26/11/2024

Lòng người vẫn ấm

“Cuộc sống như sông, như biển. Trên mặt là ầm ào sóng gió nhưng lặn sâu xuống dưới là một dòng chảy rất êm, rất ấm, rất miên man. Ấy chính là lòng người”.

 

Lòng người vẫn ấm

26/01/2014 15:04 (GMT + 7)
 
 

TT – “Cuộc sống như sông, như biển. Trên mặt là ầm ào sóng gió nhưng lặn sâu xuống dưới là một dòng chảy rất êm, rất ấm, rất miên man. Ấy chính là lòng người”.

Chia sẻ này của nhà báo Hàng Chức Nguyên nhận được sự đồng cảm của nhiều người trong cuộc trò chuyện cuối năm về những bông hoa của đời, những câu chuyện đẹp trong năm Quý Tỵ 2013. Tham gia cuộc trò chuyện cùng với nhà báo Hàng Chức Nguyên (người đã gắn sự nghiệp của mình với người nghèo) là chị Nguyễn Hướng Dương (giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù), nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (viện trưởng Viện Châu Á học), đạo diễn Tường Phương (người thực hiện nhiều bộ phim với nỗi niềm đau đáu về thân phận con người).

Cần tìm kiếm cái đẹp

 

 

Ảnh: T.T.

 

“Gần như cả đời mình tôi có may mắn luôn được làm việc, tiếp xúc với những người tốt, làm việc tốt. Từ đó, mùa xuân đến với tôi trong từng sát na của cuộc đời”

Chị Nguyễn Hướng Dương

 

Ảnh: T.T.

 

“Năm nay tôi đã 60 tuổi, đã nhiều vui buồn trải nghiệm với cuộc đời, tôi không còn phải dựa vào những câu chuyện đẹp để sống, để đứng dậy. Nhưng những câu chuyện đẹp với tôi vẫn cần thiết, nó làm tôi ấm lòng và tin rằng những điều tốt đẹp vẫn còn trên đời”

Đạo diễn Tường Phương

 

Ảnh: T.T.

 

“Xã hội có tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn, anh hùng – phản bội… nhưng ta hãy nhìn vào cái đẹp để sống tốt hơn, vui hơn, thoải mái hơn. Có vậy ta sẽ làm cho người khác cũng tốt, cũng vui, cũng thoải mái và cứ thế nhân ra”

Nhà sử học 
Nguyễn Khắc Thuần

 

* Nhìn lại mặt báo một năm qua, các anh chị nhớ nhất những câu chuyện nào?

– Chị Hướng Dương: Sáng nào tờ báo Tuổi Trẻ cũng là một món không thể thiếu đối với tôi. Có những cái ác đến không thể tưởng tượng được như chuyện bác sĩ vứt xác bệnh nhân, chuyện bảo mẫu đánh em bé không nương tay; lại cũng có những cái đẹp, cái tốt cũng ở mức không tưởng, như chuyện người cha ở trong ống cống nuôi con đậu thủ khoa đại học. Tôi nhớ khi đọc bài này đã rưng rưng nước mắt. Được cha để lại một gia tài quá lớn bằng ý chí, bằng nghị lực, bằng hi vọng, bằng mồ hôi nước mắt như thế, những người con của ông nhất định sẽ thành đạt, sẽ thành những bác sĩ, kỹ sư giỏi, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho đời, cho người.

– Đạo diễn Tường Phương: Ngày nhỏ má tôi thường dặn: “Sau này con lớn sẽ phải xa gia đình, nhớ đừng bao giờ làm chuyện bất nhơn nghe con”. Tôi hỏi má: “Bất nhơn là sao má?”. Má tôi bảo: “Bất nhơn là không có ích cho đời, cho người”. Mỗi khi đọc một bài báo, lời dặn ấy quẩn trong tôi: đây là chuyện “nhơn” hay “bất nhơn”? Lòng vui, ấm lên khi gặp một bài báo có “nhơn”, mang đến một hạt nhân giá trị cuộc sống, cho người đọc sự thăng bằng để tiếp tục sống tốt trong đời. Tất cả những câu chuyện đẹp được đăng trên báo bao giờ cũng được sự ủng hộ của độc giả, trong đó có tôi.

– Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Tôi hoan nghênh cách nhìn xã hội một cách sòng phẳng và công bằng, có tốt và có xấu, điều quan trọng là cái tâm hướng thiện của mỗi người. Có tâm hướng thiện, chúng ta sẽ tìm ra được cái đẹp trong đời. Làm truyền thông càng cần tìm kiếm cái đẹp để chỉ cho người khác thấy, để cùng nhau hướng thiện.

Mùa xuân nho nhỏ

* Có không ít người tỏ ra mất niềm tin vào cuộc sống, thất vọng với xã hội, từ đó phủ nhận ý nghĩa của những câu chuyện tốt đẹp. Anh chị nghĩ những câu chuyện đẹp dù nhỏ, dù lớn trong đời có giúp được họ không?

– Chị Hướng Dương: Ở tuổi 25 tôi bị tai nạn, cuộc đời như chấm dứt, tương lai như sụp đổ, nhưng rồi tôi đã được các bác sĩ không quản khó khăn cứu sống. Những ngày đầu tiên tôi đến đọc sách cho các em ở Trường Nguyễn Đình Chiểu đã có ngay báo Tuổi Trẻ đến cùng đồng hành, và đồng hành suốt 15 năm qua để chúng ta có được Thư viện sách nói như ngày hôm nay.

