Tìm cách nói chuyện giới tính với con
Đứa con 10 tuổi vừa đi học về đã hỏi: “Bao cao su là gì hả mẹ?”, bà mẹ 37 tuổi có hai cô con gái bỗng cảm thấy hoang mang… Hay một gia đình khác, cha mẹ phát hoảng khi cậu con trai 10 tuổi của mình gào lên: “Yêu là có lỗi sao? Yêu là mang tội sao?”. Gặp những trường hợp như vậy, phụ huynh cần xử lý thế nào?
Tìm cách nói chuyện giới tính với con
Hay một gia đình khác, cha mẹ phát hoảng khi cậu con trai 10 tuổi của mình gào lên: “Yêu là có lỗi sao? Yêu là mang tội sao?”. Gặp những trường hợp như vậy, phụ huynh cần xử lý thế nào?
Những “cơn sóng thần”
“Trẻ cần học về giới tính từ khi bắt đầu có nhận thức và trí nhớ để tránh bị xâm hại. Ngoài ra, mỗi trẻ sẽ có sự phát triển tâm sinh lý khác nhau, nên không thể xác định một độ tuổi chung để cha mẹ bắt đầu nói chuyện giới tính với con. Những kiến thức về giới tính là khoa học, đòi hỏi tính chính xác và có logic, nhưng nói chuyện về giới tính lại không nên khô cứng và quá nghiêm túc” Chuyên gia tâm lý |
Sau khi bình tĩnh, bà Vũ Nghi (Q.7, TP.HCM) – bà mẹ 37 tuổi – nhẹ nhàng hỏi cô con gái tại sao đề cập vấn đề này. Cô bé ngây thơ trả lời: “Vì hôm nay cô giáo nói ở bên Mỹ người ta phát bao cao su cho người ở lứa tuổi có thể sử dụng để phòng tránh khi bị xâm hại. Cô giải thích bao cao su là một cái bao làm bằng cao su, dài như cái bong bóng. Mà tại sao nó dùng để tránh con gái bị xâm hại nhưng con trai lại dùng? Mẹ nói đi!”. Người mẹ hẹn sẽ giải thích cho con sau buổi học tối. Suốt buổi học, bà Nghi chỉ mong học xong và quên đòi mẹ câu trả lời. Lên mạng tìm hiểu thông tin, hỏi bạn bè, nhưng càng tìm hiểu bà Nghi càng thấy rối nên hẹn con sang tuần sau.
Câu chuyện thứ hai là của bà Kim Oanh (Vũng Tàu) kể về cậu con trai 10 tuổi, một lần cậu bé thông báo đã hai lần có người yêu. Cuộc họp gia đình được triệu tập ngay. Điện thoại của con bị tịch thu, giờ giấc, đi đứng “được” cả đại gia đình giám sát… Bà Kim Oanh cho biết mình 48 tuổi và chỉ có một cậu con trai nhỏ nên lo lắng đủ điều và không khỏi “sốc” khi con đề cập chuyện yêu đương sớm vậy.
Trường hợp bà Tú Anh (Đồng Nai) lại khác, cả nhà như gặp một “cơn sóng thần” khi cha mẹ phát hiện cậu con trai (13 tuổi) xem phim “người lớn” trong phòng. Con trai chỉ biết im lặng nghe cha mẹ mắng. Cuối cùng, sau một loạt câu hỏi liên tục tuôn trào ra của mẹ, cậu bé mới lí nhí: “Con vào đường link trên mạng Internet mà các bạn gửi, ban đầu con còn tắt, các bạn chê con nít. Vừa sợ bạn bè cô lập vừa tò mò cộng thêm cơ thể bồn chồn, rạo rực, cuối cùng con cũng mở lên xem…”. Dù con giải thích vậy nhưng vợ chồng bà Tú Anh vẫn thấy thất vọng về con, cộng thêm hoang mang, lo lắng không biết cách nào tháo gỡ.
