cam kết với Thủ tướng nên “không sợ”. Ngoài ra, số tài sản cố định gồm hai nhà máy vàng do Besra đầu tư (Phước Sơn và Bồng Miêu) trị giá hàng triệu USD, đặc biệt là tài liệu địa chất của họ để lại không dưới 15 triệu USD nên số nợ trên là “không lo”.

“Về trữ lượng vàng, họ khai thác chừng hơn 5 tấn, nhưng thực tế lượng vàng còn lại của mỏ vàng Phước Đức này khoảng 35 tấn nên mọi việc không quá quan ngại. Vấn đề bây giờ là ổn định đời sống người dân trước tết, đảm bảo an ninh cho địa phương và cùng người dân tháo gỡ khó khăn. Yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ vụ việc, nợ nần rồi tìm cách tháo gỡ” – vị lãnh đạo này cho hay.

“Công ty VN lãi, nước ngoài lỗ”

Trả lời câu hỏi tại sao công ty khai thác vàng lớn nhất VN lại lỗ liên tục, ông Phạm Quang Ngũ nói: “Nếu như chúng tôi mà là công ty VN thì có lãi, còn nước ngoài thì lỗ. Vì làm ra 1 tấn quặng kê khai các loại thuế phí đúng 1 tấn. Từ lúc cân ở mỏ, cân ở nhà máy, thí nghiệm ở mỏ, đầu vào, đầu ra… đều kê khai chặt chẽ. Còn các đơn vị VN thì chưa chắc”. Ngoài ra, nguyên nhân lỗ do đầu tư xử lý chất thải quá lớn, các chuyên gia nước ngoài lương cao, chi phí lớn. “Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng lỗ, chỉ mới đây thôi do giá vàng quá thấp, các năm trước chúng tôi vẫn lãi” – ông Ngũ nói. Cũng theo ông Ngũ, chi phí khấu hao quá lớn nên lỗ ban đầu là không tránh khỏi. “Mỗi mũi khoan thăm dò chúng tôi tốn đến 100 USD/mét chiều sâu. Từ năm 1998 đến nay khoản đầu tư này rất lớn” – ông Ngũ nói.

Ông Phạm Quang Ngũ cho rằng do nhà máy ở Bồng Miêu (cùng thuộc Tập đoàn Besra) đóng cửa nên chỉ còn một nơi sản xuất là Phước Sơn, vì vậy các khoản thu cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra theo ông Ngũ, việc tăng thuế liên tục cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý tài chính của tập đoàn, khi từ 6% năm 1999 tăng lên 9% rồi 15% như hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn không đồng nghĩa với việc công ty không trả tiền, kể cả nợ thuế với chính quyền địa phương. “Chúng tôi trả nợ nhưng với điều kiện là phải cho công ty hoạt động lại chứ không thể phong tỏa như vậy” – ông Ngũ nói.

Liên quan đến nợ nần của Công ty vàng Phước Sơn và Công ty Quảng An do vợ của chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức Đỗ Ngọc Thắng làm chủ, chiều 27-12 ông Thắng đã chính thức nộp đơn xin từ chức chủ tịch thị trấn này. Theo ông Thắng, việc nộp đơn từ chức của ông là bình thường vì ông cảm thấy mình vi phạm những điều đảng viên không được làm. “Tôi làm cán bộ 27 năm rồi, làm chủ tịch hai năm. Hôm cuối năm họp kiểm điểm tôi tự nhận khuyết điểm rồi. Tôi không lợi dụng chức chủ tịch làm bậy bạ, chừ sai thì nghỉ thôi” – ông Thắng nói. Về nợ nần của công ty gia đình mình, ông Thắng cho biết tổng số nợ mà ông phải trả cho các đối tác là 32 tỉ đồng, trong đó ngân hàng 4 tỉ, đặc biệt là hàng chục hộ dân, công nhân, đối tác, các công ty con, nhà thầu phụ…

TẤN VŨ