Chịu đựng bạo hành do muốn “giữ mái ấm”
Hai người phụ nữ nhiều năm dài chịu đựng bạo hành từ người chồng đầu ấp tay gối run run kể lại cuộc sống “địa ngục” của mình, đến mức người nghe không thể nào tưởng tượng nổi.
Chịu đựng bạo hành do muốn “giữ mái ấm”
Không khí tại buổi tọa đàm “Phòng chống bạo lực gia đình – nạn nhân cần lên tiếng” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM phối hợp với Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức chiều 20-12 mỗi lúc mỗi “nóng” hơn bởi những chia sẻ của cả người trong cuộc lẫn chuyên gia tâm lý và khách tham dự.
Nuốt đòn roi
“Tôi chịu bạo hành 12 năm nay do chồng trăng hoa cặp hết người này tới người nọ, tôi chịu không nổi, lên tiếng nên bị đánh. Có lúc chồng tôi giậm chân lên cổ tôi, đến giờ giọng tôi vẫn bị khào khào. Đang ăn cơm chồng cũng cầm gậy tầm vông quất ngang lưng, tối đó tôi đi tiểu ra máu. Cánh tay tôi ổng cầm đập mạnh xuống bàn, gãy xương luôn” – bà N.T.B.K. nói trong tiếng uất nghẹn. Ngoài 50 tuổi, bà K. trông già hơn cả chục tuổi, một cánh tay vẫn còn trẹo vì gãy xương. Cứ mỗi lần trái gió trở trời, bà lại đau nhức. Những ngày tháng đó không chỉ làm thể xác bà đau đớn, năm 2007 bà bị bệnh tâm thần vì những ám ảnh bạo lực triền miên. Năm người con thấy mẹ như vậy cùng khuyên bà dứt khoát với cha. Bà ly thân, thuê phòng trọ sống với các con.
Còn chuyện của bà L.T.P. (44 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng nhiều cay đắng không kém. Vóc người nhỏ, đen sạm, bà kể cuộc sống của mình buồn phiền như thế nào sau khi lấy chồng. Quê ở Tây Ninh, năm 2001 bà lấy chồng rồi đến Sài Gòn sinh sống. Chồng bà không có nghề nghiệp ổn định, mới đầu đi làm lơ xe đường dài được một năm rồi thôi. Từ đó bà P. một tay lo kinh tế gia đình, chăm lo hai con. Bà kể: “Chồng tôi hay nhậu, mỗi lần nhậu lại đánh tôi và hai con, ban đêm chúng không ngủ được vì ám ảnh. Hàng xóm can ngăn cũng không được, tôi báo với công an phường, mấy lần người ta mời chồng tôi lên nhưng ổng vẫn chứng nào tật nấy. Năm 2011, chồng tôi bị cho đi cải tạo hơn một năm, trở về hiền lành một thời gian nhưng rồi chuyện đánh đập vẫn như cũ”. Hiện tại, mỗi ngày bà đi làm matxa, dọn nhà theo giờ, kiếm hơn 100.000 đồng nuôi chồng nuôi con, vậy mà chẳng được yên.
“Đừng im lặng nữa”
Đó là ý kiến của nhiều người khi nghe câu chuyện của hai người phụ nữ và những chuyện của cán bộ hội phụ nữ các quận, huyện khác tham dự tọa đàm. Có người đặt vấn đề với bà P.: “Hai con chị bị cha đánh đập như vậy có bị ảnh hưởng tâm lý hay không? Chưa kể khi lớn lên, bọn trẻ có thể có những hành vi bạo lực tương tự”. Lúc này, bà P. mới nói sẽ cứng rắn hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, không nhẫn nhịn như trước.
Theo ThS Hà Trung Thành – giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM, chủ trì buổi tọa đàm, bạo hành gia đình có tới bốn loại bạo lực: về thể xác (đánh đập, hành hạ), tình dục (cưỡng ép quan hệ vợ chồng khi không có sự đồng ý), tinh thần (cố tình không nói chuyện, không đoái hoài trong khoảng thời gian dài) và bạo lực xã hội (“bao vây” kinh tế, không cung cấp tiền, không cho vợ giao tiếp với xã hội, cắt đứt mọi mối quan hệ bên ngoài). ThS Thành dẫn chứng vài số liệu đau lòng: có 87% phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng về hành vi của chồng, 91% những đứa trẻ sống trong các gia đình ấy bị ảnh hưởng tâm lý hành vi nghiêm trọng – dễ có nguy cơ trở thành người bạo lực sau này…
Bên cạnh những giải pháp mềm mỏng, đa số khách tham dự đều cho rằng phụ nữ khi bị bạo hành cần tự cứu mình. Bà Đinh Thị Hồng Nhung, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Q.4, cho biết một trong những giải pháp để can thiệp nhanh là đưa nạn nhân đến nhà tạm lánh của khu phố, báo với cảnh sát khu vực để ngăn chặn hành vi bạo lực tái diễn… Nhưng trên hết, người phụ nữ cần có kiến thức và sự dứt khoát để không còn là nạn nhân của bạo hành gia đình.
YẾN TRINH