Biến khó thành dễ
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng nói chuyện giới tính với con thật sự không khó. Đầu tiên, phải để con cái tâm sự chuyện này với cha mẹ. Có nhiều bạn nhỏ tâm sự: “Ba em quá nghiêm khắc nên em không dám lân la tới gần, chứ nói gì tới ngồi chung và nói chuyện”, “Mẹ tớ là người không mấy khi ngồi yên một chỗ, vừa nói mẹ vừa đi nên làm sao mà có thời gian tỉ tê”. Có bạn gái bảo: “Ba mẹ tớ giao hẹn cứ vào đại học mới nói chuyện bạn trai. Nên chưa bao giờ tớ dám nhắc tới chuyện bạn bè với ba mẹ. Ba mẹ nghĩ mình không quan tâm có nghĩa là vẫn còn con nít”…
Thật thế, cha mẹ cần xác định và đừng xem vấn đề giới tính xa lạ với cuộc sống, trong khi điều đó vẫn tồn tại trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Công nhận những câu hỏi của trẻ về giới tính, tình dục, xem đó là sự phát triển bình thường của lứa tuổi. Thái độ tiếp nhận của cha mẹ với những câu hỏi về giới tính của con góp phần làm cho câu chuyện trở nên khó hay dễ nói.
Cởi mở, bình đẳng
Tuy nhiên, khi cha mẹ sẵn sàng mà vẫn không thể trò chuyện được với con cái về đề tài này thì phải học. Các khóa chuyên đề do các chuyên gia tâm lý hướng dẫn sẽ giúp các bậc cha mẹ làm tròn trách nhiệm của mình. Không có công thức chung cho mọi trường hợp, các chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn cho phụ huynh cách nói chuyện với con chứ không phải ở bên cạnh con hằng ngày nhằm “ngăn ngừa bất trắc”. Việc né tránh hay hoảng loạn chỉ làm khoảng cách cha mẹ – con cái xa dần.
Theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ, phụ huynh hãy xem đây như đề tài thú vị, tìm những cách nói chuyện sao cho con cảm thấy nhẹ nhàng, không bị đỏ mặt, cuốn con tham gia vào đề tài một cách tự nhiên. Đề tài này được dùng nhiều ngôn từ khác nhau để diễn tả.
Đặc biệt, thái độ của cha mẹ rất quan trọng. Nếu luôn cởi mở, dễ chịu và xem con cái hoàn toàn bình đẳng với mình, bạn sẽ nhận được sự hợp tác tốt từ trẻ. Những câu hỏi đặt ra cho con cần đơn giản, dễ hiểu, dạng câu hỏi mở để trẻ dễ dàng trả lời. Cần tạo cảm giác được lắng nghe và chia sẻ thay vì bị phán xét, vặn vẹo, tra vấn nơi trẻ.
Bà Minh Huệ chia sẻ thêm trong buổi học đầu tiên, khi đưa tình huống tương tự của bà Nghi ra bàn luận, hầu hết bậc phụ huynh đều tỏ ra lúng túng, im lặng. Điều đó chứng tỏ nhiều bậc làm cha mẹ bối rối thật sự trước sự quan tâm về giới tính của con trẻ.
Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần trò chuyện với con thường xuyên về lòng tự trọng, tình yêu, giới tính và các mối quan hệ. Chọn những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi của con và trò chuyện thật thoải mái. Cười thật “xả láng” cùng con khi gặp những chuyện “bi hài”. Đừng cố gồng mình để trở thành những người cha bà mẹ khô khan và nghiêm khắc. Con sẽ không dám chia sẻ những điều thầm kín với bạn đâu!
DIỆU NGUYỄN
Biết về giới tính một cách tự nhiên nhất Trong câu chuyện Totto-chan – cô bé bên cửa sổ nổi tiếng của Nhật Bản có đoạn kể thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku giúp các em học sinh khuyết tật lứa tuổi mẫu giáo vứt bỏ được mặc cảm về bản thân bằng cách cho học sinh trong trường cởi hết quần áo và bơi cùng nhau. Khi đó bạn béo, bạn gầy, bạn nam, bạn nữ đều giống nhau, không ai mặc cảm và các em cũng không phải tìm hiểu sự khác biệt giữa hai giới tính bằng cách tiêu cực, mà bằng cách tự nhiên nhất là tắm cùng với nhau để bắt đầu cho bài học giới tính đầu đời của các em. |