15 năm nay tôi luôn được gặp, được làm việc, được sống với những người tốt: những anh chị tình nguyện viên âm thầm và kiên trì đến đọc hàng chục ngàn trang sách, những mạnh thường quân đóng góp yêu cầu không nêu tên nhưng hãy báo ngay khi thư viện gặp khó khăn, những em bé góp tiền lì xì để giúp một bạn mù đồng trang lứa, những bà cụ góp tiền hưu trí mua đĩa tặng thư viện…

Cái hay, cái đẹp, cái tốt cứ thế mà lan đi. Những việc làm tốt của từng người là những “mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời”, đã cứu sống và giúp tôi sống hạnh phúc như thế trong cả đời. Còn bạn?

– Nhà báo Hàng Chức Nguyên: Tôi hiểu tâm lý của những người ấy. Những chuyện đáng lên án vẫn không ngừng xảy ra trong xã hội, nhưng không phải vì vậy mà quên đi cái tốt, cái thiện, cái đẹp. Lại có những người có biểu hiện văn hóa bên ngoài chưa tốt, có khi còn tỏ thái độ phản kháng xã hội, nhưng lòng tốt trong họ vẫn chìm ẩn bên dưới và sẽ bộc lộ ra lúc nào đó cần thiết.

Tôi không ảo tưởng là cái tốt sẽ lấn át được cái xấu, triệt tiêu cái xấu, một, hai hay mười người tốt cũng không làm nên được một xã hội tốt. Để xã hội tốt còn phải đòi hỏi sự hoàn thiện về nhiều mặt giáo dục, chính trị, kinh tế… Ngược lại, một hai cái xấu cũng không thể khái quát thành toàn cục.

– Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Tôi không đồng ý với cách nhìn nhận phiến diện rằng cái xấu, cái ác bây giờ tràn ngập. Cái xấu, cái ác thời nào cũng có, nhưng thời nay ta thấy nhiều hơn vì thông tin ngày nay thuận tiện hơn, đa chiều hơn, rộng rãi hơn, xu hướng minh bạch rõ hơn. Điều đó giúp ta hiểu mình, hiểu người hơn và dễ biết việc tốt mà làm. Những động thái gần đây cho thấy ranh giới giữa tốt và xấu đã ngày càng được phân định rạch ròi, công cụ để chống lại, phòng ngừa cái xấu cũng rõ ràng, có nỗ lực tốt.

Mỗi ngày đều có những chuyện tốt làm người ta ấm lòng, và như người ta nói “qua biến cố mới thấy được lòng người”. Nhìn dòng người trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm qua, ai cũng thấy rõ cái tốt, cái đẹp sẽ được ủng hộ, được tôn vinh, được tôn thờ.

– Đạo diễn Tường Phương: Là người làm phim, tôi luôn tìm chất liệu cho phim của mình trên báo, luôn khao khát những câu chuyện có thể đánh thức được lòng trắc ẩn, tâm hướng thiện của con người. Tôi gọi đó là công việc góp lửa, để những đốm lửa ấy gom lại cho lớn hơn, lan ra cho rộng hơn, nhân lên cho ánh sáng chan hòa hơn. Trước cái ác, cái xấu thì phải phản kháng, nhưng phản kháng là để giữ gìn những giá trị nhân văn, để phân biệt các giá trị thật – ảo.

Hi vọng thay đổi

* Nhân nói đến việc phân biệt các giá trị, việc làm đảo lộn các giá trị cũng có vai trò lớn của truyền thông. Các anh chị nhận thấy điều đó cần sửa chữa như thế nào?

– Nhà báo Hàng Chức Nguyên: Chúng ta phải nhớ khi viết về cái ác là để bảo vệ cái thiện, làm bật lên cái thiện. Trên báo Tuổi Trẻ mấy ngày nay, một sự kiện được khai thác rất đúng hướng theo ý đó: bài viết về chuyện anh xe ôm bị cướp giết chết và nghĩa cử của những đồng nghiệp nghèo của anh. Câu chuyện bắt đầu từ một tội ác đến tận cùng nhưng cũng đã có cái đẹp xuất hiện, làm ấm lòng được độc giả.

– Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Mở báo ra, nhất là báo mạng, tràn ngập những thông tin về ca sĩ, quần áo, giày, tóc, rồi những câu chuyện giật gân được khai thác tối đa… Các bài báo chất chứa tri thức, chất chứa giá trị nhân văn thì buồn thay, khiêm tốn khuất lấp ở đâu đó. Những hiện tượng như vậy, hi vọng năm Giáp Ngọ tới này sẽ được cải thiện.

PHẠM VŨ thực hiện

 

 

 

 

Ảnh: T.T.

* Nhà báo Hàng Chức Nguyên:

 

Tin vào lòng người

Những câu chuyện được đăng báo dĩ nhiên đã là những câu chuyện được chọn lọc, là những cái ác nổi cộm, là những cái đẹp rất lớn, rất nổi trội, rất tuyệt vời… Nhưng đi vào cuộc sống, ta sẽ còn thấy vô vàn câu chuyện khác thật nhỏ, thật lặng lẽ và thật đẹp.

Có hôm một chị bán bánh tráng đồng hương Quảng Ngãi kể với tôi: trên đường đi bán, chị được một người phụ nữ mời vào nhà uống nước rồi mời cơm chiều. Và rồi từ đó, cứ buổi chiều chị ấy lại để sẵn một phần cơm, khi thì úp trên bàn, khi thì sẵn sàng trong hộp chờ chị bán bánh tráng tới dùng…

Những chuyện đẹp tương tự như vậy có thể bắt gặp trong mỗi góc phố, mỗi con hẻm, mỗi con người. Tôi tin vào lòng người, lòng đời là ấm áp chứ không phải lạnh tanh, nên những câu chuyện đẹp cứ biết nhìn là thấy.