SEA Games cho ai? Để làm gì?
Tối 22-12, SEA Games 27 kết thúc. Lại tiếp tục một kỳ SEA Games bị ta thán về những màn chia chác huy chương, đầy dẫy những giọt nước mắt uất ức của VĐV vì trở thành nạn nhân của trò vơ vét huy chương.
SEA Games cho ai? Để làm gì?
Tối 22-12, SEA Games 27 kết thúc. Lại tiếp tục một kỳ SEA Games bị ta thán về những màn chia chác huy chương, đầy dẫy những giọt nước mắt uất ức của VĐV vì trở thành nạn nhân của trò vơ vét huy chương.
Chưa bao giờ SEA Games nói chung, với thể thao VN nói riêng, lại trở nên cấp bách với những câu hỏi: SEA Games cho ai? Để làm gì?
Những cuộc thi đấu thể thao luôn có nhiều mục đích: đem lại niềm vui cho nhân dân, quảng bá hình ảnh cho đất nước, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, tạo điều kiện cho chính thể thao vươn lên những đỉnh cao hơn. Trong tư cách ngày hội thể thao khu vực như vậy, SEA Games cần có những thay đổi.
1 Thế giới có hai cuộc thi đấu thể thao lớn: Thế vận hội và World Cup. Một dành cho bóng đá, và một dành cho tất cả các môn thể thao, trong đó có bóng đá, nhưng không giữ vai trò như những môn thể thao khác, gọi chung là các môn Olympic. Trong các cuộc thi này, điều quan trọng nhất không chỉ là kết quả thi đấu, mà là điều rất thiêng liêng trong thể thao mà chúng ta vẫn tôn vinh – tinh thần Olympic. Các cuộc thi ở các châu lục, ở từng khu vực cũng tổ chức theo tinh thần như vậy. SEA Games chính là cuộc thi Olympic cho các nước ASEAN.
Những đóng góp của SEA Games cho sự phát triển khu vực rất rõ ràng, cả về mặt thể thao, cả về mặt kinh tế – xã hội. SEA Games là một ngày hội thể thao khu vực được đón chờ với niềm háo hức, được dày công chuẩn bị và nhiệt thành đón nhận, theo dõi. Trong quá trình đó, nền thể thao VN đã trưởng thành vượt bậc, tạo nên những thành tích, những tấm gương có ý nghĩa xã hội.
Nhưng SEA Games có những nhược điểm cần phải chấn chỉnh. Đặc biệt ở khâu tổ chức, khi nước chủ nhà được phép khá tùy tiện trong việc xác định môn thi nhằm tạo thuận lợi cho sự chiến thắng của chính mình. Sự tùy tiện này lúc đầu được chấp nhận, như một sự ủng hộ cho nước đăng cai, nhưng bây giờ đã trở thành một cản trở cho chính nền thể thao của các nước, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch, cho công tác chuẩn bị của chính những người làm thể thao, đồng thời gây nên phản cảm trong sự đón nhận của dư luận xã hội. Đó là điều cần chấn chỉnh.
2 Thi đấu thể thao bao giờ cũng hướng tới chiến thắng. Chính khát vọng chiến thắng ấy tạo ra động lực, đem lại khí phách và niềm vui. Nhưng trong thể thao, tinh thần mã thượng cũng là một tiêu chí cơ bản, và người ta luôn nói tới “fair play” như một tiêu chí tinh thần, đạo lý trong thi đấu thể thao. Chỉ vì nhắm tới huy chương mà tổ chức một giải đấu theo kiểu chiến thắng bằng mọi giá, từ việc thao túng môn thi đến thao túng trọng tài là một việc làm trái với tinh thần Olympic.
Cái hại thứ nhất: gây tác hại đến việc tổ chức, lập kế hoạch, đến đầu tư và luyện tập ở các nước tham gia. Từ đó có thể sinh ra lãng phí khi việc thi đấu một lần không liên quan gì đến chiến lược đường dài. Sẽ rất khó cho nhà chiến lược khi mỗi năm lại phải thi một kiểu. Cái hại thứ hai: từ đó sinh ra tư tưởng thành tích trong thi đấu cả ở nhà tổ chức lẫn VĐV. Những hình ảnh khó chấp nhận trên thảm đấu xuất hiện khá nhiều: từ thái độ cay cú ăn thua đến những giọt nước mắt oan ức. Thậm chí có cảm giác rằng vì cay cú ăn thua mà người ta bất chấp cả tình hữu nghị. Xã hội không chấp nhận điều đó. Và bây giờ là điều hại thứ ba: SEA Games xa dần khán giả. Bây giờ đã đến lúc phải thay đổi.
