Dở khóc dở cười với khách Tây
Những năm gần đây, số vụ người nước ngoài gây rối, phạm pháp hoặc rơi vào cơ nhỡ trên địa bàn TP.HCM ngày càng nhiều. Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM vào cuộc với nhiệm vụ chuyên xử lý vụ việc liên quan đến những khách Tây này.
Dở khóc dở cười với khách Tây
Hai cha con người Pháp cơ nhỡ trong công viên 23-9, TP.HCM – Ảnh: Lê Vân
Một chiều cuối tháng 12-2013, chúng tôi đến công viên 23-9 (Q.1). Ông Hùng – một người chạy xe ôm tại công viên – cười lớn khi kể về hai cha con “ông Tây” người Pháp đang lang thang trong công viên gần một tháng nay. “Trời đất ơi, trước giờ tui mới thấy kiểu Tây bụi đời như vậy đó. Tây người ta bảnh, ăn ở khách sạn, dầu thơm nức mũi. Còn hai ông Tây này đúng kiểu Tây bụi đời, Tây cơ nhỡ có một không hai à nha!” – ông Hùng nói.
Hơn 200 người vi phạm
Đó chỉ là một trong số những ông Tây cơ nhỡ mà đội “113 xuất nhập cảnh” – tức đội quản lý cư trú người nước ngoài và kiểm tra xuất nhập cảnh (đội 4) Phòng quản lý xuất nhập cảnh đang thụ lý. Ngoài ra, còn vô số chuyện khóc cười với một số vị khách Tây “độc đáo” đến TP. Như chuyện ở truồng đi rong quậy phá, ăn không chịu trả tiền, đánh nhau, “sờ mó” không trả tiền, buôn bán ma túy, ăn xin trên đường… Khi có bất cứ vụ việc nào liên quan đến những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP, ngay lập tức các chiến sĩ thuộc đội “113 xuất nhập cảnh” phải có mặt để phối hợp với công an các quận huyện giải quyết vụ việc.
Đa số cán bộ thuộc đội 4 đều còn rất trẻ và thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Vì vậy, tùy theo ngôn ngữ, họ có nhiệm vụ theo sát các địa bàn có người nước ngoài cư trú. Nguyễn Việt Nam – một chiến sĩ thuộc đội 4 – chia sẻ vụ xử lý “mở hàng” ngày mồng 1 tết năm ngoái đã gặp ngay ông Tây dở hơi cởi truồng quậy phá: “Xử lý xong vụ đó, nguyên năm 2013 tụi tui gặp toàn mấy ông Tây tửng. Ông thì rối loạn tâm thần, ông thì say xỉn… quậy trời ơi luôn!”.
Một vụ Tây “tửng” mà đội 4 phải nhức đầu khi xử lý là vụ ông người Đức ở Q.Gò Vấp. Đỗ Duy – chiến sĩ đội 4 – kể lại: “Khoảng năm 2008 có ông A., quốc tịch Đức, tạm trú tại P.17, Q.Gò Vấp. Ông này bị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực (một dạng tâm thần nhẹ) gây xung đột với người dân, vì thường xuyên gây ồn ào trong khu vực. Khi người dân phản ảnh, công an phường xuống làm việc thì ông này khóa cửa không tiếp. Khi công an phường và cán bộ xuất nhập cảnh xuống thuyết phục thì ông này nói rằng: “Đây là nhà tao, tao muốn làm gì thì làm”. Sau đó, ông Tây này thường xuyên quậy phá, cán bộ xuống làm việc thì kiên quyết khóa cửa không tiếp, còn tạt nước đuổi cán bộ. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Công an TP, anh em phải chuyển qua phương án bắt nguội. Theo dõi trong thời gian gần một tuần, nhân lúc ông này ra ngoài mua đồ ăn, chúng tôi ập tới bất ngờ đưa về phường làm việc và nhờ bác sĩ tâm lý xuống kiểm tra. Ở phường, ông này la hét, chửi bới và gây náo loạn công an phường. Chúng tôi phải đưa ông A. tới bệnh viện khám bệnh và xử lý luôn. Một thời gian sau, ông này “được” trục xuất về nước do có bệnh. Anh em ngỡ đã thở phào nhẹ nhõm thì mới tháng 11-2013 lại nhận tin từ người dân báo ông A. đã quay lại Gò Vấp ở với vợ cũ người VN và lại đang quậy. Suốt mấy tháng nay chúng tôi phải thụ lý để làm thủ tục trục xuất và cấm nhập cảnh vĩnh viễn với ông này trong trạng thái “ù tai” vì bị la hét chửi bới mỗi khi phát bệnh”.
