Rau ‘siêu tốc’
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, công tác tại Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng việc sử dụng thuốc tăng trưởng đối với rau mầm, giá đỗ là rất nguy hại. Bởi trong thành phần của loại thuốc kích thích tăng trưởng này thường bao gồm các chất p-chlorophenoxyacetic a xít và 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. Khi hai chất này theo thức ăn ngấm vào cơ thể sẽ gây hại cho sức khỏe, về lâu dài có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm như ung thư.
Thâm nhập nhiều làng rau xanh, giá đỗ nổi tiếng trên địa bàn thủ đô Hà Nội, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh ngâm tẩm hoá chất tràn lan theo quy trình “rau siêu tốc”, bất chấp sức khoẻ người tiêu dùng.
|
Gia đình bà N.T.T ở thôn Vân Trì, xã Vân Nội (H.Đông Anh, Hà Nội) được coi là hộ sản xuất rau mầm lớn trong xã. Theo lời bà T., ngày cao điểm, hộ nhà bà đưa ra chợ gần 3 tạ rau mầm. “Cơ sở nhà tôi làm lớn nhất nhì trong vùng, ngày nào cũng có thể cung cấp rau mầm, kể cả cửa hàng mình muốn lấy với số lượng lớn, miễn là gọi trước cho tôi một ngày”, vừa nói bà T. dẫn chúng tôi ra cánh đồng trồng rau.
|
“Chỉ là nước kích thích…”
Tại góc cuối của thửa ruộng, cô con gái bà T. tay đeo găng, miệng bịt khẩu trang đang lúi húi đổ những tuýp thuốc loại 2 ml, dài chừng 5 cm, chứa chất lỏng trong suốt vào bình phun thuốc. Sau đó, cô gái đeo bình lên vai và phun khắp lượt cho những luống rau mầm cải ngọt. Trong khi đó, ở gần thửa ruộng trồng rau mầm đỗ tương, chồng bà T. đang đổ hạt giống su hào, đỗ xanh, đậu đỏ vào chiếc nồi nhôm để bắt đầu giai đoạn ủ. Chồng bà T. cũng pha thứ dung dịch trong tuýp thuốc với nước, sau đó đổ vào nồi hạt giống và lắc đều… Khi chúng tôi tò mò muốn biết thông tin về loại thuốc vừa để trộn với đống hạt mầm, chồng bà T. nói một cách miễn cưỡng “chỉ là nước kích thích hạt nảy mầm, hoàn toàn không có gì độc hại”, rồi nhanh chóng ủ đống rơm khô lên che kín nồi.
|
Tại hộ sản xuất rau mầm của ông H. ở cuối xã Vân Nội, khi biết chúng tôi là những người “cần mua rau số lượng lớn”, ông H. đã tiết lộ: “Thông thường rau mầm trồng ở ruộng thì phải gần 2 tuần mới thu hoạch. Còn gặp trời rét, sương muối như thế này, chắc sẽ phải hơn. Nhưng nếu dùng loại thuốc kích thích của Trung Quốc thì chỉ mất từ 4 đến 5 ngày, mà rau cũng đẹp, nhìn bắt mắt hơn”.
Không chỉ ở Đông Anh, hiện nhiều khu vực chuyên trồng rau ở ngoại thành như Thường Tín, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm Đông Anh, Từ Liêm… cũng sử dụng loại thuốc kích thích để trồng rau “siêu tốc”. Tại các vựa rau An Khánh, Song Phương, Vân Canh (thuộc H.Hoài Đức) và Ninh Sở (thuộc H.Thường Tín)… rau mầm gieo bằng các loại hạt giống phổ biến như: cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống, rau dền, củ cải, cải đắng… cũng được “tắm” loại thuốc trên.
|
“Không chỉ có thuốc kích thích tăng trưởng, họ còn nhập cả những loại hạt giống từ Trung Quốc về để làm rau mầm. Chỉ cần một cuộc điện thoại là lái buôn sẽ cho ô tô tải chở về tận làng. Thông thường các hộ làm rau mầm đều có nhu cầu nhập hàng tạ hạt giống mỗi lần. Nhiều hộ, một tháng nhập tới 6 tấn hạt”, ông Tuấn (ở làng Song Phương, H.Hoài Đức), người từng có nhiều năm làm rau mầm bỏ mối ở chợ Long Biên, nay chuyển qua buôn bất động sản, tiết lộ.