3 Càng ngày khát vọng ra biển của các nước trong khu vực càng lớn. Từ SEA Games đến Asiad, rồi hướng về Olympic. Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam… đều đang đi theo con đường đó. Và đã có những kết quả ban đầu. Nhiều nước đã thể hiện rõ: họ không nhất thiết phải dồn toàn lực cho SEA Games. SEA Games có mục đích tự thân nên cần chiến thắng, nhưng SEA Games cũng là một khâu trong toàn bộ quá trình, như bước chuẩn bị chứ không phải là đích. Bởi thế không nên quá cay cú với SEA Games.
Không cay cú để tránh những chuyện phù du, nhưng lại rất quyết tâm trong những môn trọng điểm, những gì mang bản chất Olympic. Việc phân nhóm cho các môn thể thao của VN cũng đã thể hiện rõ điều này. Có vẻ như các nước trong khu vực đều nhận rõ mặt hạn chế mà ta đang nói tới. Bây giờ là lúc tất cả ngồi lại với nhau để nói ra cho rõ, cho quyết liệt sự thay đổi này.
Và cũng khá rõ, SEA Games 28 do Singapore đăng cai, hi vọng họ sẽ thật sự đi theo tiếng gọi Olympic. Rồi sau Singapore ai cũng sẽ làm như vậy. Các môn đặc thù cho các nước sẽ có vai trò trình diễn, giao lưu, mang đặc tính hữu nghị và văn hóa, chứ không phải là phương tiện để giành lấy vinh quang – một vinh quang vô ích. Bây giờ là lúc có thể thay đổi.
4 Chúng ta đang sống ở làng. Bơi trong ao làng là một thực tế. Nhưng gắng giữ ao làng trong sạch. Và khi bơi trong ao, luôn giữ khát vọng tìm đường ra sông, ra hồ, ra biển. Có cách nghĩ đúng thì sẽ có con đường đúng và kết quả tốt. Chúng ta đã biết điều đó, nhưng bây giờ là lúc phải dứt khoát.
Sân chơi tuyệt vời
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với những ý kiến cho rằng SEA Games là ao làng. Thực tế, đây là một sân chơi thật sự rất tuyệt vời của thể thao khu vực Đông Nam Á. Nhiều người không ủng hộ SEA Games bởi họ cho rằng mỗi kỳ đại hội đều có thêm nhiều môn lạ lùng mà chẳng bao giờ được thi đấu tại Olympic. Thế nhưng, liệu có cần thiết rằng toàn bộ số môn tranh tài ở SEA Games đều phải cho Olympic?” – ông Hoàng Vĩnh Giang, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Olympic VN, trả lời VTV Online.
Lãng phí
…Tính sơ sơ, 50 tỉ đồng từ ngân sách sẽ phải chi cho đoàn thể thao VN tham dự SEA Games 27. Với chỉ tiêu 70 HCV thì mỗi HCV SEA Games đã ngốn đến 700 triệu đồng. Khoản tiền này chưa tính đến các phụ phí khác như tiền thuê chuyên cơ, phương tiện đi lại. Tiền mà các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng phải bỏ ra để đưa người, máy móc, phương tiện sang tận Myanmar đưa tin, truyền hình về phục vụ người hâm mộ theo dõi ở quê nhà.
700 triệu đồng cho một tấm huy chương vàng – có xứng đáng không?
Xin thưa: Hoàn toàn xứng đáng, thậm chí là rẻ, nếu như tấm huy chương đó làm cho 90 triệu người dân VN ở quê nhà thấy sung sướng vì trình độ vận động viên VN đi lên, sánh ngang với bạn bè quốc tế hay đơn giản chỉ là thấy tự hào về một cử chỉ thượng võ, nhân văn. Đằng này, số tiền 700 triệu đồng lại mang đi lãng phí trong một sân chơi “ao làng” đầy chuyện chia chác, thiên vị. Mong các nhà hoạch định chiến lược thể thao nước nhà ngẫm lại!
H.C.T. (Petro Times)
VŨ CÔNG LẬP