Đoạn trường ba cô dâu Việt bị đày ải
Gần bốn năm lao động đày ải trong vùng núi hẻo lánh Nam Bình, sức chống chọi cạn kiệt, Hoa ngất xỉu trên đồng mía vào một ngày mùa đông năm 2012. Được đưa vào trạm xá, nhưng ngay trong ngày đầu tiên sau khi được truyền dịch mà sức khỏe không khả quan, Hoa bị đem lên xe chở đi và vứt lại bên vệ đường…
Đoạn trường ba cô dâu Việt bị đày ải
Chiều 24-12, sau nhiều nỗ lực liên lạc, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp được ba cô dâu Việt tại Trung Quốc là Trịnh Thị Hoa, Tô Thị Hà, Mai Thị Sự để thông báo tin vui: các cô sắp được trở về đoàn tụ với gia đình.
Buổi chiều ngày Giáng sinh tiết trời ở Phúc Châu giá rét xuống dưới 5 độ C, nhưng nụ cười của ba cô dâu VN dường như đang sưởi ấm cả một góc Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc). Sưởi ấm cho những người đã chăm sóc và kỳ vọng về một cuộc đoàn tụ sắp đến của họ. Bác sĩ Chu Phong – trưởng khoa trị liệu của Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Phúc Châu – nói: “Từ ngày vào bệnh viện, lần đầu tiên chúng tôi mới thấy ba người phụ nữ ấy cười…”.
Bị sang tay và đưa đi khắp nơi
“Mẹ ơi! Tết này con về với mẹ rồi…” Trịnh Thị Hoa nói như reo qua điện thoại khi phóng viên liên lạc để cô nói chuyện với người mẹ Trịnh Thị Lan ở quê nhà. Bên kia, giọng bà Trịnh Thị Lan đang ở Bắc Giang cũng cười mà như nghẹn ngào, đứa con gái duy nhất của bà sau gần năm năm mất tích, nay đã tìm được và sắp trở về với vòng tay mẹ. |
Bác sĩ Chu Phong nói điều ấy bằng niềm vui và sự xúc động, nhưng ông vẫn chưa hiểu hết vì sao cho đến buổi chiều hôm nay, những bệnh nhân VN của ông mới lần đầu tiên nở nụ cười sau nhiều ngày tháng được ông chăm sóc. Bởi có lẽ đó là lúc ba người phụ nữ ấy tin rằng mình sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình và lần đầu tiên kể lại những năm tháng bị đày đọa trên đất Trung Quốc.
Kiệm lời và trải qua hành trình bị đày ải dài nhất trên đất Trung Quốc trong ba người là bà Mai Thị Sự. Sự già nua và trí óc đã mất phần tỉnh táo không thể giúp bà vẽ lại rành mạch chặng đường khổ ải hơn 20 năm từ khi bà sang Trung Quốc. Bà Sự không nhớ bằng cách nào bà lại có mặt tại Phúc Kiến, chỉ nhớ lần cuối khi còn ở Hải Phòng (theo lời bà là năm 1991), bị một người dụ dỗ lên ôtô đưa đi, nói sẽ cho nhiều đôla và đưa thẳng sang Trung Quốc. Sau đó bà bị bán làm vợ cho một người đàn ông già ở Quảng Châu, rồi khi ông mất bà tiếp tục bị bán. Cho đến ngày được cảnh sát phát hiện và đưa vào bệnh viện tâm thần, bà Sự không nhớ đã bị bán bao nhiêu lần. Nhưng lần cuối cùng khi thân xác đã già nua tàn tạ, bà không bị bán mà bị đẩy ra đường, lang thang đói rách…
Trí óc không bình thường có thể làm bà Sự quên đi nhiều thứ, nhưng khuôn mặt của chị gái Mai Thị Hòa cho dù đã hơn 20 năm ly tán vẫn được bà nhận ra qua tấm ảnh mà phóng viên Tuổi Trẻ vừa chụp. Cái sẹo dài trên khuôn mặt bà Sự mà bà Hòa nhắc vẫn còn in rõ trên gương mặt già nua của bà.