Chỉ trong năm 2013, đội 4 đã xử lý 89 vụ với 206 người nước ngoài vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn TP. Trong đó, quận 1 và quận 7 là hai địa bàn khiến các chiến sĩ đội 4 bận rộn suốt cả ngày lẫn đêm. “Có hôm đang giữa đêm nghe điện thoại báo phải gấp rút chạy đi xử lý một anh Tây đi “sờ mó” không chịu trả tiền. Hay những vụ ớn gáy như Tây tự sát lúc nửa đêm, nhẹ nhàng nhưng không khỏi “nổi điên” như Tây đi nhậu nhẹt rồi quên đường về khách sạn, gây rối trật tự với nhân viên khách sạn vì những chuyện vớ vẩn hay vợ chồng đánh nhau, bà vợ ẵm con bỏ đi, ông chồng lên công an báo vợ “bắt cóc” con mình! Đó là 1.001 kiểu quậy phá nhức đầu bất kể ngày đêm của một số người nước ngoài tại TP.HCM” – anh Nguyễn Việt Nam chia sẻ.
Nghĩa tình “Tây – ta”
Ông Nguyễn Minh Tuấn, đội phó đội 4, kể lại: “Có lần mình đang trực ở đội thì có bà khách nước ngoài đến cầu cứu vì đi ăn quên địa chỉ khách sạn đang ở mà không mang card của khách sạn. Bà này kêu xe ôm chở lòng vòng đến quận 7 vẫn tìm không ra, anh xe ôm hoảng quá, bỏ luôn bà khách ở lại. Bà này đến công an phường nhờ giúp đỡ và anh em bên công an phường kêu mình. Sau khi nói chuyện, mình chở bà khách đi lòng vòng khắp TP. Vừa đi vừa nói chuyện gợi ý cho bà khách nhớ lại những cung đường gần khách sạn, điểm nổi bật nhất, mấy tiếng đồng hồ sau thì mới chở bà này từ Bình Chánh về đúng khách sạn ở quận 1”.
Có nhiều trường hợp, khi phối hợp với cơ quan công an phường, đối tượng vi phạm pháp luật là phụ nữ có thai gần sinh. Nửa đêm cô này kêu đau bụng, các chiến sĩ đội 4 trở thành “ông đỡ bất đắc dĩ” gọi taxi đưa đối tượng đến bệnh viện sinh nở. “Lúc như vậy vừa đi vừa lo lắng chỉ sợ có chuyện gì hay cô này sinh giữa đường thì mình không biết làm thế nào. Nhưng đưa tới nơi khám bác sĩ nói cô này bị… trĩ chứ chưa đến ngày sinh” – anh Nam lắc đầu kể lại.
Khi xử lý vi phạm hay hỗ trợ người nước ngoài gặp sự cố, các chiến sĩ đội 4 luôn nhắc tới nghĩa tình của người dân TP với khách nước ngoài. Theo chân các chiến sĩ đội 4, chúng tôi gặp một ông già lượm ve chai có thể nói… bốn thứ tiếng ở công viên 23-9. Không ai biết tên thật của ông, chỉ thấy người dân gọi ông là Phillip. Ông ở công viên này trên 20 năm và nhiều lần giúp đỡ những vị khách Tây cơ nhỡ.