Ngoài rau mầm, giá đỗ cũng đang bị ép vào “quy trình sản xuất siêu tốc”. Qua khảo sát tại xã Thượng Cát (thuộc H.Từ Liêm), PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng các cơ sở dùng thuốc kích thích để làm giá đỗ đã ở mức báo động đỏ. Ước tính với trên dưới 50 hộ sản xuất, mỗi ngày Thượng Cát cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 50 – 60 tạ giá.
Điều đáng nói hơn là loại thuốc kích thích giá đỗ, rau mầm này hầu như được bày bán công khai tại các hiệu thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các quận, huyện ngoại thành Hà Nội.
|
Toàn thuốc độc hại
Tại nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn các xã Minh Khai, Tây Tựu, Đông Ngạc… (H.Từ Liêm); P.Dương Nội, P.Đồng Mai, P.Phú Lương, P.Trung Văn (Q.Hà Đông)… đều có bán loại thuốc kích thích giá đỗ, rau mầm với giá chỉ từ 45.000 – 50.000 đồng/hộp (20 tuýp). Nếu mua số lượng nhiều giá sẽ rẻ hơn. Quan sát kỹ, mỗi tuýp thuốc trong hộp chỉ to cỡ ngón tay út, chứa chất lỏng màu trắng với dung tích 2 ml, ngoài vỏ hộp chỉ có chữ Trung Quốc, không hề có địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng hay tem nhãn VN. Theo hướng dẫn của người bán, 2 tuýp thuốc pha với từ 5 đến 6 lít nước và có thể tưới cho gần 1 tạ hạt rau mầm giống. So với phương pháp sản xuất truyền thống, rau mầm và giá đỗ được “tắm” thuốc kích thích thường to gấp rưỡi.
|
Chúng tôi đã mang những tuýp thuốc “siêu tốc” mua tại các cửa hàng nhân danh “bảo vệ thực vật” đặt lên bàn ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội. Sau khi quan sát, ông Hồng nói thẳng những thứ này “không nằm trong danh mục được phép sử dụng ở VN và cũng không loại trừ khả năng tồn dư phụ phẩm, phụ chất độc hại sinh ra trong quá trình sản xuất”. “Người dân không nên sử dụng để tránh ảnh hưởng tới môi trường cũng như sức khỏe”, ông Hồng khuyến cáo. Trả lời thắc mắc hiện nhiều cửa hàng đang buôn bán công khai loại thuốc đáng sợ này, ông Hồng cho rằng “các tổ công tác nghiệp vụ vẫn thường xuyên đi kiểm tra nhưng không phát hiện ra, vì họ kinh doanh lén lút, gây khó khăn cho các tổ công tác nghiệp vụ”…
Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng bộ môn Thuốc – cỏ dại và môi trường (thuộc Viện Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học nông nghiệp VN), nói rõ đây là loại thuốc bị cấm sử dụng. Do vậy người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ để tránh mua phải loại rau mầm, giá đỗ “siêu tốc” bởi thuốc này. Theo bà Nhung, rau mầm, giá đỗ có sử dụng thuốc kích thì thân thường to, mập, mọng nước, giòn và thường không có rễ. Còn giá đỗ, rau mầm ủ bằng nước sạch thì thân nhỏ hơn, cuống thâm, rễ dài, bẻ ra thì cứng và dai hơn.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, công tác tại Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng việc sử dụng thuốc tăng trưởng đối với rau mầm, giá đỗ là rất nguy hại. Bởi trong thành phần của loại thuốc kích thích tăng trưởng này thường bao gồm các chất p-chlorophenoxyacetic a xít và 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. Khi hai chất này theo thức ăn ngấm vào cơ thể sẽ gây hại cho sức khỏe, về lâu dài có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm như ung thư.
|
Ngày 13.11 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ một xe tải chở 50 tấn hạt đỗ xanh, đỗ tương và 80.000 tuýp thuốc kích thích tăng trưởng nảy mầm dùng cho giá đỗ, rau mầm nhập lậu từ Trung Quốc. Theo trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6 – PC49, lái xe khai nhận thường xuyên vận chuyển mặt hàng này cho các cơ sở làm rau mầm và giá đỗ.
|
Hà An – Nguyễn Tuấn