Bị vứt ra đường
Với Trịnh Thị Hoa, chặng đường đày đọa bắt đầu sau buổi sáng theo một người bạn trai tên Trung, quê ở Thái Nguyên, đi chơi. “Bạn chở tôi đi bằng xe máy, đi một ngày thì đến nơi, chỉ đến khi ngồi ăn nghe người ta nói chuyện mà không hiểu, thức ăn thì mùi vị lạ nuốt không được tôi mới biết đây là Trung Quốc” – Hoa kể lại một cách đơn giản. Nhưng sau bữa ăn ấy thì cuộc đời của Hoa không còn đơn giản như chuyến đi chơi mà cô nghĩ. Chưa kịp thắc mắc vì sao lại sang Trung Quốc thì người bạn trai lẳng lặng bỏ Hoa ở lại, một người phụ nữ nói tiếng Việt nói thẳng với Hoa là cô đã bị bán. Hoa bị đưa lên xe đến một vùng núi hoang vu gả cho một nông dân ở ngoại ô thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến. Hoa không biết kêu cứu ai và có kêu cũng không ai hiểu.
Số tiền mà gia đình nông dân đã bỏ ra để mua mình là bao nhiêu Hoa không rõ. Nhưng bi kịch của một cô dâu Việt cứ nặng dần theo đúng nghĩa đen khi mỗi ngày Hoa phải dậy thật sớm để chăn bầy trâu 20 con và vác mía, kéo mật khi ruộng mía vào mùa. Cô gái Bắc Giang lơ ngơ, bị tâm thần phân liệt vốn chỉ có thể giúp mẹ bắc nồi cơm, quét được khoảnh sân, sang Trung Quốc phải nai lưng ra làm những công việc nặng nhọc cho gia đình xa lạ đã mua mình.
Gần bốn năm lao động đày ải trong vùng núi hẻo lánh Nam Bình, sức chống chọi cạn kiệt, Hoa ngất xỉu trên đồng mía vào một ngày mùa đông năm 2012. Được đưa vào trạm xá, nhưng ngay trong ngày đầu tiên sau khi được truyền dịch mà sức khỏe không khả quan, Hoa bị đem lên xe chở đi và vứt lại bên vệ đường…
Sống với đòn roi
Suốt cuộc nói chuyện, Tô Thị Hà cứ cúi gằm mặt. Tấm ảnh chụp Hà ngày chưa sang Trung Quốc chúng tôi chụp lại từ gia đình được đưa cho Hà xem để bắt quen chỉ làm cô cười trong thoáng chốc, nhưng lại gợn lên cho Hà nỗi buồn khó nguôi ngoai. Đó là tấm ảnh chụp khi đôi chân Hà còn đi lại được, không phải ngồi xe lăn với bàn chân trái gập lên như bây giờ. Bàn tay đã tật nguyền sau trận sốt bại liệt, nay trở về thêm bàn chân tật nguyền vì trận đòn của nhà chồng.
Hà nhớ sau hành trình hai ngày đêm bằng ôtô từ biên giới đến một làng quê nghèo hẻo lánh cũng ở huyện Nam Bình, Hà chỉ được gia đình chồng đối xử tử tế trong mấy ngày đầu. Sau đó thì mới mờ sáng đã phải dậy nấu cơm cho cả gia đình chồng và khuấy cám cho bầy heo, cùng công việc đồng áng suốt cả ngày. Đôi tay tật nguyền của Hà không làm được nhiều việc nặng nhọc, còn người chồng Trung Quốc lại bị câm, và cách để người chồng ấy phản ứng là đánh đòn. Lúc đầu thì bằng cán chổi, sau có khi phang cả bằng đòn gánh. Và đỉnh điểm là trận đòn vỡ mắt cá chân.
Tật nguyền, không biết tiếng Trung Quốc, không nơi bám víu nhưng biết nếu ở lại gia đình chồng sẽ có ngày mất mạng vì đòn roi. Giữa năm 2011, Hà bỏ trốn và sau hai tháng lang thang, đói rách, Hà được đưa vào bệnh viện chăm sóc. So với Trịnh Thị Hoa và bà Mai Thị Sự, Hà là người có đầu óc tỉnh táo hơn. Nhưng có lẽ vì thế mà những nụ cười của Hà cũng ít hơn. Khi chúng tôi đưa điện thoại để Hà nói chuyện với chị gái Trịnh Thị Nguyệt, Hà chỉ cười nói được một lúc, rồi cúi mặt kìm lại để không khóc, không nghe điện thoại nữa. Gặng mãi, Hà mới buông lời: “Em nhớ chị nhưng em buồn lắm, không nói được…”. Rồi mắt Hà lại cúi gằm xuống đôi chân đã không còn lành lặn…
VIỄN SỰ – ĐÔNG PHƯƠNG