Gương mặt hằn những nét vất vả của cuộc đời nhưng khi nhắc đến những người nước ngoài từng được ông giúp đỡ, ông Phillip lại cười nhẹ nhõm. Vừa trò chuyện với hai cha con người Pháp đang được ông giúp đỡ, ông vừa kể về hoàn cảnh “hai người bạn mới” của mình. Do mất hết giấy tờ, tiền bạc nên hai cha con người Pháp đã phải sống lang thang ở công viên 23-9 hơn hai tháng nay. Có hôm, đói quá, họ vô tiệm bánh mì trên đường Phạm Ngũ Lão ăn mà không có tiền trả bị đánh một trận bầm giập. Biết chuyện nên ông Phillip cùng một số bạn nghèo trong công viên bàn cách giúp đỡ hai ông Tây thiếu may mắn này chờ cho đến ngày được lãnh sự quán cấp giấy tờ để về nước. Đồng thời, ông Phillip cũng gọi tới công an nhờ họ giúp đỡ cho hai cha con ông Tây này làm thủ tục trở về nước.
Trên tay lúc nào cũng cầm một chiếc gậy được lấy từ một nhánh cây bẻ sẵn, xỏ đôi dép mòn vẹt vào trong, quấn thêm một chiếc bao quanh bụng, khó ai có thể ngờ rằng người đàn ông làm nghề nhặt ve chai ấy lại có vốn tiếng Pháp đáng nể. Ông Phillip chia sẻ: cuộc đời ông gắn bó với công viên 23-9 từ hàng chục năm nay. Mỗi ngày ông tới đây nhặt ve chai để mưu sinh, ông đã gặp không ít khách du lịch nước ngoài vì lý do này khác mà bị mất hết giấy tờ, tiền bạc. Những lúc như vậy, ông lại ra tay nghĩa hiệp đưa họ lên công an phường hoặc đưa đến nơi cần giúp đỡ. Ông Phillip khoe chiếc phong bì ông giấu kín trong chiếc bao đựng rác của mình. Đó là khoản tiền mà ông tích cóp được từ nhặt ve chai và được khách du lịch cho thêm. Tất cả được ông xếp ngay ngắn, gọn gàng để vài ba hôm ông lại trích ra đưa cho “hai người bạn mới” người Pháp của mình để vô khách sạn ngủ và tắm rửa.
“Nhờ sự giúp đỡ của Phillip và một phụ nữ tốt bụng trong công viên, 23 tháng chạp vừa rồi hai cha con người Pháp đã hoàn thành thủ tục hồi hương” – anh Nam chia sẻ.
Bạn cũ dính ma túy Một kỷ niệm khó quên với đội phó đội 4 Phòng quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM Nguyễn Minh Tuấn là vụ bắt một đối tượng người Nigeria vì tội buôn bán ma túy. “Khi đưa anh này về nhà để khám xét, tôi gặp lại cô bạn học chung thời ĐH là vợ của người này. Tôi ray rứt mãi khi nhớ lại câu nói của người bạn cũ: Mình vào trong vòng xoáy này muốn ra mà ra không được. Cô ấy đang mang thai. Khi bắt rồi, có nhắn nhủ mình một câu: Nếu vợ chồng tôi có chết thì bạn nói giúp với mẹ tôi chăm con của tôi” – ông Tuấn bồi hồi nhớ lại. |
Túc trực đường dây nóng Trung tá Ngô Văn Hưởng – người đã có kinh nghiệm hơn 26 năm xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài – cho biết người nước ngoài có nhiều thành phần, quốc tịch và trình độ cũng khác nhau. Có nhiều vụ việc xảy ra xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa nên đòi hỏi cán bộ phải linh hoạt và khéo léo khi xử lý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trung tá Hưởng cũng cho biết thêm: hiện đội 4 có trên 20 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 2/3 là lực lượng trẻ. Hầu như các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn TP đều có sự phối hợp của cán bộ Phòng quản lý xuất nhập cảnh. Ngoài ra, cán bộ đội 4 cũng xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài từ các số điện thoại của đường dây nóng tại các quận huyện. “Nói là Tết Nguyên đán nhưng vẫn phải chia nhau trực đường dây nóng vì thường vào các dịp lễ lạt là “các ảnh” hay tới bến lắm” – ông Tuấn – đội phó “đội 113”, dí dỏm bộc bạch. |
LÊ VÂN – MỸ THƯƠNG